Năm 2023 tiếp tục đánh dấu một năm hoạt động sôi nổi với nhiều sự kiện quan trọng đối với Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM). Nhiều văn bản pháp lý quan trọng của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030 (Chương trình Toán) đã được ban hành gồm “Quy chế xét tặng Giải thưởng công trình Toán học xuất sắc thuộc Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 đến 2030” và “Quy chế xét, cấp học bổng cho sinh viên đào tạo hệ chính quy ngành Toán thuộc chương trình trọng điểm Quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2023”.
Mục đích của Giải thưởng công trình Toán học xuất sắc nhằm khuyến khích các nhà khoa học đẩy mạnh công tác nghiên cứu hướng tới chất lượng cao và có nhiều công trình xuất sắc được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín; góp phần phát triển và nâng cao vị thế của Toán học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, Giải thưởng cũng nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học cho các nhà khoa học trong lĩnh vực Toán và Thống kê.
Trong năm, Viện tiếp tục tổ chức các nhóm nghiên cứu phối hợp giữa các chuyên gia trong và ngoài nước, tập trung trên các lĩnh vực thời sự được nhiều người quan tâm trong nhiều lĩnh vực toán lý thuyết lẫn toán ứng dụng như: Đại số - Lý thuyết số - Hình học - Tôpô; Giải tích; Phương trình vi phân và hệ động lực; Tối ưu và Tính toán Khoa học; Xác suất và Thống kê; Toán ứng dụng.
Năm 2023, số nghiên cứu viên đến Viện làm việc là 97 người, trong đó có 9 nghiên cứu viên sau tiến sĩ.
Viện đã tổ chức 7 hội nghị/hội thảo, 3 khóa học ngắn hạn và 4 trường chuyên biệt. Đây đều là các hoạt động khoa học chuyên sâu về các chủ đề Toán học thời sự. Đặc biệt, Viện đã phối hợp với Trung tâm quốc tế Vật lý lý thuyết Abdus Salam (ICTP) tổ chức thành công Trường hè về Lý thuyết nhóm và Lý thuyết Biểu diễn trong tháng 7/2022 với 5 chuỗi bài giảng của các chuyên gia hàng đầu thế giới. Viện Toán học Clay (Clay Mathematics Institute - CMI) cũng đồng hành cùng với VIASM và ICTP để tổ chức trường hè này. Tham dự trường hè có gần 80 học viên trực tiếp và trực tuyến, trong đó có 7 học viên đến từ Thái Lan, Indonesia, Philippin, Malaysia… được tài trợ đến Hà Nội tham dự trực tiếp. Đây cũng là hoạt động quốc tế có quy mô lớn đầu tiên (tính trên số lượng giảng viên và học viên nước ngoài tham dự) có thể tổ chức trực tiếp tại VIASM kể từ năm 2020. Tháng 8 năm 2022 cũng đã diễn ra Trường hè Mật mã do Hiệp hội Quốc tế về Nghiên cứu Mật mã phối hợp cùng Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán tổ chức. Quỹ LIA For Math VN và một số trường đại học lớn của Pháp cũng đã tham gia tài trợ cho trường. Đây là một hoạt động quốc tế lớn, với sự tham gia giảng dạy của các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu mật mã như GS. Damien Stehlé, GS. David Pointcheval, GS Phan Dương Hiệu, PGS. Triệu Ni, GS. Jian Guo ... Tới tham dự trường hè có hơn 80 học viên là sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và nhà khoa học trẻ đến từ 12 quốc gia trên thế giới: Việt Nam, Singapore, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch và Australia (trong đó có 25 học viên là người nước ngoài và người Việt Nam đang học tập, làm việc ở nước ngoài). Cũng trong khuôn khổ Trường hè, ngày Mật mã trong thực tế - Real World Crypto Day là nơi giới thiệu những ứng dụng thực tế nhất của các nghiên cứu Crypto với sự tham gia trình bày của nhiều chuyên gia lớn. Đây được coi là bước chuẩn bị để Việt Nam có thể tổ chức hội nghị Real-World Crypto của IACR trong tương lai gần.
Cũng vào cuối tháng 8, 2022, căn cứ Quyết định số 2436/QĐ-BGDĐT ngày 29/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ tháng 08-09/2022, Viện đã triển khai các hoạt động để phục vụ Hội đồng quốc tế đánh giá kết quả hoạt động của Viện giai đoạn 2016-2021. Hội đồng đánh giá cao các kết quả VIASM đạt được trong giai đoạn 2016-2021. Hội đồng khẳng định VIASM “đã đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao và đẩy mạnh hợp tác quốc tế tại Việt Nam” và “đã đạt được vị thế sau 10 năm thành lập là một trung tâm nghiên cứu có sức cạnh tranh ở tầm quốc tế, với tiềm năng rất lớn trong tương lai”.
Viện đặc biệt chú trọng phát triển Toán ứng dụng trong năm 2022 với các hoạt động nổi bật như: Xây dựng mạng lưới thống kê ứng dụng và vận trù học, tổ chức thành công các hoạt động về blockchain, khoa học dữ liệu.
Các hoạt động hợp tác luôn được Viện quan tâm mở rộng, đặc biệt là các hoạt động kết nối Trường - Viện - Doanh nghiệp. Trong năm 2022, Viện NCCCT đã ký kết Thỏa thuận thành lập “Phòng nghiên cứu quốc tế Việt – Pháp về Toán học và các ứng dụng” (IRL FVMA) giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) và VIASM; thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Ngoại thương.
Trong khuôn khổ Chương trình Toán, Viện đã triển khai các nhiệm vụ được nêu tại Quyết định số 2200/QĐ-TTg ngày 22/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Ngày 30/03/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 22/2022/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030. Ngày 30 tháng 12 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 4657/QĐ-BGDĐT ban hành Quy chế xét tặng Giải thưởng công trình Toán học xuất sắc thuộc Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 đến 2030. Viện đang tiếp tục tích cực và chủ động phối hợp với các Vụ, Cục chức năng để xây dựng Quy chế làm việc của Ban Điều hành và Dự thảo các văn bản quy định tổ chức, triển khai và thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình.
Toàn bộ 02 hệ thống phần mềm của Gói thầu: Cung cấp, lắp đặt hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin và phần mềm đã được cài đặt tuân thủ thiết kế chi tiết và hợp đồng số 124-2912/2022/VNCCCT-MSTB/BQLCDA-MITEC.TRINAM ngày 29 tháng 12 năm 2022. Các hệ thống phần mềm hoạt động ổn định trên hạ tầng công nghệ thông tin của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán.
Đường dẫn truy cập của các hệ thống phần mềm: https://portal.viasm.edu.vn/
A) Phần mềm quản lý điều hành
1. Phân hệ quản lý cán bộ
2. Quản lý cơ sở vật chất
3. Phân hệ quản lý hoạt động KHCN
4. Phân hệ quản lý hoạt động đào tạo tiến sĩ
5. Phân hệ hỗ trợ kết xuất báo cáo
6. Quản trị hệ thống
B) Phần mềm hỗ trợ cho hoạt động của Viện NCCCVT
1. Phân hệ quản lý nghiên cứu viên
2. Phân hệ quản lý giải thưởng và học bổng
3. Phân hệ quản lý các hoạt động chuyên môn