Bài giảng đại chúng

Tên bài giảng: “Học Toán để làm gì? Các góc nhìn xoay quanh sự thay đổi trong dạy và học Toán từ giữa thế kỷ XX”

Tóm tắt bài giảng: 

Giáo dục nói chung, và các chương trình học nói riêng luôn nằm trong mối tương quan với đời sống và sự phát triển xã hội. Một mặt, các chương trình giáo dục giúp đem lại nguồn nhân lực chất lượng để phát triển xã hội. Mặt khác, xã hội luôn đặt ra các nhu cầu mới, đòi hỏi những thay đổi thường xuyên ở cả chương trình, phương thức dạy và học và các cách kiểm tra đánh giá - đặc biệt là trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo. Vậy, đối với môn Toán, việc học Toán giúp ích gì cho tiến bộ xã hội, và xã hội đòi hỏi sự đổi thay gì từ việc dạy và học Toán? Phân tích sự dịch chuyển trong phương thức dạy và học Toán kể từ trào lưu "Toán học Mới" từ những năm 1950, bài giảng này hi vọng sẽ đem lại cái nhìn tổng quát về việc dạy Toán, cũng như những gợi ý để chúng ta có thể học và ứng dụng Toán phù hợp trong các ngành, nghề khác nhau từ quan điểm của một người nghiên cứu về giáo dục cũng như điều hành một trường phổ thông.

Giảng viên: ThS. NCS. Hoàng Anh Đức - Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục Sky-Line (Đà Nẵng)

ThS. NCS. Hoàng Anh Đức là Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục Sky-Line (Đà Nẵng), Giám đốc Trung tâm NC&PT Giáo dục EdLab Asia. Hướng nghiên cứu của anh tập trung vào các chủ đề: Quản trị Tri thức và Lãnh đạo giáo dục; Phát triển chuyên môn cho giáo viên; Đổi mới Chương trình; Bình đẳng và Công bằng trong Giáo dục. Đồng thời, anh là thành viên Ban biên tập tạp chí Journal of Comparative and International Higher Education, The Learning Organization, điều phối viên khu vực Châu Á của Mạng lưới Giáo dục Sáng tạo HundrED, và là tác giả, dịch giả của nhiều đầu sách về dạy và học.