1. GS. TSKH. Hồ Tú Bảo
GS.TSKH. Hồ Tú Bảo làm nghiên cứu và giảng dạy hơn 40 năm về lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI), Học máy (ML) và Khai phá dữ liệu (DM). GS Bảo tốt nghiệp Kỹ sư toán điều khiển tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Thạc sĩ và Tiến sĩ ngành Trí tuệ nhân tạo tại Đại học Paris 6, và Tiến sĩ khoa học tại Đại học Paris 9. GS Bảo là Trưởng Lab Học máy và Khai phá dữ liệu tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST, 1993-2018), Giám đốc Lab Khoa học Dữ liệu của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM, từ 2018). Đã chủ trì xây dựng các chương trình đào tạo về Khoa học Dữ liệu tại JAIST (Japan Advanced Institute of Science and Technology, 2013), Viện John von Neumann, ĐHQG HCM (2014), chủ trì và tham gia xây dựng chương trình AI và DS tại Đại học Bách Khoa Hà Nội (2019), Khoa Quốc tế ĐHQGHN (2019), Đại học Thăng Long (2020), và góp ý xây dựng các chương trình AI và DS của nhiều trường đại học (http://www.jaist.ac.jp/~bao).
2. PGS.TS. Huỳnh Thị Thanh Bình
PGS. Huỳnh Thị Thanh Bình hiện là Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trưởng nhóm nghiên cứu Tối ưu hóa, Đại học Bách khoa Hà Nội. PGS. Bình đã tham gia xây dựng và phát triển chương trình đào tạo Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
PGS. Huỳnh Thị Thanh Bình hiện là thành viên của Hội đồng khoa học ngành Khoa học thông tin và Máy tính, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia – NAFOSTED (nhiệm kỳ 2019-2021). Hướng nghiên cứu: Artificial Intelligence (Trí tuệ nhân tạo), Algorithms and Optimization (Thuật toán và tối ưu), Computational Intelligence (Trí tuệ tính toán), Evolutionary Multitasking (Tiến hóa đa nhiệm). PGS. Huỳnh Thị Thanh Bình đã công bố hơn 120 bài báo trên các tạp chí, hội thảo quốc tế. PGS. Huỳnh Thị Thanh Bình là thành viên Ban biên tập tạp chí Engineering Applications of Artificial Intelligence (2021- nay). Trong 5 năm gần đây, PGS. Bình và nhóm nghiên cứu là 1 trong 7 nhóm nghiên cứu trên thế giới có đóng góp và ảnh hưởng trong lĩnh vực Tối ưu đa nhiệm và Tính toán tiến hoá đa nhiệm. PGS Bình đã giành giải Nhất tại cuộc thi Tiến hóa đa nhiệm, Tối ưu đa nhiệm đơn mục tiêu, Đại Hội nghị Trí tuệ tính toán toàn cầu của Hiệp hội kỹ thuật Điện Điện tử năm 2018 (World Congress on Computational Intelligence); Hội nghị Tính toán tiến hóa của Hiệp hội kỹ thuật Điện Điện tử năm 2021 (Congress on Evolutionary Computation).
3. TS. Trần Đức Quỳnh
TS. Trần Đức Quỳnh nhận bằng Tiến sĩ về Khoa học máy tính tại Đại học Lorraine, cộng hoá Pháp năm 2011. Đã có kinh nghiệm gần 20 năm trong đào tạo và nghiên cứu, là Trưởng Bộ môn Toán tin ứng dụng, Trưởng Khoa Công nghệ thông tin tại Học Viện Nông nghiệp Việt Nam. Hiện nay là Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đã có kinh nghiệm làm việc như chuyên gia phát triển mô hình dự báo tài chính, chuyên gia AI (trí tuệ nhân tạo) cho một số công ty trong đó có các công ty lớn nước ngoài và trong nước như Worldquant, Vingroup... Đã công bố hơn 20 công trình khoa học trên các tạp chí khoa học và các nhà xuất bản uy tín trên thế giới. Hiện tập trung đào tạo và nghiên cứu về Tối ưu hoá, Học máy và ứng dụng trong tài chính, kinh doanh, vận tải.
4. TS. Nguyễn Thị Huyền Châu
TS. Nguyễn Thị Huyền Châu tốt nghiệp Cử nhân công nghệ thông tin năm 2005 tại Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội, tốt nghiệp Thạc sĩ, Tiến sĩ Khoa học máy tính năm 2007 và 2010 tại Trường Kỹ nghệ Hàng không Quốc gia Pháp (ENSMA). Đã có 15 năm kinh nghiệm trong đào tạo, nghiên cứu. Hướng nghiên cứu chính: học máy, học sâu, kiểm định khả năng lập lịch. TS. Châu là Trưởng Ngành Trí tuệ Nhân tạo, Trưởng Phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo của Đại học Thăng Long. Hiện quan tâm chủ đề phát triển các phần mềm trí tuệ nhân tạo hỗ trợ ra quyết định trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, quản lý. Đang làm chủ nhiệm và nghiên cứu viên cao cấp các dự án dùng AI tầm soát bệnh trầm cảm, chẩn đoán bệnh da, các hội chứng bệnh vùng kín, phát triển các phần mềm học sâu cho quản lý đào tạo đại học, quản lý nhân viên doanh nghiệp.
5. TS. Nguyễn Thị Minh Huyền
TS. Nguyễn Thị Minh Huyền nhận học vị tiến sĩ ngành Tin học năm 2006 tại Trường Đại học Nancy I, CH Pháp. Sau khi tốt nghiệp, cô quay về làm việc tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội. Lĩnh vực nghiên cứu chính của cô là Xử lí ngôn ngữ tự nhiên. Từ năm 2012 đến nay, cô là một trong các thành viên chính của Ban tổ chức các hoạt động cộng đồng Xử lí ngôn ngữ và tiếng nói tiếng Việt (VLSP), và là Chủ tịch CLB VLSP, chi hội của Hội Tin học Việt Nam nhiệm kì 2020-2025. Cô đã tham gia đóng góp trong nhiều đề tài xây dựng tài nguyên và công cụ phân tích từ vựng, cú pháp và ngữ nghĩa tiếng Việt, phục vụ cho sự phát triển của cộng đồng nghiên cứu VLSP. TS Huyền có nhiều kinh nghiệm xây dựng và triển khai chương trình đào tạo ở các cương vị Trưởng Bộ môn và Phó Trưởng Khoa. Hiện cô giữ trách nhiệm Trưởng Bộ môn Tin học, Khoa Toán – Cơ – Tin học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên.
6. TS. Lê Trường Tùng
Tốt nghiệp ngành Toán ĐH Lomonosov (Moscow, Nga) năm 1980, tiến sĩ tại Viện Kỹ thuật Quân sự năm 1987. Có kinh nghiệm hơn 20 năm làm CNTT trong quân đội và hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Đã từng giữ chức Chủ tịch hội Tin học TP HCM, Phó Chủ tịch hội Tin học Việt nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học Ngoài công lập Việt nam. Tham gia sáng lập trường Đại học FPT.
Hiện nay là Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT, Giám đốc Tổ chức Giáo dục FPT. Ông cũng là Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học Cao đẳng Việt nam, Chủ tịch Câu lạc bộ khối các trường đại học cao đẳng ngoài công lập, và là Ủy viên Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nhân lực.
7. GS.TS. Lê Hoài Bắc
GS.TS. Lê Hoài Bắc – Giảng dạy và nghiên cứu hơn 35 năm về Trí Tuệ Nhân tạo (AI), Tính toán mềm (SC), Học máy (ML) và Khai thác dữ liệu (DM). Đã công bố hơn 200 bài báo trong các lĩnh vực quan tâm. Có nhiều kinh nghiệm xây dựng và triển khai chương trình đào tạo Đại học và Sau Đại học trong lĩnh vực CNTT. Từ năm 2009 đến nay, áp dụng mô hình CDIO để xây dựng các chương trình đào tạo. Hiện là trưởng Bộ môn Khoa học Máy tính – Khoa CNTT – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quóc gia Tp Hồ Chí Minh.
8. GS.TS. Phùng Quốc Định
Tiến sĩ Phùng Quốc Định là giáo sư toàn phần và đồng thời là giám đốc nghiên cứu của bộ môn Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (AI) thuộc khoa Công nghệ thông tin trường đại học Monash, Úc. Ông hiện cũng là giám đốc của khối nghiên cứu thuộc viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo VinAI, Việt Nam. Từ năm 2017 đến năm 2020, ông kiêm nhiệm vị trí AI Chief Scientist tại công ty Trusting Social. Các hướng nghiên cứu chính của ông bao gồm: máy học, học sâu, vận chuyển tối ưu (optimal transport) và mô hình xác xuất đồ thị trong AI. Giáo sư Định đã xuất bản hơn 250 công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu của mình và các ứng dụng khác như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, sức khoẻ số (digital health), an ninh mạng và ứng dụng AI giúp trẻ tự kỷ (early intervention in autism). Ông đang là chủ biên cho tái phẩm lần 3 sắp tới của Bách khoa toàn thư về Máy Học và Khoa học dữ liệu, và là Phó chủ biên của Tạp chí nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo (JAIR). Năm 2020, ông là một trong hai nhà khoa học chung cuộc giải thưởng Australian Museum Eureka Prize for Excellence in Data Science ghi nhận thành tựu nghiên cứu xuất sắc trong Khoa học dữ liệu – một trong những giải thưởng khoa học quan trọng nhất ở Úc.