Cảm tưởng của Giáo sư Lê Dũng Tráng về hợp tác Toán học Việt – Pháp

Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán xin đăng tải bài phát biểu của giáo sư Lê Dũng Tráng về hợp tác Toán học Việt – Pháp. Đây là cảm tưởng của giáo sư tại lễ khai mạc Hội nghị Toán học phối hợp Việt – Pháp (ngày 20.8).


Sau đây là bài phát biểu:


Xin chào mừng tất cả các thành viên của hội toán học Pháp và tất cả các nhà toán học trên thế giới đang tập hợp ở đây để dự hội nghị lớn này.


Tôi có một nhiệm vụ khó khăn là chào mừng quý vị trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của HTH Pháp và HTH Việt Nam. Tôi đoán rằng điều đó xảy ra bởi vì tôi là người chứng kiến hầu như bắt đầu từ khi hai cộng đồng toán học cộng tác chặt chẽ với nhau và tôi là thành viên của hai cộng đồng đó.


Lịch sử gắn kết giữa toán học Pháp và Việt Nam bắt đầu từ thời GS. Lê Văn Thiêm nghiên cứu ở trường ĐH cao cấp Paris (Ecole Normale Superieure). Lúc đó là chiến tranh. Ông đã bảo vệ luận án Tiến sỹ Toán ở Goettingen chỉ ít ngày trước khi thành phố rơi vào tay quân đội Mỹ.


Trong nhiều năm, Việt Nam bị cô lập khỏi thế giới. Mãi đến năm 1965, GS. Laurent Schwartz thăm Việt Nam lần đầu tiên. Khi trở về ông ta đã khích lệ Alexander Grothendieck thăm Việt Nam vào năm 1969. Cũng năm đó, ông đã thu xếp để GS. Nguyễn Đình Trí đến Nhật Bản để dự hội nghị Toán học. GS. Bùi Trọng Liễu, một nhà toán học Việt Nam sống ở Pháp, thăm Việt Nam vào năm 1970. Ông ta tổ chức chuyến thăm của tôi vào năm 1972. Như vậy, cho đến lúc đó hầu như không có một nhà toán học nào thăm Việt Nam. Một trong những lý do chính là Việt Nam liên tục có chiến tranh giai đoạn 1945-1975.


Bất chấp nguy hiểm của cuộc chiến một người đã sát cánh với GS Lê Văn Thiêm để phát triển toán học. Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã học ở Pháp trước Thế chiến thứ II ông ấy kể với tôi rằng đáng ra ông theo học ở Sorbonne, nhưng để vượt qua những khó khăn nhằm đạt được trình độ Thạc sỹ của Pháp, ông đã quyết định theo con đường tốt nghiệp phổ thông tự do, và học một ít Toán, Lý, Tiếng Anh và Văn học. Bằng cách đó ông hiểu được giá trị của khoa học và ý nghĩa của toán học. Ở một vài khía cạnh, ông ấy là thư ký riêng của chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Năm 1954 sau chiến thắng Điện Biên Phủ ông ấy ký hiệp định hòa bình Geneva. Khi tôi gặp ông thì ông đã là Bộ trưởng Bộ Đại học. Trong chính phủ Việt Nam, ông là người hiểu ngay lập tức tiềm năng của Toán học Việt Nam.



GS. Lê Dũng Tráng phát biểu tại Hội nghị Toán học phối hợp Việt – Pháp


Ông ấy giúp tôi tổ chức một lớp học với B. Malgrange, A.Chenciner và F. Phạm vào tháng 10/1974. Nhân dịp này ông đã viết một bài báo dài về lý thuyết tai biến trên báo Nhân Dân. Ông ấy đã mời Y. Amice, Chủ tịch của HTH Pháp khi đó, J.L.Verdie, một cựu Chủ tịch khác của HTH khác và P.Cartier. Đối với Nhật Bản, ông tổ chức chuyến thăm của K.Saito, người trong những ngày đó là một trong những người bạn Nhật tốt nhất của tôi.


Ngày nay tất cả những điều đó có vẻ như là tầm thường. Các bạn trẻ phải hiểu rằng cho đến cuối những năm 80, Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Khi tôi về nước năm 1972, ở Việt Nam chỉ có không đến 30 nhà Toán học. Nổi tiếng nhất khi đó là các giáo sư: Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy, Phan Đình Diệu. Viện Toán học được đặt tại một phòng nhỏ ở Ủy ban khoa học nhà nước tại Hà Nội. Semina được tiến hành tại một trong những trường đại học ở Hà Nội. Xin visa là một cuộc chiến không nghỉ với các nhà chức trách. Đến Hà Nội bằng tàu hay máy bay đều khó khăn. Tôi không nhớ là B. Malgrange, A.Chenciner và F. Phạm bay qua Bangkok hay Viên Chăn. Bản thân tôi đến bằng tàu vào năm 1972 và những năm sau đó tôi đi bằng máy bay chậm chạp qua Moscow hoặc Berlin. Mất những 37 giờ.


Cái gì bây giờ được xem như là hiển nhiên hay dễ dàng thì lúc đó vô cùng khó khăn. Để thu xếp lịch trình giữa chuyện xin visa, việc đến của các nhà Toán học, đặt phòng khách sạn, lôi kéo khán giả, thu xếp phòng bài giảng, vận chuyển, thăm quan, tất cả những điều đó là những khó khăn vô cùng tận. Tôi nhớ rằng mọi người đã giấu Grothndieck một câu chuyện buồn là sau chuyến thăm của ông ta (ông giảng khoảng 70 giờ trong 3 tuần ở khu rừng sơ tán tránh bom), thư viện Toán học bị mất hơn 100 quyển sách do lũ lụt.


Tất cả những điều đó còn hiện lên một cách nóng hổi trong trí nhớ của tôi và tôi có thể kể không bao giờ hết về những năm tháng đầu tiên đó. Tôi chỉ chọn một vài điều để nói hôm nay sao cho thế hệ trẻ không quên những nỗ lực để phát triển toán học ở Việt Nam và nhớ những cái tên Lê Văn Thiêm và Tạ Quang Bửu.


Để kết thúc bài phát biểu của tôi, cho tôi nói nhanh về những ký ức mà tôi đã có trong những thời gian đầu.


Đó là vào chuyến thăm đầu tiên của tôi năm 1972. Khi đó Trần Quỳnh là Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước. Ông không phải là nhà khoa học nhưng ông là người thực tế và muốn có những lý do chính đáng để phát triển quan hệ với thế giới bên ngoài. Tôi đã gặp riêng ông ta khoảng nửa giờ. Ông ta hỏi tôi một cách thẳng thừng: “Tráng, anh muốn làm gì ở Việt Nam?”. Tôi chẳng biết trả lời thế nào bởi vì tôi không nghĩ được một câu trả lời ngoại giao mà người ta cần phải làm trong những trường hợp đó. Tôi bắt buộc phải chứng tỏ tôi chả sợ gì cả. Tôi nhớ toàn bộ thần kinh của tôi đã tập trung để đưa ra một câu trả lời phù hợp. Khi đó tôi đã trả lời: “Tôi mong là trong 25 năm nữa ở Việt Nam có ai đó sẽ nhận được giải thưởng Fields, một giải thưởng mà các nhà Toán học xem như là giải Nobel của họ”. Tôi rất tiếc là tôi đã đoán sai mất 13 năm.


Biên tập: N.T