Hội thảo này được tổ chức bởi Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) tại Tầng 7, Thư viện Tạ Quang Bửu, trường Đại học Bách khoa Hà nội, Hà nội, từ ngày 25 đến ngày 27/12/2019. Có khoảng 25 người dự trong đó có 3 người từ nước ngoài và nhiều người dự khác đến từ nhiều thành phố ở Việt Nam như thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Vinh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nội, Vĩnh Long, …
Hội thảo có một loạt bài giảng về lý thuyết mã, loạt bài giảng về mật mã và một phiên về cấu trúc vành và lý thuyết môđun. Loạt bài giảng đầu tiên có 8 chủ đề: 1) Giới thiệu về lý thuyết mã đại số: cách chọn mã từ, 2) Các khái niệm cơ bản trong mã và vành, 3) Mã cyclic trong vành giao hoán hữu hạn: trường hợp nghiệm-đơn, 4) Vành mở rộng Galois của F2+uF2 và các sử dụng chúng như mã từ, 5) Mã contacyclic nghiệm kép có độ dài là mũ của số nguyên tố trên vành chuỗi hữu hạn, 6) Mã contacyclic nghiệm kép có độ dài là p^s trên F+uF, 7) Mã contacyclic nghiệm kép có độ dài là 2p^s và 4p^s trên F+uF, 8) Mã contacyclic đối xứng lệch trên trường hữu hạn và vành chuỗi hữu hạn. Trong loạt bài giảng này, GS. Đinh Quang Hải (Kent State University, Hoa Kỳ) đã nói các kiến thức cơ bản về lịch sử của lý thuyết mã đại số, và làm thế nào để một người nghiên cứu mới có thể bắt đầu nghiên cứu lý thuyết mã bằng cách nghiên cứu cấu trúc đại số của mã được gọi là mã constacyclic. GS đã nêu lên các khía cạnh lý thuyết và nền tảng về quy luật để chọn làm mã từ trong lý thuyết mã trong vành hữu hạn, tập trung vào lớp mã constacyclic trên vành chuỗi giao hoán hữu hạn. Cả nghiệm đơn và nghiệm kép đều được quan tâm nghiên cứu. GS cũng cung cấp nhiều trường hợp tổng quát hóa trong đó khái niệm về tính constacyclic đã được mở rộng. GS cũng đã đưa ra một số áp dụng và hướng nghiên cứu trong tương lai.
Loạt bài giảng thứ hai có 2 chủ đề được báo cáo bởi TS. Abhay Kumar Singh (Indian Institute of Technology Dhanbad, Ấn độ). Chủ đề đầu tiên là mã DNA cyclic của các vành hữu hạn. TS đã đưa ra cấu trúc của mã DNA có độ dài tổng quát trên vành Z4+vZ4, v2=v và trọng lượng GC của mã DNA. Tiếp theo, TS đã đưa ra cấu trúc của mã DNA cyclic có độ dài lẻ trên một vài lớp vành nào đó. Chủ đề thứ hai là một tổng quan về cơ sở mã của mật mã.
Về phiên liên quan đến vành và lý thuyết môđun, PGS. TS Trương Công Quỳnh, Đại học Đà nẵng đã có một báo cáo mời 50 phút về môđun liên quan đến bất biến và đối bất biến đẳng cấu. PGS đã nghiên cứu lớp các môđun bất biến-tự đẳng cấu và lớp các môđun đối bất biến-tự đẳng cấu, và sau đó tổng quát hóa chúng thành môđun X-bất biến-tự đẳng cấu, môđun X-đối bất biến-lũy đẳng .... Phiên này cũng có sáu báo cáo 15 phút: Một vài chú ý về vành mà mọi iđêan phải cựu đại của nó là hữu hạn sinh (Lê Văn Thuyết, Đại học Huế), Đặc trưng của vành qua môđun tựa-nội xạ (Phan Dân, Đại học Quốc tế Hồng Bàng), Một vài chú ý về vành Harada (Bành Đức Dũng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh), Một vài đặc trưng của môđun A-C3 (Trần Hoài Ngọc Nhân, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long), Về các môđun nội xạ cốt yếu (Nguyễn Thị Thu Hà, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh), Một chú ý về môđun bất biến-tự đẳng cấu (Đào Thị Trang, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh).
Hội thảo đã đạt được kết quả tốt, đáp ứng hai mục tiêu đã đề ra: Một là, trình bày các kết quả mới trong lãnh vực vành, môđun và lý thuyết mã. Hai là, có hai loạt bài giảng về lý thuyết mã và mật mã, trong đó các loạt bài giảng này đều bắt đầu từ những kiến thức rất cơ bản để rồi đi đến những vấn đề nghiên cứu mở.