Trường đông Tôpô Đại số và Ứng dụng 2023

Từ 04 đến 08/12/2023, trong khuôn khổ Hoạt động Tôpô đại số 2023 tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), Viện đã phối hợp với Trường Đại học Quy Nhơn (QNU) và Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tổ chức thành công Trường đông Tôpô Đại số và Ứng dụng - Winter school on algebraic topology and its Applications.  

Thầy Nguyễn Đình Hiền - Phó Hiệu trưởng Đại học Quy Nhơn phát biểu khai mạc

GS.TSKH. Nguyễn Hữu Việt Hưng phát biểu khai mạc Trường đông

Chương trình có sự tham gia của nhiều nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực Tôpô Đại số, cùng với khoảng 40 học viên bao gồm sinh viên, học viên sau đại học, giảng viên, và các nhà nghiên cứu đến từ Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, ...

Trường đông bao gồm 3 khoá học của các chuyên gia đến từ Đại học Sorbonne Paris Nord, Pháp; Đại học Sheffield, Anh và Đại học Roma Tor Vergata, Italy. Chuỗi bài giảng này tập trung vào việc giới thiệu một số hướng nghiên cứu hiện đại trong Tôpô đại số và những bước tiến gần đây.

Paolo Salvatore, Đại học Roma Tor Vergata, Italy

Trong sáng 4/12, Trường đông bắt đầu bằng chuỗi bài giảng của GS Paolo Salvatore, Đại học Roma Tor Vergata, Italy, về “Introduction to operads”. Chuỗi bài giảng này giới thiệu về lý thuyết operad. Operad mô tả các phép toán nhiều ngôi, tức là phép toán có nhiều đầu vào. Operad ngày càng đóng vai trò quan trọng trong toán học hiện đại và có nhiều ứng dụng trong đại số, hình học và vật lý toán. Chuỗi bài giảng nghiên cứu một số ví dụ, đặc biệt là operad E_n, mà mô tả mức độ tương thích giao hoán chiều cao. Các bài giảng giới thiệu đối ngẫu Koszul của operad trong đại số và lý thuyết đồng luân ổn định, và đề cập đến một kết quả gần đây và tự đối ngẫu Koszul của operad E_n ổn định, đạt được gần đây của giáo sư Salvatore và Michael Ching.

Neil Strickland, Đại học Sheffield, Anh

Chiều ngày 4/12, GS. Neil Strickland, Đại học Sheffield, giảng về “Chromatic cohomology of finite groups”. Chuỗi bài giảng này trình bày về K-lý thuyết và E-lý thuyết Morava và ứng dụng vào nghiên cứu đối đồng điều của nhóm hữu hạn, bao gồm nhóm đối xứng và nhóm tuyến tính tổng quát. Các chủ đề được trình bày trong khóa học là đối đồng điều tổng quát, nhóm hình thức, vành Lazard, định lý Quillen, nhóm đặc trưng, định lý triệt tiêu Tate, xấp xỉ Chern.

Gregory Ginot, Đại học Sorbonne Paris Nord, Pháp

Ngày thứ 3 của Trường đông, GS. Gregory Ginot, Đại học Sorbonne Paris Nord bắt đầu chuỗi bài giảng về “Introduction to persistence homology and its applications”. Chuỗi bài giảng này trình bày một số ý tưởng của tôpô đại số, ứng dụng vào khoa học dữ liệu, cụ thể hơn là lý thuyết đồng điều persistence. Nói một cách đại ý, đây là ý tưởng áp dụng phức đơn hình và đồng điều đơn hình vào tính toán các bất biến của không gian lọc và tập dữ liệu. Chuỗi bài giảng giải thích các phép xây dựng cơ bản, khái niệm barcode, tức là bất biến của không gian lọc, và khoảng cách giữa chúng, nhấn mạnh vào các phép xây dựng từ phân tích tập dữ liệu.

Trường đông khép lại với Hội thảo quốc tế về các hướng nghiên cứu mới trong Tôpô Đại số tại Trung tâm ICISE. Hội thảo bao gồm 6 báo cáo từ các nhà nghiên cứu: TS. Lorenzo Guerra (Đại học Roma Tor Vergata, Italy), GS. Huỳnh Mùi (Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội), GS.Jean Lannes (Đại học Paris 7, Pháp), PGS.TS. Nguyễn Đặng Hồ Hải (Đại học Khoa học, Đại học Huế),  ThS. Nguyễn Đức Ngà (Đại học Phenikaa) và GS. Sarah Whitehouse (Đại học Sheffield, Anh).

Ngoài các hoạt động chuyên môn, Trường đông cũng dành 1 buổi để các giảng viên và học viên được đi tham quan một số địa điểm tại Quy Nhơn như Tháp Bánh Ít, Bảo tàng Quang Trung. 

Trường đông đã kết thúc tốt đẹp với sự hỗ trợ rất nhiệt tình, chu đáo của Ban tổ chức địa phương. 

Một số hình ảnh tiêu biểu tại Trường đông: