Trường Đông “Phương trình Đạo hàm riêng 2020” tại Đại học Sài Gòn

Ngày 26/12/2020, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán và trường Đại học Sài Gòn đã phối hợp tổ chức Khóa học ngắn hạn về Phương trình Đạo hàm riêng 2020 (PDE) tại Giảng đường D401, trường Đại học Sài Gòn (cơ sở 1). Khóa học đã thu hút gần 80 học viên đến từ nhiều cơ sở giáo dục, trường đại học, và viện nghiên cứu từ 3 miền đất nước và một vài cơ sở giáo dục ở nước ngoài như Đại học Cambridge (Anh), Đại học Ecole Polytechnique (Pháp), Đại học Case Western Reserve, Duke, Emory, Rochester (Mỹ) về nước tránh dịch Covid-19. 

Khóa học “Phương trình Đạo hàm riêng 2020” nhằm trang bị những kiến thức cơ bản và chuyên sâu trong lĩnh vực phương trình đạo hàm riêng cho sinh viên đại học (từ năm 2 trở lên), học viên sau đại học và nghiên cứu sinh. Những kiến thức này sẽ giúp cung cấp và bổ sung cho các học viên một bức tranh tổng quát và các triết lý/cách nhìn đúng đắn về PDE đương đại.

pde2020-1.jpg

Khóa học diễn ra trong 04 ngày, từ 26/12 đến 29/12 năm 2020 bao gồm 03 chuyên đề.

Chuyên đề 1:  Phương trình Laplace và tính chất của hàm điều hòa (Basics about Laplace equation and harmonic functions) do PGS. Trần Vĩnh Hưng (Đại học  Wisconsin Madison, Hoa Kỳ) trình bày.

Chuyên đề 2: Một số chủ đề về phương trình biharmonic (Topics on biharmonic equations)  do PGS. Ngô Quốc Anh (Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội) giới thiệu.

Chuyên đề 3: Tính chất nghiệm của phương trình reaction-diffusion trong môi trường tuần hoàn (Front propagation for reaction-diffusion equations in periodic media) do TS. Võ Hoàng Hưng (Đại học Sài Gòn) trình bày.

Trước khi bắt đầu vào bài giảng đầu tiên, PGS. TS Lê Minh Hà, Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đại diện cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán lên phát biểu chào mừng giảng viên và học viên tham dự Trường Đông.

Trường Đại học Sài Gòn rất vui mừng và vinh dự là đơn vị đồng tổ chức sự kiện này. Đây là một dịp vô cùng thuận lợi để các sinh viên và người học yêu thích Toán được giao lưu học thuật với các giảng viên, nhà khoa học đến từ các viện trường uy tín trên thế giới và Việt Nam, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng thực tế.

Sau phần phát biểu khai mạc là bài giảng của PGS. Trần Vĩnh Hưng (Đại học Wisconsin Madison, Hoa Kỳ) về Phương trình Laplace và tính chất của hàm điều hòa.

Các bài giảng, chuyên đề trong khóa học được các giảng viên thiết kế, trình bày đã thu hút sự quan tâm rất lớn của các học viên, đa phần là các sinh viên Toán, thầy cô giáo và nhà nghiên cứu về PDE, có kiến thức nền tảng đa dạng, rất tốt về Toán và PDE nên việc trao đổi tranh luận khá sâu sắc và cởi mở. PGS. Trần Vĩnh Hưng, giảng viên đến từ Đại học Wisconsin Madison (Mỹ) đánh giá cao về khóa học, về Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán và Đại học Sài Gòn đơn vị đồng tổ chức Khóa học. Bên cạnh đó PGS. Hưng đã chia sẻ, trao đổi nhiệt tình với học viên và đánh giá rất cao về sự chủ động tìm tòi, học hỏi của học viên của Khóa học này. Đây là dịp để sinh viên hoặc học viên cao học, nghiên cứu sinh, các nhà khoa học trẻ được trang bị thêm các kiến thức cơ bản về giải tích hàm và lý thuyết độ đo và PDE, cũng như ứng dụng toán học trong thực tế.

Kết thúc khóa học, những học viên tham dự đầy đủ cả 03 chuyên đề sẽ được trao giấy chứng nhận hoàn thành Trường Đông PDE 2020 ngay tại lớp học.