Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010 đến 2020: Thành tựu từ tầm nhìn quốc gia

Với tầm nhìn quốc gia về sự phát triển khoa học và công nghệ nói chung, phát triển nền toán học Việt Nam nói riêng, Chính phủ đã ban hành Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 đến 2020 và đạt nhiều thành tựu quan trọng, đạt được hầu hết các mục tiêu đã đặt ra và tạo nên một nền móng mới, diện mạo mới, động lực mới cho sự phát triển tiếp theo của Toán học Việt Nam.

Theo báo cáo của Hội Toán học thế giới, nhiều nước châu Á và ngay trong khối ASEAN như Philippines, Indonesia và đặc biệt là Malaysia và Thái lan trong thời gian qua đã đầu tư rất mạnh mẽ cho Toán học và khoa học cơ bản. Một số nước như Thái Lan, Malaysia phát triển khá mạnh về Toán ứng dụng. Đội tuyển học sinh Thái Lan tham dự kỳ thi IMO gần đây có thành tích rất cao và ổn định. Trong khu vực châu Á, một số nền Toán học như Iran, các nước vùng Trung Á thuộc Liên xô cũ, đặc biệt là Hàn Quốc và Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc. Sự phát triển của các nền Toán học trong khu vực đã tạo ra những thách thức lớn cho sự phát triển của nền Toán học Việt Nam. Các mục tiêu đặt ra của Chương trình, đặc biệt là “đưa thứ hạng Toán học Việt Nam từ vị trí 55 lên hàng thứ 40”, càng trở nên khó khăn.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4), Toán học một lần nữa được quan tâm và nhìn nhận, bởi không chỉ về nhu cầu việc làm mà còn ở ứng dụng của Toán học trong các công nghệ cốt lõi như: điện toán đám mây, Internet vạn vật IOT, chuỗi khối (blockchain)…. Bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0 là việc kết nối giữa thế giới vật lý và thế giới số nhờ quá trình số hoá ở mọi lĩnh vực, và lượng dữ liệu khổng lồ đang trở thành nguồn tài nguyên mới vô giá cho sự phát triển. Nguồn dữ liệu này và các công nghệ số dẫn đến làn sóng chuyển đổi số, được hiểu là sự thay đổi tổng thể và toàn diện phương thức phát triển của xã hội, thay đổi cách con người sống và hoạt động. Trong khi đó, AI (trí tuệ nhân tạo) đã có những bước tiến ngoạn mục và trở thành công cụ chủ chốt của chuyển đổi số. Đáng nói rằng các đột phá của AI hầu hết được tạo ra nhờ tiến bộ của ngành học máy (machine learning), và những tiến bộ này lại dựa trên sự gắn kết với Toán học trong hơn hai chục năm vừa qua.

Tình hình kinh tế đất nước những năm đầu thập niên 2010 có phần chững lại do ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế toàn cầu. Đầu tư cho khoa học nói chung và Toán học nói riêng có tăng lên nhưng không có nhiều đột phá so với giai đoạn trước. Nhận thức xã hội về vai trò của Toán học vẫn có xu hướng giảm sút. Câu hỏi “Học Toán để làm gì?” vẫn thường xuyên được đặt ra. Thêm vào đó, xu hướng “tiêu dùng/nhập khẩu công nghệ và tri thức nước ngoài” khiến cho vai trò của khoa học cơ bản, trong đó có Toán học dường như bị bỏ qua. Ở các trường đại học và cao đẳng, các môn Toán bị coi nhẹ và dần dần bị cắt giảm thời lượng, thậm chí đưa ra khỏi chương trình đào tạo. Việc giảng dạy và học tập Toán ở các trường phổ thông còn nhiều hạn chế; nghề dạy Toán và nghiên cứu Toán học không còn hấp dẫn giới trẻ, gây ra tình thế khó khăn khi tuyển sinh các ngành Toán, dẫn tới sự thiếu hụt lớn về nhân lực ngành Toán và đội ngũ kế cận. Đội ngũ nghiên cứu Toán của Việt Nam vốn còn mỏng, nay lại càng giảm sút vì hầu hết các giảng viên Toán ở các trường đại học bị áp lực của giảng dạy nên thời gian nghiên cứu bị hạn chế. Tuy vậy, nền Toán học Việt Nam vẫn có những kết quả đáng tự hào, vẫn sản sinh ra những nhân tài, nhiều nhà toán học lớn được thế giới, cộng đồng toán học thế giới ghi nhận. Sự kiện GS. Ngô Bảo Châu được trao Giải thưởng Fields vào ngày 19/08/2010 có thể xem là một minh chứng cho tiềm lực của nền Toán học Việt Nam.

thanhtuu1.jpgGS. Nguyễn Thiện Nhân, phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 đến 2020

Trước bối cảnh đó, cùng với việc đánh giá vai trò của Toán học đối với sự phát triển của khoa học và công nghệ, đối với giáo dục, đối với sự phát triển kinh tế xã hội, trong bối cảnh chuyển đổi số, ngày 17/10/2012, Chính phủ đã phê duyệt theo Quyết định số 1483/QĐ-TTg ban hành Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 đến 2020. Cùng với đó, để đảm bảo thực hiện thành công Chương trình mang tầm nhìn chiến lược quốc gia này, ngày 23/12/2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ký Quyết định số 2342/QĐ-TTg thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (sau đây gọi tắt là Viện NCCCT). Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ quản thực hiện Chương trình; Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) là đơn vị thường trực điều phối Chương trình và cũng là một giải pháp trọng tâm của Chương trình.

Mục tiêu của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 đến 2020 được xác định là:

- Phát triển nền Toán học Việt Nam mạnh mẽ về mọi mặt: nghiên cứu, ứng dụng và giảng dạy, cả về số lượng lẫn chất lượng, tương xứng với tiềm năng trí tuệ của người Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trên các lĩnh vực khác nhau như: khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, kinh tế và củng cố quốc phòng; phấn đấu đến năm 2020 Toán học nước ta có thể xếp vào hàng các nước tiên tiến trên thế giới;

- Đảm bảo cho Toán học Việt Nam đi vào xu thế phát triển bền vững, tạo cơ sở để đưa nước ta thành một nước có nền Toán học mạnh trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Từ mục tiêu tổng quát trên, các mục tiêu cụ thể được liệt kê dưới đây cùng với những đánh giá về kết quả đạt được:

thanhtuu2.pngĐể đạt được thành tựu trên, các giải pháp đã được triển khai toàn diện dưới sự điều phối của VIASM, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự phối hợp và hỗ trợ của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ và chính quyền các địa phương. Các giải pháp cơ bản, trọng tâm đã được triển khai là:

- Cử cán bộ nghiên cứu - giảng dạy Toán đi đào tạo nâng cao và thực hiện trao đổi khoa học định kỳ ở nước ngoài.

- Khuyến khích giảng viên Toán ở các trường đại học đẩy mạnh công tác nghiên cứu.

- Hoàn thiện lại hệ thống các lớp chuyên Toán theo chủ trương mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thi học sinh giỏi, cấp học bổng, ưu tiên tuyển chọn vào đại học, đào tạo giáo viên.

- Hỗ trợ một số đề tài nghiên cứu ứng dụng Toán học trọng điểm với kinh phí đủ cao.

- Mời các nhà Toán học hàng đầu thế giới là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài, người Việt Nam đang công tác ở nước ngoài về Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu, thực hiện các đề tài Toán học trọng điểm, các đề tài nghiên cứu chung.

- Tổ chức các hội nghị lớn về Toán học trong nước và quốc tế, trong đó có kinh phí hỗ trợ các nhà Toán học trẻ có năng lực từ các nước xung quanh, nhằm tạo ra sức hút trong khu vực. Đăng cai và tổ chức Đại hội Toán học châu Á dự kiến vào năm 2017. Tổ chức các hoạt động giáo dục toán học, trại hè toán học, truyền thông, thành lập tạp chí Pi, đặc biệt là các “Ngày hội toán học mở” thường xuyên ở các vùng, miền trên cả nước.

thanhtuu3.jpgPGS.TS Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành VIASM, phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 đến 2020

Như vậy, có thể khẳng định một số thành tựu quan trọng của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 đến 2020 như sau:

- Xây dựng thành công Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán thành trung tâm Toán học xuất sắc khu vực

- Góp phần đưa Toán học Việt Nam từ vị trí thứ 55 lên vị trí thứ 35-40 trên thế giới

- Các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực tài năng toán học đạt kết quả tốt

- Tạo môi trường làm việc thuận lợi cho các nhà Toán học Việt Nam trong và ngoài nước tập trung nghiên cứu khoa học, thu hút các nhà toán học hàng đầu thế giới đến làm việc

- Tổ chức thành công các hội nghị Toán học quốc tế lớn, góp phần nâng cao vị thế của Toán học Việt Nam

- Các hoạt động phổ biến Toán học thu hút được sự quan tâm của cộng đồng, trong gia đình, nhà trường và xã hội.

thanhtuu4.jpg

Ngày hội Toán học mở (Do VIASM tổ chức tại Cần Thơ năm 2019)

Cùng với những thành tựu rất quan trọng như đã kể trên, các chuyên gia, các nhà quản lí vẫn có những khuyến nghị về việc tiếp tục triển khai Chương trình ở một giai đoạn mới và chỉ ra một số thách thức cho VIASM và Chương trình trong giai đoạn tiếp theo: Nhận thức về tầm quan trọng của Toán học trong các lĩnh vực khác còn hạn chế; Việc dạy và học Toán ở các cấp, từ phổ thông đến đại học cần được tiếp tục cải tiến; Khả năng ứng dụng Toán học trong các lĩnh vực khác ở nước ta còn hạn chế; Nguồn nhân lực có trình độ cao về Toán chưa ổn định. Do đó, trong các giai đoạn tiếp theo, cần phải có những đầu từ mạnh mẽ cho giáo dục Toán học, để nâng cao tiềm lực, năng lực nghiên cứu về toán của Việt Nam, làm cơ sở và động lực cho việc thực hiện phát triển khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, phù hợp với những thách thức và yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Một số khuyến nghị được đưa ra là: Cần tiếp tục tận dụng, phát huy hiệu quả và đầu tư mạnh hơn nữa cho hoạt động của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán; Huy động được sự tham gia của đông đảo các nhà toán học vào các hoạt động đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới chương trình đào tạo, cân bằng giữa nghiên cứu  lý thuyết và ứng dụng; Chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học Toán, hướng đến nâng cao năng lực sử dụng công cụ toán học trong các lĩnh vực liên ngành; Tích cực hỗ trợ các hoạt động ứng dụng toán trong công nghiệp, xây dựng các quan hệ hợp tác lâu dài với các doanh nghiệp, khu vực sản xuất để nâng cao hàm lượng và chất lượng sử dụng công cụ toán học trong hoạt động sản xuất và kinh doanh; Tăng cường các hoạt động phổ biến toán học và khoa học, các hoạt động quảng bá về vai trò và ứng dụng của toán học.

thanhtuu5.jpgGS Ngô Bảo Châu cho rằng điều toán học Việt Nam cần vươn tới là chuyển biến về chất, khẳng định vị trí trên bản đồ toán học thế giới bằng những công trình nghiên cứu, qua đó thể hiện được trường phái toán học Việt Nam

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Chương trình vẫn còn những tồn tại nhất định,  trong đó vấn đề đáng lưu ý nhất là sự phát triển nguồn nhân lực các khoa học về Toán chưa thực sự bền vững, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ứng dụng toán học ngày càng cao trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển Toán học của Việt Nam vẫn chưa đạt được yếu tố bền vững; so với các nước tiên tiến trên thế giới, nền Toán học của nước ta vẫn còn một khoảng cách khá xa. Vì vậy, cần tiếp tục có những chính sách thích hợp để phát huy những thành quả đã đạt được, khai thác tối đa năng lực Toán học tốt của người Việt Nam để vươn lên trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc Chính phủ quyết định đầu tư, ban hành “Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 – 2030” là hết sức cần thiết (Quyết định số 2200/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 đến 2030.

Dưới đây là một số hình ảnh thống kê về những thành tựu của Chương trình:

thanhtuu6.png

thanhtuu7.png

thanhtuu8.png

thanhtuu9.png

thanhtuu10.png

thanhtuu11.png

thanhtuu12.png

thanhtuu13.png

thanhtuu14.png

thanhtuu15.png

thanhtuu16.png