DIỄN GIẢ BÁO CÁO VÀ TỌA ĐÀM CHƯƠNG TRÌNH IMO 50 NĂM

STT

Họ và tên

Chức vụ

Tóm tắt Tiểu sử

Ảnh

1.

Ông Bùi Thế Duy

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Ông Bùi Thế Duy hiện là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Ông học THPT chuyên Tin tại Khối Trung học phổ thông chuyên Toán – Tin của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường Trung học phổ thông chuyên KHTN, Trường ĐHKHTN-ĐHQG Hà Nội. Ông là thành viên của Đội tuyển Học sinh giỏi quốc gia tham dự Olympic Tin học Quốc tế (IOI). Tại hai kỳ Olympic là IOI 1995 ở Hà Lan và IOI 1996 ở Hungary, ông đều giành Huy chương Đồng.

Ông Bùi Thế Duy có học vị Tiến sĩ Tin học, học hàm Phó Giáo sư ngành Tin học. Ông là một nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và tin học.

2.

 

Bà Nguyễn Thu Thủy

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học

Bà Nguyễn Thu Thủy có hơn 20 năm là giảng viên của Trường ĐH Ngoại thương, trong đó hơn 7 năm là trưởng khoa Quản trị kinh doanh, 3 năm là Phó hiệu trưởng nhà trường. Bà là Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) từ tháng 3-2019. Tháng 10/2020, Bà chính thức được bổ nhiệm Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT.

 

3.

GS. Ngô Bảo Châu

Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Đại học Chicago, Hoa Kỳ

GS. Ngô Bảo Châu hiện là Giám đốc khoa học Viện NCCCT và Giáo sư tại Đại học Chicago, Mỹ. Ông là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm hiện tại đạt được giải thưởng Fields. Ông cũng là một trong số 10 học sinh Việt Nam tính đến thời điểm này hai lần đoạt huy chương vàng Olympic Toán học Quốc tế (Australia năm 1988 và Cộng hòa Liên bang Đức năm 1989).

Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng đã được trao tặng nhiều giải thưởng danh giá khác trong sự nghiệp khoa học của mình. Như Giải thưởng Clay vào năm 2004;  Huân chương “Bắc đẩu bội tinh” (Legion of Honour) của Pháp; Ủy viên danh dự (Honorary Fellow) của Hội Toán học Hoa Kỳ năm 2012; Giải thưởng toán học Maurice Audin năm 2018;  Giáo sư  tại College de France, Pháp từ năm 2020. Thành viên danh dự (Honorary Member) của Hội Toán học Luân Đôn từ năm 2021.

4.

TS. Trần Nam Dũng

Phó Hiệu trưởng, Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh

TS. Trần Nam Dũng là Giảng viên cao cấp Khoa Toán, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM. Anh nhận bằng tiến sĩ Toán học năm 1993 tại Đại học Quốc gia Moskva, Liên Bang Nga. Anh có nhiều đóng góp trong lĩnh vực Sư phạm Toán. Anh là người khởi xướng “Vòng tròn toán học”, Trường hè và Trường đông cho học sinh trung học, tạp chí toán học trực tuyến Epsilon, loạt bài “Problem Solving through Olympiads”. Anh hiện là Phó Chủ tịch Hội Toán học Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên BCH Hội Toán học Việt Nam; Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Anh cũng là tác giả của một số sách toán học và sách giáo khoa dành cho học sinh khối chuyên. Anh là tổng biên tập mảng Toán học của bộ sách giáo khoa "Chân trời sáng tạo" (Horizont of Creativeness).

TS. Trần Nam Dũng dự thi toán quốc tế năm 1983 và giành được huy chương bạc. Năm 2003, anh là Phó trưởng đoàn Việt Nam dự thi toán quốc tế tại Tokyo, Nhật Bản. Năm 2007, anh nằm trong Ban chọn đề của kỳ thi IMO 2007 tổ chức tại Việt Nam và là đội trưởng nhóm chấm bài số 6. 

 

5.

TS. Phạm Tuấn Huy

Đại học Stanford, Hoa Kỳ

TS. Phạm Tuấn Huy hiện là Nghiên cứu viên Clay tại Đại học Stanford. Anh nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Stanford vào năm 2023 dưới sự hướng dẫn của GS. Jacob Fox. Trước đó, anh lấy bằng Thạc sĩ Toán học tại Đại học Cambridge năm 2019 và bằng Cử nhân Toán học và Thạc sĩ Thống kê tại Đại học Stanford năm 2018.

Năm 2013 và 2014, anh đều giành huy chương Vàng tại Kỳ thi Olympic Toán quốc tế IMO.

Hướng nghiên cứu chính của anh là tổ hợp xác suất và cực trị và ứng dụng trong lý thuyết xác suất, tổ hợp cộng và lý thuyết số, khoa học máy tính. Các công trình gần đây của anh tập trung vào nghiên cứu các ngưỡng trong các hệ thống rời rạc ngẫu nhiên và các kết nối với tối cao của các quá trình ngẫu nhiên. Các chủ đề khác trong các công trình gần đây của anh bao gồm các ứng dụng của phương pháp regularity trong nghiên cứu các ngưỡng và độ lệch lớn trong đồ thị ngẫu nhiên, và việc sử dụng các ý tưởng xác suất để giải quyết các phỏng đoán lâu đời của Erdős trong lý thuyết số cộng.

Anh được trao Giải thưởng Dénes König năm 2024 và Giải thưởng Frontiers of Science ICBS về Toán học.

6.

Ông Phạm Kim Hùng

 

CEO - Công ty Cổ phần True Platform

Phạm Kim Hùng là cựu học sinh chuyên Toán của trường chuyên KHTN, Trường ĐHKHTN - ĐHQG Hà Nội. Năm 2004, anh giành Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế lần thứ 45 khi đang học lớp 11 với điểm số cao nhất đoàn Việt Nam. Năm 2005, anh giành Huy chương Bạc cuộc thi Olympic Toán học quốc tế. Từ năm 2007-2012, anh giành học bổng toàn phần và theo học tại Đại học Stanford, Mỹ.

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh trở thành nhà sáng lập & CEO Base Inc - nền tảng SaaS (Software-as-a-Service) đầu tiên trong khu vực được xây dựng để thống nhất quá trình quản trị và điều hành doanh nghiệp như quản trị nhân sự, quản lý công việc và tài chính.

Phạm Kim Hùng từng lọt vào danh sách 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam - “30 Under 30” của Forbes Vietnam 2016.

7.

PGS. TS Nguyễn Phi Lê

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo (BKAI), Đại học Bách khoa Hà Nội

Năm 2000, Nguyễn Phi Lê đoạt huy chương bạc Olympic Toán học quốc tế (IMO) lần thứ 41 tổ chức tại Hàn Quốc, trở thành nữ sinh thứ 11 của Việt Nam đoạt huy chương trong lịch sử IMO Việt Nam. Cựu nữ sinh THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) sau đó là một trong số ít sinh viên Việt giành được học bổng của chính phủ Nhật Bản. Lê theo học Khoa Điện - Điện tử và Công nghệ thông tin tại Đại học Tokyo. Nhờ lọt top 5/200 sinh viên có thành tích học tập tốt, cô được tuyển thẳng và nhận học bổng vào hệ thạc sĩ. Nguyễn Phi Lê tốt nghiệp cử nhân Công nghệ thông tin và Thạc sĩ Tin học từ Đại học Tokyo, Nhật Bản năm 2007 và năm 2010. Cô bắt đầu công tác tại Đại học Bách Khoa Hà Nội với tư cách là giảng viên từ năm 2010. Sau đó, cô nhận bằng tiến sĩ tin học tại Đại học SOKENDAI, Viện Tin học Quốc gia Nhật Bản năm 2019. Hiện nay PGS Lê đảm nhận vị trí giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Trí tuệ Nhân tạo (BKAI), và là trưởng một nhóm nghiên cứu gồm hơn 30 sinh viên, thạc sỹ và nghiên cứu sinh tài năng tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Các hướng nghiên cứu chính của cô tập trung vào Mạng truyền thông, Trí tuệ nhân tạo ứng dụng, và Khoa học dữ liệu.

8.

BTV Nguyễn Hữu Việt Khuê

Đài Truyền hình Việt Nam

Nguyễn Hữu Việt Khuê từng tốt nghiệp thủ khoa chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng Toán, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2006 và cũng là thủ khoa đại học toàn quốc năm 2006. Trước đó anh là cựu học sinh tiêu biểu của Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Việt Khuê làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam, anh từng dẫn dắt cho nhiều bản tin thể thao, trong đó có thể kể đến như 360 độ thể thao, Thể thao 24/7, Nhịp đập 360 độ thể thao và tham gia bình luận trực tiếp các sự kiện thể thao lớn.

Trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2015, anh tham gia dẫn dắt các chương trình Đường lên đỉnh Olympia từ năm thứ 8, 9 và 10 đến năm thứ 13

9.

GS. TS. Lê Anh Vinh

Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

GS Lê Anh Vinh là cựu học sinh chuyên toán Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, từng giành Huy chương Bạc Olympic Toán quốc tế (IMO) năm 2001. Năm 2010, GS Vinh nhận bằng Tiến sĩ của Đại học Harvard (Mỹ). Năm 2013, anh là người trẻ nhất Việt Nam được công nhận chức danh PGS khi 30 tuổi và sau đó cũng là người trẻ nhất VN được công nhận chức danh GS vào năm 2020. Năm 2017, anh Lê Anh Vinh được bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (trực thuộc Bộ GD-ĐT). Từ 1-11-2020, anh được giao làm Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.

10.

GS.TS. Nguyễn Ngọc Hà

Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT

GS. TS. Nguyễn Ngọc Hà là Trưởng khoa Hóa học. Đại học Sư phạm Hà Nội giai đoạn 2012-2022. Hiện GS là Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT. Ông nhiều năm liền là thành viên dẫn đoàn, trưởng đoàn Việt Nam dự thi Olympic Toán học quốc tế.

 

11.

TS. Nguyễn Chu Gia Vượng

Viện Toán học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

TS Nguyễn Chu Gia Vượng là cựu học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Tự Nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hai năm liền TS Vượng là thành viên đội tuyển Việt Nam tham dự IMO năm 1993 tại Thổ Nhĩ Kỳ và năm 1994 tại Hồng Kông. Trong đó, năm 1993, anh mang về 1 huy chương Vàng và năm 1994 mang về 1 huy chương Bạc cho đội tuyển IMO Việt Nam. TS Nguyễn Chu Gia Vượng có kinh nghiệm nhiều năm tham gia bồi dưỡng đội tuyển Việt Nam tham dự IMO. Đồng thời cũng tham gia bồi dưỡng cho đội tuyển học sinh giỏi của nhiều trường THPT chuyên trong cả nước.

Hiện nay, TS Nguyễn Chu Gia Vượng là nghiên cứu viên chính của Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Năm 2024 là lần đầu làm trưởng đoàn IMO Việt Nam của TS Nguyễn Chu Gia Vượng.

12.

PGS. TS. Nguyễn Vũ Lương

Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trường THPT Chuyên KHTN, Trường ĐHKHTN-ĐHQG Hà Nội

Nhà giáo Nhân dân, PGS.TS. Nguyễn Vũ Lương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN) vinh dự được Chủ tịch nước Trần Đại Quang phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân vào ngày 18/11/2017. Từ 1993-2010, thầy phụ trách Khối Phổ thông Chuyên Toán - Tin, Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐHKHTN. Thầy là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường THPT Chuyên KHTN (2010-2015). Từ đầu năm 2016 đến nay, thầy là giảng viên cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường THPT Chuyên KHTN. Thầy được phong tặng danh hiệu NGƯT vào năm 2006 và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2015.