Viện NCCC về Toán và những thành tựu sau 5 năm thành lập

Ngày 17/8/2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thay mặt Chính phủ ký quyết định phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 đến 2020 (sau đây xin gọi tắt là Chương trình Toán) và ngày 23/12/2010 ông đã ký quyết định thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán – giải pháp trung tâm của Chương trình Toán.

Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán sau 5 năm thành lập đã đạt được những kết quả và thành công đáng tự hào.

1. Quá trình thành lập và phát triển:

+ Quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ số 2342/QĐ-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2010.

+ Tháng 3/2011 bổ nhiệm Giám đốc Khoa học (GS Ngô Bảo Châu), tháng 6/2011 bổ nhiệm Giám đốc Điều hành (GS Lê Tuấn Hoa – Giám đốc Điều hành đầu tiên của Viện).

+ Tháng 1/2012 Viện ra mắt quốc tế và từ đó chính thức tổ chức các hoạt động khoa học.

2. Một số đặc điểm chính của Viện:

Viện là một tổ chức khoa học và công nghệ có cơ cấu tổ chức, mô hình hoạt động đặc thù, cũng như chức năng nhiệm vụ đặc biệt, duy nhất của Việt Nam, được Chính phủ thành lập mà trực tiếp là Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (nay là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mật trận Tổ quốc Việt Nam) chỉ đạo.

Những đặc thù trong cơ cấu tổ chức và bộ máy của Viện: Viện có hai Giám đốc, Giám đốc Khoa học (GS Ngô Bảo Châu) là người đứng đầu Viện; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về toàn bộ hoạt động nghiên cứu khoa học và hỗ trợ đào tạo nhân tài của Viện, và Giám đốc Điều hành chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động điều hành thường xuyên tại Viện. Bộ máy của Viện tổ chức gọn nhẹ, chỉ có Văn phòng thực hiện các công việc hành chính, hỗ trợ các hoạt động mà không có nghiên cứu viên cơ hữu. Nghiên cứu viên của Viện là những người được lựa chọn từ các cơ sở khác đến tập trung làm nghiên cứu tại Viện trong thời gian ngắn (thường từ 2-6 tháng).

3. Chức năng, nhiệm vụ: Viện được Chính phủ giao cho chức năng và những nhiệm vụ đặc biệt.

Chức năng của Viện là tạo môi trường học thuật đặc biệt cho các nhà khoa học, các giảng viên đại học thực hiện những ý tưởng, đề tài nghiên cứu toán học xuất sắc, có ý nghĩa khoa học, ứng dụng cao và công tác đào tạo nhân tài.

Nhiệm vụ chính của Viện là tổ chức nghiên cứu và các hoạt động khoa học nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của các nhà toán học Việt Nam đang làm việc ở các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước để họ có năng lực trở thành chuyên gia quốc tế; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhân tài; thúc đẩy hợp tác giữa toán học và các ngành khoa học khác; thu hút các nhà toán học Việt Nam ở nước ngoài và các nhà toán học quốc tế đến Việt Nam nghiên cứu và đào tạo.

Viện Nghiên cứu cao cấp về toán cũng có nhiệm vụ làm hạt nhân cho việc vận hành Chương trình trọng điểm quốc gia về phát triển toán học 2010-2020 (Chương trình Toán).

4. Một số kết quả đạt được:

Trong 5 năm hoạt động, Viện đã đạt được những thành tựu quan trọng, có hiệu quả chuyên sâu theo các mảng nhiệm vụ mà không cơ sở khoa học nào trong nước có thể thực hiện được:

a. Nghiên cứu, nhóm nghiên cứu:

- Viện đã tạo dựng được một môi trường học thuật và làm việc tiên tiến, được cộng đồng toán học trong nước và quốc tế đánh giá cao; Tháng 5/2013 Viện đã được Hội toán học Châu Âu công nhận là một “Trung tâm xuất sắc khu vực đang phát triển”(Emerging Regional Centres of Excellence – ERCE) giai đoạn 2013 – 2017.

- Quy tụ được một lực lượng đông đảo các nhà toán học hàng đầu thế giới cũng như các nhà toán học nổi tiếng người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài tới Viện nghiên cứu và tham gia các hoạt động học thuật tại Viện. Do đó các hướng nghiên cứu truyền thống ở Việt Nam được củng cố, phát huy và một số hướng nghiên cứu mới (như Toán tài chính, Hình học-Đại số-Số học…) bắt đầu được hình thành.

- Đến tháng 11/2015 đã có 58 nhóm nghiên cứu và 50 lượt cá nhân đến Viện với 400 lượt nghiên cứu viên và khách mời, trong đó có 113 nhà toán học quốc tế từ 18 nước, 43 nhà toán học VN ở nước ngoài, trong đó 3 người được giải Fields, 1 người được giải Abel, 1 người được giải Fulkerson và nhiều nhà toán học nổi tiếng thế giới khác; chưa kể những người đến tham gia các hội nghị, hội thảo.

- Số lượng công bố và tiền ấn phẩm của nghiên cứu viên làm việc tại Viện tăng nhanh qua các năm: năm 2012 có 14 ấn phẩm và 40 tiền ấn phẩm; năm 2013 có 19 ấn phẩm và 49 tiền ấn phẩm; năm 2014 có 41 ấn phẩm và 60 tiền ấn phẩm; 11 tháng năm 2015 đã có 33 ấn phẩm và 56 tiền ấn phẩm.

Nhiều nghiên cứu viên sau khi rời Viện đã tiếp tục có những kết quả nghiên cứu tốt, đặc biệt là số lượng và chất lượng công bố của các nghiên cứu viên ở độ tuổi còn trẻ (dưới 45 tuổi).

b. Các hoạt động khoa học khác:

Nhiều hội thảo, khóa học mà chỉ Viện mới làm được, xét ở các khía cạnh hàm lượng chuyên môn, số chuyên gia nổi tiếng và số lượng chuyên gia tham dự, đặc biệt là người nước ngoài.

- 35 hội nghị và hội thảo đã được tổ chức, trong đó có những hội nghị quốc tế với trên 140 nhà khoa học nước ngoài, hay gần 60 nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài về tham dự (Hội nghị Pháp-Việt 2012, có 2 báo cáo mời toàn thể từ các GS đạt giải Fields); hay Hội thảo lý thuyết số lớn nhất từ trước tới nay trên thế giới (PANT 2013). Các hoạt động đã mời được nhiều giáo sư nổi tiếng trên thế giới đến báo cáo.

- 17 trường chuyên biệt và 33 khóa học ngắn hạn, tài trợ cho 165 học viên các vùng ngoài Hà Nội tham gia. 15 bài giảng đại chúng, mà hầu hết diễn giả là những nhà khoa học quốc tế. Đặc biệt có khóa học ngắn hạn của GS W. Werner (Giải Fields 2006) đầu năm 2013.

+ Các hội nghị, hội thảo, các trường chuyên biệt, các khoá học ngắn hạn từ năm 2012 đến hết tháng 12/2015 đã thu hút hơn 6.800 lượt người tham dự và được thụ hưởng. Phần lớn trong số đó là các nghiên cứu sinh, sinh viên cao học, sinh viên-học sinh.

Các hoạt động khoa học chuyên môn đa dạng này thực sự đã đem lại hiệu quả rất to lớn, đáp ứng nhu cầu và thu hút nhiều đối tượng (giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên và cán bộ nghiên cứu), có tác động rất tích cực đến công tác giảng dạy và nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đại học.

c. Hoạt động liên ngành:

Viện đã đẩy mạnh hỗ trợ hợp tác nghiên cứu giữa toán học và các ngành khác như các nhóm nghiên cứu về Ứng dụng của toán học trong Công nghệ thông tin, Vật lý, Cơ học… Đặc biệt Viện đã xúc tiến hợp tác nghiên cứu ứng dụng toán học trong một số ngành kinh tế xã hội như viễn thông, giao thông vận tải, khí tượng thủy văn, tài chính – ngân hàng thông qua các thỏa thuận hợp tác nghiên cứu với Cty Viễn thông quân đội Viettel, Viện KHCN GTVT, Tổng cục Khí tượng thủy văn, FPT, Ngân hàng BIDV…

d. Hợp tác trong và ngoài nước:
Viện đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác trong và ngoài nước nhằm phát triển nghiên cứu chung, tổ chức các hội nghị hội thảo, trao đổi thông tin khoa học, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, trao đổi các nhà khoa học cũng như nghiên cứu sinh, tạo điều kiện cho những nhà khoa học Việt Nam cộng tác làm việc với đồng nghiệp nước ngoài…

e. Hỗ trợ BĐH triển khai Chương trình TĐQG Phát triển toán học: Đây là nhiệm vụ quan trọng của Viện đối với một Chương trình phát triển Toán học được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ.

5. Kế hoạch phát triển của Viện trong các năm tới:

a. Tiếp tục duy trì và phát huy những hoạt động nghiên của và khoa học chuyên môn đã thành nền nếp nêu trên;

b. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng toán học trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, trước tiên trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính-ngân hàng, công nghệ thông tin, khí tượng thủy văn, giao thông;

c. Triển khai Chương trình Đào tạo tiến sĩ Toán học xuất sắc, đạt trình độ quốc tế. Chương trình này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt; Viện đang xúc tiến thỏa thuận với các đối tác trong và ngoài nước để có thể đào tạo từ năm 2016.

(Tham khảo thêm các báo cáo hàng năm của Viện tại: http://viasm.edu.vn/xuat-ban/ban-tin-va-bao-cao-hang-nam/)