Ngày hội Toán học mở TP. Hồ Chí Minh 2023

Ngày 03/12/202, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM và Trường Song ngữ Quốc tế Canada tổ chức Ngày hội Toán học mở TP. Hồ Chí Minh 2023 với chủ đề “Toán học cho mọi người - Mathematics for Everyone”. Đây cũng là chủ đề của Ngày Quốc tế Toán học - IDM 14/3 (ngày số Pi) năm nay. Ngày hội đã thu hút gần 3000 lượt tham gia từ cộng đồng quan tâm, yêu thích Toán học khắp Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành lân cận.


Học sinh tham dự MOD TP. Hồ Chí Minh 2023


Phát biểu khai mạc tại Ngày hội, PGS.TS Trần Minh Triết – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP Hồ Chí Minh khẳng định Ngày hội Toán học mở là một trong những hoạt động thành công nhất nhằm quảng bá, phổ biến tri thức Toán học tại các địa phương và đã được triển khai thường niên tại TP. Hồ Chí Minh từ năm 2018 đến nay. PGS. TS. Trần Minh Triết gửi lời cảm ơn tới Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, các đơn vị đồng tổ chức, các đơn vị phối hợp nội dung và các diễn giả đã đóng góp về mặt chuyên môn để mang lại cho Ngày hội những nội dung thật sự phong phú và ý nghĩa.



PGS.TS. Trần Minh Triết – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên,
ĐHQG TP Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc MOD TP Hồ Chí Minh 2023


Với vai trò là đơn vị đăng cai tổ chức, ông Peter James Corcoran - Tổng Hiệu trưởng hệ thống Trường Song ngữ Quốc tế Canada chia sẻ: “Các kiến thức liên quan đến Khoa học và Toán học là một trong những khía cạnh được chú trọng đào tạo cho học sinh với mục tiêu nuôi dưỡng kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện. Ngày hội tạo điều kiện cho học sinh và cả giáo viên học hỏi cách áp dụng kiến thức cơ bản và các khái niệm trong toán học - khoa học vào thực tế.”



Ông Peter James Corcoran - Tổng Hiệu trưởng hệ thống Trường Song ngữ Quốc tế Canada


Các hoạt động của Ngày hội Toán học mở TP. Hồ Chí Minh đều tập trung vào nội dung “Dạy và học trong kỷ nguyên AI”. Theo truyền thống, MOD TP. Hồ Chí Minh 2023 bao gồm 2 phần chính, diễn ra song song: phần hoạt động chuyên môn và phần hoạt động trải nghiệm “Trong xứ sở Toán học diệu kỳ”.

Mở đầu phần hoạt động chuyên môn là bài giảng chuyên đề: “Dạy và học trong kỷ nguyên AI - Teaching and Learning in Digital Era”, được trình bày bởi GS. Dương Nguyên Vũ, sáng lập viên và giảng viên chương trình tiên tiến APCS tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM, nguyên Giám đốc Trung tâm John Von Neumann, Giáo sư Đại học NTU, Singapore. Tiếp nối là bài giảng chuyên đề về “Chuyển đổi số trong giáo dục - Digital Transformation in Education”, do ông Trần Trọng Nghĩa, CEO Mega Edu và ThS. Hoàng Minh Thông, Tổ trưởng Tổ Phát triển chương trình và chuyển đổi số Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG-HCM trình bày.



GS. Dương Nguyên Vũ, Giáo sư Đại học NTU, Singapore



Ông Trần Trọng Nghĩa, CEO Mega Edu

ThS. Hoàng Minh Thông, Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG-HCM


Với những chủ đề thời sự, các bài giảng đã thu hút được sự quan tâm của gần 300 người tham dự là các sinh viên, giáo viên, phụ huynh học sinh. Rất nhiều câu hỏi, ý kiến đã được trao đổi, thảo luận sau mỗi bài giảng.



Người tham dự đặt câu hỏi sau bài giảng chuyên đề


Tham gia Tọa đàm “Dạy và học trong kỷ nguyên AI”, các diễn giả đã bàn luận sôi nổi về nội dung học sinh - sinh viên cần trang bị những kiến thức, kỹ năng gì trong kỷ nguyên AI hiện nay và AI sẽ hỗ trợ như thế nào cho giáo viên. Với các ý kiến đa chiều từ các chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, Tọa đàm đã gợi mở một số khía cạnh để giáo viên, học sinh và cả phụ huynh trở thành người biết dùng AI phục vụ tốt hơn cho công việc, đặc biệt là trong công việc dạy và học. Các diễn giả tham gia Tọa đàm gồm có: GS. Dương Nguyên Vũ; Ông Trần Trọng Nghĩa; TS. Lê Khánh Duy - Chuyên gia về đổi mới và tương tác Người-Máy (Innovation and Human - Computer Interaction) với 5 bằng sáng chế quốc tế; BS. CN. Nguyễn Đại Nghĩa (tốt nghiệp bác sĩ tại Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, sau đó anh tiếp tục theo học ngành CNTT năm 25 tuổi và vừa là thủ khoa đầu ra của Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM).



Các diễn giả tham gia Tọa đàm “Dạy và học trong kỷ nguyên AI”


Hoạt động trải nghiệm “Trong xứ sở Toán học diệu kỳ” đã diễn ra vô cùng phong phú, với sự tham gia của 16 đơn vị phối hợp tổ chức bao gồm gần 90 hoạt động trải nghiệm và trò chơi liên quan đến ứng dụng Toán học, STEM, AI... Đặc biệt, Ban tổ chức cùng các đơn vị tổ chức nội dung đã chuẩn bị hơn 1000 phần quà như vở, bút, móc khóa, gấu bông, bình nước, máy tính cầm tay, tạp chí Pi … cho học sinh, sinh viên tham gia trải nghiệm.



Hoạt động trải nghiệm “Trong xứ sở Toán học diệu kỳ


Các đơn vị tham gia phối hợp nội dung đến từ khoa Toán của các trường đại học như Khoa Toán – Tin học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM; Khoa Toán – Tin học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM; Khoa Toán – Thống kê, Trường ĐH Tôn Đức Thắng; Khoa Sư phạm Toán - Tin, Trường ĐH Đồng Tháp; các trường trung học phổ thông như Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TP.HCM; Trường Song ngữ Quốc tế Canada BCIS (Sedbergh Vietnam); Trường Albert Einstein; Trường Quốc tế Song ngữ Horizon.

Cùng với các trung tâm, đơn vị trong lĩnh vực giáo dục có các hoạt động trải nghiệm đa dạng, phong phú về ứng dụng Toán học, STEM, AI như Trung tâm TOÁN TITAN; Trung tâm Nguyễn Khuyến; Toán tư duy Kurio; Toán tư duy POMath HCM; Học viện Sáng tạo S3; Công ty CP Công nghệ Giáo dục GaraSTEM; Công ty TNHH KIDKUL và Tập đoàn Thiên Long.

Bên cạnh đó là khu vực trưng bày, giới thiệu các ấn phẩm về Toán và khoa học đến từ các đơn vị xuất bản và phát hành sách: Nhà xuất bản Kim Đồng và BM2E.
Ngày hội Toán học mở (Math Open Day - MOD) là một chuỗi các hoạt động mở về Toán và STEM nói chung, nhằm tạo cơ hội cho đông đảo học sinh, sinh viên, giáo viên, phụ huynh, các nhà toán học và nhà giáo dục cùng nhau thảo luận về những chủ đề thời sự trong toán học và giáo dục toán học; cùng nhau trải nghiệm và thưởng thức vẻ đẹp của Toán học và tìm hiểu về các ứng dụng muôn màu sắc của toán học trong khoa học và đời sống. MOD được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội năm 2015, sau đó được mở rộng ra ở các tỉnh thành trên cả nước như TP Hồ Chí Minh, Quy Nhơn, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Huế, Đồng Nai, Đắk Lắk, Lào Cai, Nghệ An …. Từ năm 2020, dưới sự bảo trợ chuyên môn của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, MOD được chuyển giao mô hình tổ chức về các địa phương. Đây cũng là chuỗi hoạt động của Viện nhằm chào mừng Ngày Quốc tế Toán học, 14/3 hàng năm.
Trong năm 2023, Ngày hội Toán học mở đã được tổ chức tại Đồng Nai, Nghệ An, Quy Nhơn. Tại Hà Nội, Ngày hội Toán học mở sẽ được tổ chức tại Trường THCS Chu Văn An vào ngày 09/12/2023.

Một số hình ảnh tại MOD TP. Hồ Chí Minh 2023




Một số tin bài về Ngày hội
https://www.youtube.com/watch?v=Zsd090ihkkY

https://thanhnien.vn/gs-duong-nguyen-vu-the-gioi-doi-thay-den-dau-trai-tim-nguoi-thay-van-quan-trong-185231203165851107.htm#

https://htv.com.vn/hon-2000-nguoi-tham-du-ngay-hoi-toan-hoc-mo-tphcm-nam-2023-1

https://youtu.be/zUJ4uBn6aPE