Hội thảo thường niên - VIASM ANNUAL MEETING 2023

Ngày 30 tháng 7 năm 2023, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) đã tổ chức thành công Hội thảo thường niên - VIASM Annual Meeting 2023. Đây là một hoạt động được tổ chức hằng năm, nơi các nhà toán học hàng đầu trong và ngoài nước thuyết trình về các chủ đề trọng tâm của toán học đương đại và tính ứng dụng. Hội thảo được tổ chức qua hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), đã mang đến môi trường tương tác sôi nổi, giúp thúc đẩy sự giao lưu, hợp tác và trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà nghiên cứu toán học.
Hội thảo thường niên 2023 gồm 6 bài giảng của 6 nhà toán học hàng đầu của Việt Nam và quốc tế: GS. Alex Lubotzky (Đại học Hebrew, Israel); GS. Nguyễn Hữu Hội (Đại học Ohio State, Hoa kỳ), GS Nguyễn Trọng Toán (ĐH Penn State, Hoa kỳ); GS. Sergiu Klainerman (Đại học Princeton, Hoa kỳ), GS Ulrike Tillmann (Đại học Oxford, Anh quốc) và GS. Chengbo Zhu (Đại học quốc gia Singapore).

annual-1-.jpg

GS. Ngô Bảo Châu - Giám đốc Khoa học VIASM phát biểu khai mạc

annual-2-.jpg

GS. Ngô Bảo Châu cùng các Giảng viên, Quý đại biểu chụp ảnh sau khai mạc

Hội thảo năm nay bao gồm sáu bài giảng của những nhà khoa học lớn trong nước và quốc tế, với các chủ đề bao quát trong nhiều lĩnh vực Toán học và Vật lý, giữa lý thuyết và ứng dụng. Mở đầu phiên buổi sáng của Hội thảo là bài giảng của GS. Alex Lubotzky (Đại học Hebrew, Israel - nguyên chủ tịch hội toán học Israel, giải thưởng nhà nước Israel năm 2018), với chủ đề “Good locally testable codes”

Một trong những vấn đề mở trong nhiều năm là sự tồn tại của một loại mã sửa sai được gọi là LTC (locally testable codes), thoả mãn các tiêu chuẩn vàng của lý thuyết mã hóa: tốc độ hằng và khoảng cách hằng. Khác với các tình huống cổ điển trong lý thuyết mã hoá, các mã ngẫu nhiên không phải là LTC nên đây là một vấn đề mở thuộc một dạng khác hẳn. Bài giảng của GS Lubotzky trình bày kết quả về cách xây dựng các mã thỏa mãn tiêu chuẩn vàng của lý thuyết mã hóa. Một điều thú vị là cách xây dựng lại lấy cảm hứng từ một kết quả nghiên cứu hoàn toàn lý thuyết của H. Garland năm 1972 về các đối đồng điều của thương của các buildings Bruhat-Tits của các nhóm Lie p-adic.  

annual-3-.jpg

GS. Alex Lubotzky (The Hebrew University, Israel)

Bài giảng trong phiên tiếp theo là của GS. Nguyễn Hữu Hội (The Ohio State University, USA) với chủ đề “Random matrices: universality of the spectra and cokernels”. Lý thuyết ma trận ngẫu nhiên là một lĩnh vực phong phú với nhiều ứng dụng. Giáo sư Nguyễn Hữu Hội đã giới thiệu tổng quan về  một số phát triển thú vị gần đây và các kỹ thuật hữu ích trong lĩnh vực này, chủ yếu tập trung vào các khía cạnh phổ quát của phổ và đối hạt nhân. 

annual-4-.jpg

GS. Nguyễn Hữu Hội (The Ohio State University, USA)

Kết thúc phiên buổi sáng là bài giảng “To surf Langmuir waves” của GS. Nguyễn Trọng Toán (Pennsylvania State University, USA, giải thưởng SIAM T. Brooke Benjamin Prize, năm 2022), một chuyên gia hàng đầu với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực lý thuyết động học và thuyết tương đối rộng. Bài giảng tập trung vào việc xác định ngưỡng tồn tại của tần số không gian mà sóng Langmuir sẽ bị giảm dần do tương tác đồng tâm với các điện tử kích thích, một cơ chế giảm dần cổ điển được biết đến là Landau damping, cũng như đưa ra tổng quan về vấn đề phi tuyến.

GS. Nguyễn Trọng Toán (Pennsylvania State University, USA)

Mở đầu phiên buổi chiều, GS. Sergiu Klainerman (Princeton University, USA) trình bày bài giảng về “Are black holes real?”. Một trong đối tượng nghiên cứu phong phú và thú vị là các vấn đề về Hố đen, xem như là các nghiệm riêng của phương trình trường Einstein. Đây là một đối tượng nghiên cứu thú vị về mặt toán học, và cũng phù hợp với nhiều quan sát trong vật lý thiên văn. Bài giảng tập trung vào việc khám phá và đặt ra câu hỏi: "Có thực sự tồn tại lỗ đen không?"

GS. Sergiu Klainerman (Princeton University, USA)

GS. Ulrike Tillmann (University of Oxford, UK)

Bài giảng cuối cùng của Hội thảo thường niên 2023 là của  GS. Zhu Chengbo (National University of Singapore) về “Orbit Method: From Matrices to Unitary Representations”, giới thiệu tổng quan về một trong những bài toán cơ bản của lý thuyết biểu diễn là xây dựng các biểu diễn unita bất khả quy và kết quả gần đây sử dụng cả các công cụ của tổ hợp, giải tích và hình học.

GS. Zhu Chengbo (National University of Singapore)

Bế mạc Hội thảo, GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ những lời cảm ơn chân thành đến tất cả các Giảng viên đã dành thời gian và nỗ lực để chia sẻ kiến thức, trình bày các nghiên cứu và mang đến những phần thảo luận sôi nổi và đáng nhớ. 

GS. Ngô Bảo Châu tặng quà tri ân Giảng viên tại buổi bế mạc Hội thảo

VIASM xin chân thành cảm ơn sự đóng góp của tất cả các Giáo sư, Quý đại biểu trong và ngoài nước đã cùng tham gia tạo nên sự thành công rực rỡ cho VIASM Annual Meeting 2023.

Một số hình ảnh tiêu biểu tại Hội thảo:

https://drive.google.com/drive/folders/1OLBDrlnCj2cKAbml8VN1qlwNrMz3auDI?usp=sharing