LSAM 2017: Bài toán điều khiển hệ phi tuyến

Tiếp nối bài giảng của GS Henri Berestycki, GĐ Trung tâm nghiên cứu ứng dụng Toán CAMS, CNRS-EHESS và PSL Paris, bài giảng thứ hai của Chuỗi bài giảng Toán ứng dụng 2017 được thực hiện bởi GS. Jean-Michel Coron (Université Pierre et Marie Curie, Pháp) đã khai mạc sáng ngày 14/8/2017 với chủ đề “Bài toán điều khiển hệ phi tuyến”. Bài giảng sẽ được tiếp tục vào sáng 15 và 18/8/2017.

LSAM2017-Coron-1.JPG

GS. Jean-Michel Coron là một nhà Toán học người Pháp, đã từng làm việc trong lĩnh vực về giải tích hàm phi tuyến và đạt được những kết quả đáng kể. Ông đã được trao nhiều giải thưởng, như giải thưởng Fermat năm 1993, giải thưởng Jaffé năm 1995, giải thưởng Dargelos năm 2002 và giải thưởng ICIAM Maxwell năm 2015.


Nhờ có sự đồng hành và hỗ trợ từ phía Ngân hàng Bản Việt và uy tín quốc tế của GS. Ngô Bảo Châu nói riêng, cũng như của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán nói chung, chuỗi bài giảng toán ứng dụng 2017 đã mời được hai Giáo sư gạo cội trong lĩnh vực Toán ứng dụng đến giảng bài. Bài giảng của GS. Jean-Michel Coron giới thiệu bài toán điều khiển được và ổn định hóa hệ điều khiển. Trước hết, GS giới thiệu về các kết quả cổ điển về bài toán điều khiển được cho các hệ hữu hạn chiều; giải thích tại sao công cụ chính (móc Lie có lặp lại) để giải quyết bài toán trong trường hợp hữu hạn chiều khó có thể sử dụng để giải quyết các hệ điều khiển quan trọng được mô hình hóa bởi các phương trình đạo hàm riêng. GS sẽ trình bày phương pháp tiếp cận bài toán điều khiển được mà không sử dụng công cụ móc Lie có lặp cũng như đưa ra các ứng dụng của các phương pháp này vào các hệ vật lý như phương trình Navier-Stokes của chất lỏng không chịu nén, phương trình Korteweg-de Vries... Phần tiếp theo của bài giảng sẽ trình bày về tính ổn định hoá được và xem mối liên hệ giữa tính ổn định hoá được và tính điều khiển được.