Ngày hội Toán học mở (Math Open Day - MOD) TP. Hồ Chí Minh

Ngày 9/12/2018, tại Trường ĐH Sài Gòn, Ngày hội Toán học mở (Math Open Day - MOD) đã được tổ chức lần đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh, thu hút  gần 1000 học sinh, sinh viên, giảng viên, các bậc phụ huynh và người yêu Toán đến từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận. Sau bốn lần tổ chức thành công MOD tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán phối hợp với Trường ĐH Sài Gòn, Khoa Toán - Tin, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Tp Hồ Chí Minh đã tổ chức Ngày hội tại khu vực phía Nam, với mục đích chung tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên và những người yêu Toán trên cả nước… được trải nghiệm và cảm nhận vẻ đẹp của Toán học. 

Ngày hội vui mừng được đón tiếp sự tham dự của PGS. TS. Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, PGS. TS. Lê Minh Hà - Giám đốc Điều hành Viện, PGS. TS. Phạm Hoàng Quân - Hiệu trưởng trường ĐH Sài Gòn và GS. TS. Trần Linh Thước - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, GS. Phan Thanh Bình đã dành thời gian tham dự Ngày hội Toán học mở năm 2018 diễn cả ở khu vực phía Bắc và phía Nam. 

Với nội dung tổng thể của Ngày hội xuyên suốt từ Bắc vào Nam, bao gồm 3 hoạt động chính: 1. Triển lãm “Những ô cửa Toán học” ; 2. Các hoạt động trải nghiệm Toán học và Khoa học “Trong xứ sở Toán học diệu kỳ”; 3. Hoạt động chuyên môn với các bài giảng đại chúng và tọa đàm: “Toán học không xa cách”.  Hoạt động chuyên môn tại MOD Sài gòn bắt đầu với bài giảng đại chúng "Toán học trong trí tuệ nhân tạo" của GS. Nguyễn Hùng Sơn (ĐH Warsaw, Ba Lan). Bài giảng không đi sâu về Toán học, mà thông qua những ví dụ đơn giản, truyền tải mối liên hệ chặt chẽ của Toán học với các ngành khác, đặc biệt đối với khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, như một hình ảnh mà GS. Nguyễn Hùng Sơn đã giới thiệu với người nghe: “Toán học giống như con bạch tuộc, nó có những xúc tu, có thể vươn ra và chạm vào mọi thứ”.

 IMG_8177.JPG

GS. Nguyễn Hùng Sơn trình bày bài giảng đại chúng “Toán học trong trí tuệ nhân tạo”

Phần tọa đàm "Học toán để làm gì?" với sự tham gia của bốn diễn giả: GS. Hà Huy Khoái (Tổng biên tập Tạp chí Pi), GS. Hồ Tú Bảo (Viện JVN và VIASM), TS. Nguyễn Thành Nam (Chủ tịch đại học trực tuyến FUNiX) và nhà báo Phạm Hy Hưng. Câu hỏi “học Toán để làm gì?” đã được các diễn giả phân tích ở nhiều góc nhìn khác nhau. GS. Hà Huy Khoái, chủ biên chương trình môn Toán (chương trình giáo dục phổ thông mới) cho rằng: “Với bản thân tôi, sự học là nhu cầu. Và như thế, đặt ra câu hỏi “học để làm gì” là vô nghĩa. Việc tìm hiểu tự nhiên, xã hội, tìm hiểu thế giới là nhu cầu của con người. Nói như vậy để thấy (đối với tôi) học Toán là chuyện hiển nhiên và không cần thiết phải đặt ra câu hỏi này”.

IMG_8216.JPGTọa đàm “Học Toán để làm gì?”

Theo GS. Hồ Tú Bảo, việc học Toán và biết dùng Toán sẽ mang đến cho người ta nhiều cơ hội việc làm, nhất là trong thời đại chuyển đổi số  ngày nay. Ngoài ra, nếu một người vừa giỏi Toán vừa biết công nghệ thông tin thì có rất nhiều công việc có thể làm, và vì thế người học toán sẽ có cơ hội việc làm nhiều và tốt hơn. TS. Nguyễn Thành Nam thì trả lời cho câu hỏi này một cách rất mộc mạc chính từ kinh nghiệm với những ví dụ cụ thể của ông khi xây dựng FPT: Nếu bạn xây dựng một doanh nghiệp từ đầu, bạn thực sự cần những người giỏi Toán, kể từ các khâu tổ chức nhân sự, xây dựng hệ thống đế đàm phán trong kinh doanh và tất nhiên là nghiên cứu xây dựng sản phẩm đến công đoạn cuối cùng.

Hoạt động triển lãm "Những ô cửa Toán học" với các mô hình toán được in bằng máy in 3D, vừa trực quan, vừa như tác phẩm nghệ thuật và các hoạt động trải nghiệm dành cho người tham dự tại các gian hàng của nhiều đơn vị về giáo dục Toán (Toán IQ, Toán cho trẻ em, Toán tiếng Anh, Toán cho học sinh, sinh viên) và STEM (Robotics, American Stem, mô hình câu lạc bộ STEM) cùng một số đơn vị xuất bản sách.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, PGS. TS. Lê Minh Hà chia sẻ: qua 4 lần tổ chức ở Hà Nội, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán mong muốn lan tỏa hoạt động của Ngày hội Toán học mở không chỉ ở miền Bắc mà còn ở miền Nam và miền Trung. Mục tiêu của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học không chỉ  hỗ trợ cho nghiên cứu Toán học đỉnh cao của các nhà khoa học mà bên cạnh đó một nhiệm vụ rất quan trọng của Chương trình là tạo động lực, khuyến khích, khơi gợi niềm say mê của học sinh, sinh viên Việt Nam đối với Toán học. Thông qua MOD chúng tôi muốn mang đến một thông điệp “Toán học không chỉ là những điểm số, hay huy chương Olympic mà quan trọng hơn là vai trò của Toán học trong  mọi mặt của đời sống”.

IMG_8160.JPGPGS. TS. Lê Minh Hà phát biểu khai mạc

Dưới sự phối hợp chặt chẽ của BTC địa phương gồm: Trường ĐH Sài Gòn, Khoa Toán - Tin, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, Trường PT năng khiếu - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh và 17 đơn vị phối hợp nội dung, tuy lần đầu MOD được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, nhưng đã bước đầu đạt được kỳ vọng đem Toán học đến gần hơn với mọi người thông qua việc cùng trải nghiệm, giao lưu văn hóa Toán từ những góc độ mới, các tọa đàm trò chuyện, đối thoại mở và tiếp cận những bài giảng đại chúng.

IMG_8047.JPG

IMG_8050.JPGIMG_8092.JPGHọc sinh, sinh viên quan sát và tìm hiểu các mô hình 3D tại triển lãm “Những ô cửa Toán học”

IMG_8118.JPG

IMG_8119.JPG

IMG_8123.JPG

IMG_8134.JPG

IMG_8150.JPG

Học sinh và phụ huynh tham gia trải nghiệm các hoạt động