Nhân kỷ niệm 50 năm Việt Nam tham dự Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) giai đoạn 1974-2024, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán phối hợp cùng Hội Toán học Việt Nam tổ chức Chuỗi hoạt động Kỷ niệm 50 năm Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (1974 - 2024) nhằm tổng kết, đánh giá các hoạt động, phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng tài năng toán học trẻ trong thời gian qua và định hướng phát triển cho tương lai. Thông qua đó, khuyến khích và tạo ra khát vọng, động lực học tập, cống hiến trong thế hệ trẻ góp phần vào sự phát triển và hưng thịnh của quốc gia. Chuỗi hoạt động cũng là dịp tôn vinh, tri ân các thế hệ giáo viên đã tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, các thế hệ học sinh đã từng tham gia các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán, Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực (TST), học sinh đội tuyển IMO Việt Nam… đóng góp vào cuộc hành trình 50 năm qua.
Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) là Kỳ thi Toán học thế giới dành cho học sinh trung học được tổ chức hàng năm. Kỳ thi được tổ chức từ năm 1959 tại Romania, Việt Nam bắt đầu tham gia năm 1974 đến nay và đã có 48 lần cử đội tham gia các Kỳ thi Olympic Toán quốc tế với 288 thí sinh dự thi (trong đó có 18 thí sinh nữ), đạt thành tích 271 huy chương (69 vàng, 117 bạc, 85 đồng), tỷ lệ học sinh được huy chương là 94%. Trong suốt lịch sử 50 năm đã có 10 học sinh xuất sắc đạt số điểm tuyệt đối, 10 học sinh được 2 huy chương vàng. Xét theo thành tích đồng đội không chính thức, đội IMO Việt Nam nằm trong top 10 thế giới trong phần lớn các năm dự thi. Để đạt được thành tích xuất sắc ấy, bên cạnh sự thông minh, chăm chỉ, nỗ lực của các học sinh, còn nhờ vào sự dạy bảo, chăm sóc của các thầy cô giáo, sự quan tâm, tạo điều kiện của các nhà quản lý và đặc biệt là chính sách của nhà nước và trực tiếp là của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thành tích trong các kỳ thi quốc tế bậc trung học phổ thông khẳng định khả năng tư duy của thế hệ trẻ người Việt, góp phần khuyến khích học tập, đào tạo hiền tài để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chương trình gồm hai hoạt động chính: Hội thảo về Đánh giá công tác bồi dưỡng và kết quả thi HSG môn Toán quốc gia, quốc tế giai đoạn 2015-2024, và Chương trình gala kỷ niệm 50 năm Việt Nam tham dự Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế.
Hội thảo về Đánh giá công tác bồi dưỡng và kết quả thi HSG môn Toán quốc gia, quốc tế giai đoạn 2015-2024 bao gồm các báo cáo tham luận và một phiên tọa đàm mở. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, trong 50 năm Việt Nam tham dự Kỳ thi Olympic Toán quốc tế, đã đạt được thành tích rất tốt, ngay ở năm đầu tiên tham dự. Tuy nhiên, điều chúng ta tự hào không chỉ ở học sinh đi thi Olympic Toán học quốc tế, mà là nhiều nhà Toán học đã đạt được những thành công rất lớn ở trong nước và thế giới.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Bộ GD&ĐT phát biểu khai mạc Hội thảo
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Bộ GD&ĐT luôn đề cao vai trò môn Toán từ phổ thông đến đào tạo đại học, sau đại học, trong nghiên cứu; nhất là trong giai đoạn phát triển khoa học công nghệ như hiện nay. Nhưng trong các trường đại học, ở một số ngành, một số lĩnh vực vẫn có hiện tượng coi nhẹ môn Toán. Nhiều chương trình, nhiều ngành đã cắt giảm thời lượng môn Toán, ngay cả chất lượng giảng dạy môn Toán ở trong nhiều trường kỹ thuật cũng không thực sự hấp dẫn. Thứ trưởng Sơn mong rằng trong thời gian tới, với sự chung tay của các nhà khoa học, lãnh đạo các trường đại học, chúng ta hãy quan tâm hơn tới việc dạy và học môn Toán, làm sao cho học sinh học, sinh viên học môn Toán có hiệu quả hơn. “Phải làm tốt hơn việc dạy Toán từ phổ thông, nghiên cứu tốt hơn ở bậc đại học. Làm sao Toán học không chỉ chiếm thời lượng nhiều hơn trong chương trình đại học mà việc dạy và học Toán phải tạo hứng thú tốt hơn, hiệu quả hơn cho người học. Như vậy, sự phát triển mới bền vững”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Ngô Bảo Châu phát biểu tại Hội thảo
Thay mặt cho Ban tổ chức, Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) đã có bài phát biểu chào mừng tại Hội thảo. Theo Giáo sư, sau 10 năm, với rất nhiều thay đổi, Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học đã bước sang một giai đoạn thực hiện của 10 năm tiếp theo với nhiều mục tiêu và chiến lược phát triển mới. Một thế hệ những cựu học sinh IMO cũ đã trưởng thành, một thế hệ mới đã xuất hiện. Sau 50 năm nhìn lại, chúng ta đã có thể khẳng định rằng Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế IMO vẫn là một sân chơi của môn thể thao trí tuệ, và phần nào là một thước đo để đánh giá năng lực phát triển giáo dục toán học của một quốc gia. Từ năm 2022, VIASM đã được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ phụ trách việc tập huấn đội tuyển IMO (khoảng 2 tháng) trước ngày lên đường đi thi. Tại đây, các em được quan tâm chu đáo và chăm sóc tốt hơn, và quan trọng hơn là được hoà nhập vào cùng với cộng đồng toán học trong và ngoài nước.
Sau nhiều năm gắn bó với nền Toán học nước nhà, Giáo sư cảm thấy rất vui mừng về những thành quả đã đạt được, đặc biệt là sự đoàn kết, gắn bó giữa cộng đồng toán học Việt Nam trong và ngoài nước. Vui mừng về sự quan tâm của Chính phủ, và toán học vẫn là một trong những môn học được yêu thích của các bạn trẻ Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó cũng vẫn còn những câu hỏi đặt ra như: làm sao để phong trào học toán được bền vững, sâu rộng hơn, làm sao để môn toán và các môn học cơ bản khác trở thành lựa chọn một cách tự nguyện của người trẻ. Hiện nay, chúng ta đang nói rất nhiều về đào tạo nhân lực cho trí tuệ nhân tạo, rồi bán dẫn - làm chủ được những công nghệ này, tuy nhiên, làm sao có thể làm chủ được nếu như thời lượng các môn toán và có lẽ nhiều môn học cơ bản khác bị cắt giảm, cả ở bậc phổ thông lẫn đại học? Trong thời đại bùng nổ thông tin, của trí tuệ nhân tạo, Giáo sư cho rằng chúng ta cần tránh nhồi nhét thêm những kiến thức mới, mà cần trở về với những nền tảng cơ bản, với những nguyên tắc lập luận, tư duy cơ bản.
(Chi tiết bài phát biểu của Giáo sư Ngô Bảo Châu có thể xem tại đây)
GS.TS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam báo cáo tại Hội thảo
Mở đầu Hội thảo, GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, người đã tham gia dẫn đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi IMO trong 11 năm (2013-2023) trình bày “Báo cáo Tổng kết 10 năm Việt Nam tham dự Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) 2015-2024” để tổng kết quá trình, kết quả tham dự Kỳ thi IMO trong 10 năm gần đây. GS.TS. Lê Anh Vinh cho hay, vì mốc 2013 đối với đội tuyển IMO Việt Nam và cá nhân Giáo sư rất đặc biệt, do vậy Giáo sư sẽ trình bày và lấy mốc từ năm 2023. Nếu tính từ năm 2013 đến năm 2024, Việt Nam trung bình xếp hạng trong khoảng từ 5 đến 15. Có 3 năm đội Việt Nam đứng thứ 3 trên toàn thế giới. Trong đó, năm 2017, Việt Nam có thành tích tốt nhất với 4 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng. Đây là điều đáng tự hào, tăng vị thế của Việt Nam trên trường thế giới. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là đã thúc đẩy tinh thần học Toán trong các trường, đặc biệt là các trường chuyên. “IMO đã tạo nên phong trào học Toán, khoa học tốt hơn rất nhiều. Hằng năm, 6 bạn đi thi IMO chỉ là một góc nhỏ chúng ta tự hào. Ý nghĩa lớn hơn của việc này là thúc đẩy tinh thần học Toán của hàng ngàn học sinh ở các trường chuyên trên khắp cả nước”, GS.TS. Lê Anh Vinh nói (chi tiết bài trình bày của GS.TS. Lê Anh Vinh có thể xem tại đây).
GS.TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT trình bày báo cáo tại Hội thảo
GS.TS. Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày về Kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực (TST) môn Toán. GS.TS. Nguyễn Ngọc Hà cho rằng, khâu tuyển chọn đội tuyển IMO có ý nghĩa quyết định đến thành tích của đội tuyển trên trường quốc tế. Khâu này vẫn cần làm tốt hơn nữa, sao cho đội tuyển phải là tập hợp của 6 thành viên ưu tú nhất về Toán học của học sinh THPT Việt Nam. Đưa ra định hướng, ông Hà cho hay, công tác tuyển chọn phải bảo đảm sự khách quan, công bằng. Theo đó, những học sinh được lựa chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế phải là những học sinh giỏi nhất. Để làm được điều đó, việc tuyển chọn đội tuyển quốc gia thi Olympic Quốc tế phải tiếp cận nội dung, hình thức thi của khu vực và quốc tế. Việc này đã và đang làm những năm gần đây. Cùng với đó, cần đổi mới, tăng cường huy động giáo viên giỏi toàn quốc trong việc ra đề thi, nhằm nâng cao chất lượng đề thi, đồng thời các giải pháp coi thi, chấm thi được thay đổi sao cho bảo đảm tính khách quan, trung thực, đánh giá đúng trình độ học sinh. Đồng thời phát huy, tăng cường tính chịu trách nhiệm của cơ sở chủ trì tập huấn và các thầy cô dẫn đoàn.
PGS. TS. Nguyễn Vũ Lương, Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên KHTN, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội trình bày tham luận tại Hội thảo
Sự phát triển của các trường chuyên, cũng như hệ thống các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và kỳ thi chọn đội tuyển tham gia các kỳ thi khu vực và quốc tế đã tạo phong trào học tập trong các nhà trường, góp phần phát hiện và bồi dưỡng tài năng ở bậc phổ thông, đóng góp vào sự nghiệp không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục ở Việt Nam. Nhiều học sinh được phát hiện từ các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế đã đạt thành tích xuất sắc ở các bậc học cao hơn, trở thành các giáo sư, nhà khoa học thành danh trên thế giới, những nhà kinh doanh, tài năng công nghệ, những nhà giáo tâm huyết, những nhà quản lý tài ba,… ở lĩnh vực nào các cựu học sinh đội tuyển IMO cũng bộc lộ sự độc đáo và thành công. Đại diện cho Trường THPT Chuyên KHTN, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội là đơn vị chiếm 30,3% tổng số huy chương của cả nước (trong đó 46,4% huy chương vàng, 26,5% huy chương bạc và 22,4% huy chương đồng), đặc biệt có 6/10 học sinh (chiếm 60%) đạt điểm tuyệt đối so với cả nước - PGS. TS. Nguyễn Vũ Lương - Nguyên Hiệu trưởng Nhà trường có bài tham luận về “Những bài học kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi”. Thầy Lương nhắc đến tầm quan trọng của việc phát hiện sớm được học sinh giỏi toán. Trường là đơn vị đầu tiên tổ chức mô hình học đội tuyển từ năm 1993. Trước thời điểm này, việc mời các thầy cô giỏi về dạy chủ yếu do các gia đình có điều kiện chủ động, không diễn ra ở quy mô các trường. Tuy nhiên, điều khiến thầy Lương quyết định ôn luyện đội tuyển là vì có học sinh từng gặp thầy, khóc vì bố mẹ không có điều kiện mời thầy giỏi để dạy. "Từ khi tổ chức học đội tuyển, không khí học tập tốt hơn, học sinh nghèo cũng có điều kiện được học thầy cô giỏi", thầy Lương nói. Thầy Lương cũng đề nghị cần cải tiến đề thi HS giỏi quốc gia cho gần hơn với thi quốc tế; nên lập một ủy ban Olympic về toán và quan tâm hơn đến chính sách khuyến khích, khen thưởng (chi tiết bài trình bày của PGS. Nguyễn Vũ Lương có thể xem tại đây)
Bắt đầu từ năm 2021, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đơn vị thường trực điều phối Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học, đứng đầu là GS. Ngô Bảo Châu đã xây dựng dự án VIMONI (Vietnam IMO New Initiative) nhằm mục tiêu góp phần vào việc cải thiện chung chất lượng giáo dục Toán học ở cấp trung học phổ thông tại Việt Nam, với trọng tâm là cuộc thi IMO. Sự tham gia của VIMONI sẽ bao gồm việc đổi mới sâu sắc, cả về chiều sâu và phạm vi, quá trình lựa chọn, bồi dưỡng và đào tạo của IMO. Dự án một phần nằm trong Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030, tuy nhiên, phần lớn kinh phí sẽ được lấy từ các nguồn tài trợ, với mong muốn học sinh giỏi Toán ở tất cả các vùng miền của cả nước sẽ được tham gia và hưởng lợi từ dự án, không phân biệt vùng miền và khoảng cách địa lý. Trong Hội thảo lần này, TS. Nguyễn Chu Gia Vượng - Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam người điều phối chính của dự án có bài “Giới thiệu về dự án VIMONI (Vietnam IMO New Initiative) và định hướng phát triển trong tương lai” (chi tiết bài trình bày của TS. Nguyễn Chu Gia Vượng có thể xem tại đây).
Nguyễn Chu Gia Vượng - Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN giới thiệu về Dự án VIMONI
Phiên tiếp theo của Hội thảo là Tọa đàm chủ đề: “Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia trẻ trong nước và thu hút nguồn nhân lực tài năng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp cho sự phát triển Đất nước” với sự tham gia của các diễn giả: Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN; Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT; GS. Ngô Bảo Châu, VIASM và ĐH Chicago, Hoa Kỳ; TS. Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng Trường PTNK- ĐHQG TP. Hồ Chí Minh; TS. Phạm Tuấn Huy, ĐH Stanford, Hoa Kỳ; Ông Phạm Kim Hùng - CEO Công ty Cổ phần True Platform và PGS.TS. Nguyễn Phi Lê - Đại học Bách khoa Hà Nội; dẫn chương trình: BTV Nguyễn Hữu Việt Khuê - Đài truyền hình Việt Nam.
Các Diễn giả tọa đàm tại Hội thảo
Tọa đàm xoay quanh các chủ đề như: công tác ươm mầm tài năng trẻ, kết nối hợp tác trong nghiên cứu, đào tạo giữa các nhà khoa học trong nước và quốc tế, đặc biệt là các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài và những định hướng mới trong chiến lược đào tạo, thu hút nhân tài khoa học - công nghệ nói chung,... Bàn về toán học, GS. Ngô Bảo Châu cho rằng, hiện dư luận xã hội có nhiều người băn khoăn về môn toán và học toán. Họ thường đặt ra câu hỏi: Học toán để làm gì? Tại sao phải học toán nhiều như vậy trong khi cả đời chẳng bao giờ dùng đến tích phân, vi phân hay giải phương trình bậc hai. Theo GS Ngô Bảo Châu, học toán không phải chỉ để giải phương trình mà để tăng khả năng ra quyết định một cách độc lập. Quyết định ở đây không phải vì nghe người ta bảo thế mà phải tự biện chứng với chính mình, rằng quyết định đó với mình là đúng đắn. Do vậy, học toán không chỉ quan trọng với người làm khoa học mà còn quan trọng và có ý nghĩa với tất cả mọi người. Đất nước sẽ lớn mạnh khi mọi người có kỹ năng tư duy độc lập và duy lý. Diện mạo đất nước cũng thay đổi tích cực nếu học sinh và người dân học toán tốt hơn.
Ba cựu IMO chia sẻ tại Hội thảo. Từ trái qua phải: TS Phạm Tuấn Huy - ĐH Stanford, Hoa Kỳ; PGS.TS Nguyễn Phi Lê – Giám đốc trung tâm Nghiên cứu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo (BKAI), ĐH Bách Khoa Hà Nội và anh Phạm Kim Hùng, CEO Công ty Cổ phần True Platform.
Theo PGS.TS. Nguyễn Phi Lê – Giám đốc trung tâm Nghiên cứu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo (BKAI), ĐH Bách Khoa Hà Nội - người từng giành Huy chương Bạc tại IMO 2000, cũng là nữ sinh thứ 11 của Việt Nam giành huy chương trong lịch sử IMO Việt Nam thì toán học có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống. Học toán không phải để hướng đến các cuộc thi mà quan trọng, toán cho người ta tư duy logic tốt. Khi học toán chuyên sâu trong một thời gian dài; đồng nghĩa với việc được rèn luyện tính kiên trì, không ngại khó, ngại khổ; để nếu gặp vấn đề gì thì sẽ tập trung, cố gắng vượt qua trở ngại và đạt được mục đích. PGS.TS. Nguyễn Phi Lê nêu quan điểm, không phải làm nghiên cứu về toán mới dùng đến toán mà mà toán sẽ áp dụng được trong nhiều ngành, nghề, nhiều lĩnh vực. Nếu có kiến thức toán chuyên sâu, học tốt môn toán sẽ giúp ích rất nhiều. Trong điều hành, trong cuộc sống cũng vậy, nếu người nào có tư duy tốt thì sẽ có kỹ năng tổng hợp, bao quát tốt; từ đó lên kế hoạch, giải quyết vấn đề tốt.
TS Phạm Tuấn Huy - ĐH Stanford chia sẻ tại Hội thảo
Với TS. Phạm Tuấn Huy, ĐH Stanford, Hoa Kỳ - người từng 2 lần giành Huy chương Vàng IMO (2013, 2014), kiến thức toán có thể không liên hệ trực tiếp với công việc nhưng rất có ý nghĩa trong rèn luyện cho anh tính kiên trì, không ngại khó. Lấy ví dụ, khi giải toán sơ cấp, anh mong sẽ có lời giải thật đẹp nhưng khi đi thi thì không phải lúc nào cũng tìm được lời giải như mong muốn. Cũng như cuộc sống, chúng ta luôn gặp những con đường gập ghềnh nhưng dù khó như thế nào thì vẫn phải cố gắng để đi từ từ và kiên nhẫn hết mức có thể; như vậy, sớm muộn cũng sẽ đi đến bước cuối cùng. Triết lý này anh có được từ việc học toán và anh luôn mang nó trong hành trang cuộc sống và công việc sau này.
Ông Phạm Kim Hùng - CEO Công ty Cổ phần True Platform chia sẻ tại Hội thảo
Ông Phạm Kim Hùng - Cựu IMO cũng là CEO của Công ty Cổ phần True Platform. Ông nổi tiếng là startup trẻ thành danh trong lĩnh vực công nghệ thông tin với nền tảng SaaS (Software-as-a-Service) đầu tiên trong khu vực. Ông Phạm Kim Hùng cũng là người từng đoạt Huy chương Vàng IMO 2004 và Huy chương Bạc IMO 2005, giành học bổng toàn phần tại ĐH Stanford, Mỹ chia sẻ, triết lý của toán học và tư duy logic của toán học giúp ích anh rất nhiều trong cuộc sống cũng như trong công việc. Giá trị lớn nhất khi học toán là giúp cho anh sự kiên trì; có thể tập trung trong thời gian dài.
Chứng minh tư duy toán giúp ích nhiều trong các ngành nghề khác nhau, biên tập viên, bình luận viên bóng đá công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Hữu Việt Khuê có chia sẻ rất thú vị. BTV Việt Khuê từng tốt nghiệp Thủ khoa chương trình đào tạo Cử nhân khoa tài năng Toán, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội và cũng là Thủ khoa đại học toàn quốc năm 2006; cựu học sinh tiêu biểu Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, từng được cộng đồng mạng trầm trồ với bảng điểm đại học “toàn 10” cho hay, tuy hiện làm một công việc không liên quan gì đến toán nhưng kiến thức toán và tư duy logic của người học toán giúp ích anh rất nhiều trong công việc.
“Chương trình gala kỷ niệm 50 năm Việt Nam tham dự Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế”
“Chương trình gala kỷ niệm 50 năm Việt Nam tham dự Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế” để ôn lại hành trình 50 qua, các thế hệ thầy và trò đã tham gia, đóng góp, cống hiến cả sức lực và trí lực cho Kỳ thi IMO. Tại đây có sự góp mặt của các thế hệ thầy, trò đội tuyển IMO trong 50 năm qua, đặc biệt sẽ là buổi hội ngộ của cựu học sinh 48 đội tuyển IMO Việt Nam.
*Một số hình ảnh của Chương trình:
*Một số tin bài về Chương trình:
- https://vtv.vn/video/song-moi-11-8-2024-689867.htm
- https://giaoducthoidai.vn/dau-an-50-nam-viet-nam-tham-du...
- https://giaoducthoidai.vn/nang-cao-thanh-tich-toan-cua...
- https://kinhtedothi.vn/50-nam-tham-du-olympic-toan-quoc...
- https://vietnamnet.vn/50-nam-du-thi-olympic-toan-quoc-te...
- https://vov2.vov.vn/.../50-nam-imo-toan-hoc-viet-nam-da...
- https://m.kienthuc.net.vn/.../50-nam-viet-nam-tham-du-imo...
- https://tienphong.vn/3-bai-toan-cua-viet-nam-trong-de-thi...
- https://tienphong.vn/imo-va-con-duong-toan-hoc-cua-giao...
- https://vnexpress.net/de-xuat-thanh-lap-uy-ban-olympic...
- https://vnexpress.net/10-truong-chuyen-co-nhieu-hoc-sinh...
- https://tienphong.vn/phat-trien-toan-hoc-tai-viet-nam...
- https://daibieunhandan.vn/.../50-nam-viet-nam-tham-du-ky.../
- https://thanhnien.vn/ban-khoan-chuyen-dau-tu-cho-toan.../
- https://thanhnien.vn/50-nam-thi-olympic-toan-quoc-te.../
- https://tiasang.com.vn/.../50-nam-vn-thi-olympic-toan.../
- https://tuoitre.vn/thang-tram-50-nam-viet-nam-du-world-cup-toan-hoc-20240729094815285.htm
- 18.https://dantri.com.vn/tam-diem/nguoi-viet-hoc-gioi-toan-20240812093820685/
- Ba bài toán của tác giả Việt Nam được chọn làm đề thi Olympic Toán quốc tế (vietnamnet.vn)
- https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/tac-dong-lan-toa-cua-olympic-toan-quoc-te/2024081508584333p1c785.htm
- https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=9706&fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTEAAR3bDTuaQagkooNfJwBprDhFX8aJYMVC_9PMZzWuqL-kM9fk7rdxNgWbE_A_aem_Cn2Ki40FmIej6xfdka-RUA