Ngày 28 tháng 10 năm 2022, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (Viện NCCCT) đã tổ chức Hội thảo thường niên của Mạng lưới Thống kê ứng dụng Việt Nam năm 2022 - Vietnam Applied Statistics Network (VASN) Annual Meeting 2022.
Các báo cáo mời, BTC và đại biểu tham dự khai mạc Hội thảo
Hội thảo thường niên là diễn đàn kết nối các nhà nghiên cứu thống kê trong và ngoài nước nhằm trao đổi, thảo luận các kết quả và hướng nghiên cứu mới về ứng dụng của thống kê trong kinh tế, y sinh, môi trường, giáo dục, khoa học dữ liệu…
Tại Hội thảo thường niên lần thứ nhất được tổ chức năm 2021 đã diễn ra phiên toạ đàm giữa các nhà nghiên cứu thống kê ứng dụng ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài để từ đó kết nối và thành lập Mạng lưới thống kê ứng dụng Việt Nam do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán bảo trợ.
Tham dự khai mạc Hội thảo thường niên năm nay, về phía Viện NCCCT có PGS. Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành, TS. Trịnh Thị Thúy Giang, Phó Giám đốc; về phía mạng lưới thống kê ứng dụng Việt Nam có PGS.TS Ngô Hoàng Long, Phó trưởng khoa Toán - Tin Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cộng tác viên lâu dài của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Phụ trách mạng lưới và các thành viên chủ chốt khác của VASN. Hai báo cáo mời toàn thể năm nay được trình bày bởi GS. Christine Thomas-Agnan, Đại học Toulouse 1 Capitole, Pháp và GS. Phạm Ngọc Thanh Mai, Đại học Sorbonne Paris Nord, Pháp. Hội thảo thu hút sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của gần 100 đại biểu đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu trong và ngoài nước.
PGS. Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành Viện NCCCT phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành Viện NCCCT giới thiệu các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2020-2030 và nhấn mạnh mục tiêu phát triển các lĩnh vực của toán ứng dụng, đặc biệt là Thống kê và Khoa học dữ liệu. PGS. Lê Minh Hà đã điểm lại các hoạt động nổi bật trong một năm vừa qua của Mạng lưới thống kê ứng dụng Việt Nam (VASN) như các khóa tập huấn giảng viên về các phương pháp thống kê hiện đại tại miền Bắc, miền Nam và miền Trung, bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy mạch kiến thức Thống kê – Xác suất trong chương trình phổ thông môn Toán 2018 tại rất nhiều tỉnh thành, Hội thảo giảng dạy Thống kê - xác suất trong chương trình giáo dục phổ thông (TPSEC2022) và các Seminar định kỳ hàng tháng. PGS. Lê Minh Hà mong muốn và đề nghị VASN tiếp tục phát triển các thành viên của mạng lưới và tích cực hỗ trợ các hoạt động chuyên môn của Viện NCCCT và Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học trong thời gian tới.
Các thành viên của VASN chụp ảnh cùng các Báo cáo mời và đại biểu
Hội thảo bao gồm 02 báo cáo mời toàn thể và 6 báo cáo ngắn được trình bày bởi các nhà khoa học trong và ngoài nước. Các báo cáo toàn thể trình bày một số vấn đề thời sự, đang được cộng đồng thống kê thế giới quan tâm nghiên cứu. Các báo cáo ngắn trình bày chuyên sâu về các chủ đề về phát triển mô hình thống kê và ứng dụng thống kê trong một số lĩnh vực khoa học khác nhau.
PGS. Ngô Hoàng Long, Ban Chương trình giới thiệu về báo cáo mời toàn thể GS. Christine Thomas-Agnan
Trong báo cáo mời toàn thể thứ nhất, GS. Christine Thomas-Agnan đã trình bày về Bài toán nhận dạng các giá trị ngoại lai trong phân tích dữ liệu đa hợp thông qua phương pháp sử dụng tọa độ bất biến (Invariant Coordinate Selection, ICS). Phân tích dữ liệu đa hợp, Compositional Data Analysis (CoDA) là một hướng nghiên cứu đang được nhiều nhà thống kê trên thế giới quan tâm phát triển lý thuyết và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Hơn nữa, trong phân tích dữ liệu, nhận dạng giá trị ngoại lai rất quan trọng vì các giá trị này sẽ ảnh hưởng đến các suy luận thống kê và ước lượng mô hình nghiên cứu.
GS. Christine Thomas-Agnan trình bày báo cáo mời toàn thể đầu tiên tại Hội thảo
GS. Phạm Ngọc Thanh Mai trình bày báo cáo mời toàn thể thứ hai về Ước lượng đáp ứng phi tham số cho đồ thị hình học (geometric graphs). Tác giả quan tâm đến việc phục hồi các hàm đồ thị (graph functions hay graphons) khi chúng là các nhân tích chập trên các không gian metric compact đối xứng đồng thời cũng trình bày cách xây dựng các ước lượng đáp ứng bằng cách áp dụng phương pháp Goldenshlugher-Lepski.
GS. Phạm Ngọc Thanh Mai trình bày trực tuyến từ Pháp
Ngoài 2 báo cáo mời toàn thể, Hội thảo còn có 6 báo cáo của các nhà khoa học trong và ngoài nước: TS. Nguyễn Phúc Cảnh (Trường ĐH Kinh tế TP. HCM), TS. Phạm Đình Tùng (Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN), PGS.TS Võ Văn Tài (Trường ĐH Cần Thơ), TS. Lê Thị Thanh An (Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP. HCM), TS. Châu Thị Tuyết Trang (Đại học Paris-Saclay, Pháp), TS. Phí Tiến Cường (Đại học Nice, Pháp) .
TS. Lê Thị Thanh An trình bày báo cáo 1 tại Hội thảo
TS. Phạm Đình Tùng trình bày báo cáo 2
TS. Châu Thị Tuyết Trang trình bày báo cáo 3 trực tuyến từ Pháp
TS. Nguyễn Phúc Cảnh trình bày báo cáo 4 trực tuyến từ TP. Hồ Chí Minh
TS. Phí Tiến Cường trình bày báo cáo 5 trực tuyến từ Pháp
PGS.TS. Võ Văn Tài trình bày báo cáo 6 trực tuyến từ Cần Thơ
Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp với nhiều trao đổi sôi nổi về chuyên môn của Đại biểu tham dự với các báo cáo viên trong các phiên báo cáo.
Trong khuôn khổ Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030, Viện NCCCT sẽ tiếp tục phối hợp với VASN để tiếp tục triển khai các hoạt động chuyên môn nhằm kết nối Giảng viên các trường đại học, nhà nghiên cứu, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước quan tâm đến lĩnh vực thống kê ứng dụng, từ đó góp phần nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu thống kê, và áp dụng thống kê trong ngành khoa học khác nhau.