TS. Lê Quý Thường được trao tặng Giải thưởng Khoa học và Công nghệ năm 2018 của Đại học Quốc gia Hà Nội

Theo tin từ Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), ngày 19/11/2018, ĐHQGHN đã tổ chức Lễ kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và trao thưởng cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học. TS. Lê Quý Thường - một giảng viên trẻ của Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Khoa học và Công nghệ năm 2018 trong lĩnh vực “khoa học và công nghệ thông tin và tính toán” cụm công trình nghiên cứu “Thớ Milnor motivic và ứng dụng vào lý thuyết Donaldson-Thomas”. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực và niềm đam mê nghiên cứu Toán học mà TS. Lê Quý Thường đã và đang theo đuổi trong suốt thời gian qua. Được biết, công trình đạt giải thưởng lần này của Tiến sĩ Lê Quý Thường là tích hợp của 2 bài báo:

  1. Proofs of the integral identity conjecture over algebraically closed fields (Duke Mathematical Journal)
  2. The motivic Thom-Sebastiani theorem for regular and formal functions (Journal für die reine und angewandte Mathematik)

Cả hai bài báo này đều có giá trị khoa học lớn và tầm quan trọng bậc nhất đối với sự phát triển của Lý thuyết bất biến Donaldson-Thomas motivic.

Lý thuyết bất biến Donalson-Thomas là một trong những hòn đá tảng của Hình học đại số và Vật lý toán hiện đại, được hai nhà toán học người Anh Donaldson và Thomas xây dựng năm 1998, phát triển rực rỡ tại các trung tâm Toán học lớn ở Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Nhật Bản.... Năm 2008, Kontsevich và Soibelman giới thiệu Lý thuyết bất biến Donaldson - Thomas motivic cho các đa tạp Calabi-Yau không giao hoán ba chiều, kế thừa nền tảng của Donaldson-Thomas trên cơ sở tích phân motivic. Nó đã mở ra một hướng nghiên cứu quan trọng với hơn 500 công trình khoa học chất lượng sau 10 năm phát triển.

Điểm đáng chú ý là, sự tồn tại của đối tượng nghiên cứu (bất biến Donaldson-Thomas motivic) phụ thuộc vào Giả thuyết đồng nhất tích phân và phiên bản cho hàm hình thức của Định lý Thom-Sebastiani motivic - là những điều chưa được chứng minh. Kontsevich và Soibelman tạm thời thừa nhận chúng và, cùng với nhiều nhà toán học khác, phát triển Lý thuyết bất biến Donaldson-Thomas motivic thành một lý thuyết đồ sộ. (Giả thuyết đồng nhất tích phân được đề xuất bởi Kontsevich và Soibelman; cần lưu ý thêm rằng Kontsevich là một nhân vật kiệt xuất trong toán học đương đại, ông được nhận Giải thưởng Fields năm 1998). Nếu Giả thuyết đồng nhất tích phân sai, toàn bộ Lý thuyết bất biến Donaldson-Thomas motivic sẽ sụp đổ! Đây là ý nghĩa của cụm công trình: chứng minh Giả thuyết đồng nhất tích phân và Định lý Thom-Sebastiani motivic cho hàm hình thức.

Lê Quý Thường đã đến làm việc ở Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán 2 lần với tổng số thời gian là 09 tháng (06 tháng từ 01/09/2015- 28/02/2016; và 03 tháng từ 01/07/2018 - 30/09/2018). 

LQT2018.jpg

Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán xin được chúc mừng TS.Lê Quý Thường đã được tặng Giải thưởng ĐHQGHN về Khoa học và Công nghệ năm 2018 (đây là 1 trong 4 cụm công trình được ĐHQGHN trao thưởng năm 2018)! 

Trích nguồn:

http://vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N23165/[Video]-Le-ky-niem-ngay-Nha-giao-Viet-Nam%3A-Nhieu-tap-the%2C-ca-nhan-dHQGHN-duoc-tang-thuong-Huan-chuong-Lao-dong.htm

http://vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N23170/[Video]-dHQGHN-ton-vinh-4-cong-trinh-nghien-cuu-khoa-hoc-nam-2018.htm

http://hus.vnu.edu.vn/vi/news/58511