Chúng ta học như thế nào?

Chiều 13/3/2013 tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ với sinh viên về “ How we learn – Chúng ta học như thế nào” . Chủ đề này không chỉ là mối quan tâm của sinh viên, học sinh mà nó còn là những băn khoăn của các bậc cha mẹ đang có con cắp sách tới trường, của các nhà giáo và nhà quản lý giáo dục.



(Giáo sư Châu cho rằng để trở thành một nhà nghiên cứu khoa học thì sự trung thực, tính kỷ luật cộng hưởng với niềm đam mê là những yếu tố quan trọng nhất)


Trong thời gian hạn hẹp của buổi nói chuyên, Giáo sư đã trình bày, bàn luận để có thể đưa câu trả lời cho câu hỏi chung về “bí quyết học tập” thông qua ba câu hỏi cụ thể: cái gì là động cơ căn bản cho việc học tập? Học chữ hay học làm người (hay đơn giản hơn là học cái gì?) và Học như thế nào?


Theo GS. Ngô Bảo Châu thì động cơ chính cho việc học tập là sự hướng thượng (hướng đến sự cao cả), hướng thiện ở mỗi con người; bởi vì phần lớn người ta học để hoàn thiện bản than mình, tức là học với động cơ hướng thiện thuần khiết nhất.


Điều đầu tiên mà đứa trẻ học chính là học từ bố mẹ, người lớn và để trẻ có kỹ năng sống thì người lớn phải là tấm gương cho con trẻ noi theo chứ không phải trách nhiệm của những người bậc làm cha, mẹ và người lớn chỉ là cho trẻ ăn no, mặc ấm. Giáo sư còn nhấn mạnh vai trò của giáo dục nhân văn trong sự hình thành nhân cách; ngôn ngữ và thái độ khoa học. Và vấn đề cuối cùng là học như thế nào; đó là cần có chí, tính kỷ luật, sự trung thực, niềm say mê và cả lòng quả cảm. Sau bài nói chuyện, Giáo sư đã dành hơn 30 phút để giao lưu và trả lời nhiều câu hỏi của các bạn sinh viên.


Toàn văn bài nói chuyện có thể tìm đọc trên Tạp chí Tia sáng



(PGS.TS Phạm Hoàng Lương – phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa – tặng kỷ niệm chương cho giáo sư Ngô Bảo Châu)


Lần về Việt Nam này của GS Ngô Bảo Châu theo chuỗi sự kiện “Những cầu nối – Đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình” lần thứ tư tại Đông Nam Á do Quỹ Hòa bình Quốc tế tổ chức. Chương trình “Cầu nối” nhằm tạo điều kiện tăng cường đối ngoại và thông tin liên lạc giữa các nền văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo trong khu vực Đông Nam Á với các nước nhằm thúc đẩy hiểu biết và tin tưởng nhau.


Trước buổi nói chuyện tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, GS Ngô Bảo Châu đã có gần 1 tuần làm việc với Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán sau thời gian dài đi vắng. Theo lịch trình, sau buổi nói chuyện tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, GS Ngô Bảo Châu sẽ có buổi gặp mặt với học sinh Trường Quốc tế Anh; gặp gỡ sinh viên Trường Đại học Mở TP.HCM vào ngày 15.3 và nói chuyện với học sinh khiếm thị vào ngày 16.3 tại TP.HCM.