Đào tạo Trí tuệ nhân tạo ở bậc Đại học như thế nào?

Sáng ngày 06/6/2024, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) phối hợp với Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông (SoICT) Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ (UET-VNU) và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (HUS-VNU) Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (HCMUS) đồng tổ chức Hội thảo “Đào tạo Trí tuệ nhân tạo ở bậc Đại học như thế nào?”. Hội thảo nhằm chia sẻ ý kiến và kinh nghiệm về nội dung và cách tổ chức đào tạo Trí tuệ nhân tạo (AI) ở bậc đại học khi lĩnh vực này đang phát triển rất nhanh và ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội và đời sống con người.
Hội thảo thu hút gần 100 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 200 đại biểu tham dự trực tuyến là các giảng viên đại học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, sinh viên và những người quan tâm đến AI và đào tạo nhân lực AI.
Những vấn đề chính được đặt ra tại Hội thảo gồm (1) Việc đào tạo cử nhân AI trong trào lưu chung của thế giới; (2) Việc đào tạo AI trong các chương trình đào tạo cử nhân công nghệ thông tin; (3) Nhu cầu của doanh nghiệp và sản xuất với đào tạo AI.

Mở đầu hội thảo, PGS. TS. Lê Minh Hà– Giám đốc điều hành VIASM phát biểu khai mạc.


PGS.TS. Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành VIASM phát biểu tại Hội thảo


GS.TSKH. Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học Dữ liệu của VIASM, đmở đầu với báo cáo đề dẫn của Hội thảo. Tham dự Hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Thị Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông (SoICT), và TS. Trần Quốc Long, Viện trưởng Viện AI của Trường Đại học Công nghệ (UET-VNU), đã trình bày về chương trình, kinh nghiệm và kết quả của hai đơn vị trong đào tạo cử nhân AI.

GS.TSKH. Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học Dữ liệu, VIASM trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo

PGS. TS. Huỳnh Thị Thanh Bình Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông (SoICT) phát biểu tại Hội thảo

TS. Trần Quốc Long, Viện trưởng Viện AI, Trường Đại học Công nghệ (UET-VNU) báo cáo về chương trình đào tạo của Viện AI


Đến từ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP Hồ Chí Minh, PGS.TS. Trần Minh Triết, Phó Hiệu trưởng, báo cáo về đào tạo AI trong Chương trình đào tạo cử nhân Công nghệ Thông tin của Trường. PGS.TS. Ngô Xuân Bách, Phó Giám đốc Khối sản phẩm AI của FPT Smart Cloud, trình bày về nhu cầu nhân lực AI trong doanh nghiệp.

PGS. TS. Ngô Xuân Bách, Phó Giám đốc Khối sản phẩm AI của FPT Smart Cloud báo cáo tại Hội thảo


Cùng với các diễn giả tham gia báo cáo tại Hội thảo, phần tọa đàm có sự tham gia của TS. Nguyễn Thị Minh Huyền (HUS-VNU), PGS.TS. Nguyễn Lưu Thuỳ Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh (HCMUIT), và PGS.TS. Quản Thành Thơ, Trường Đại học Bách Khoa (HCMUT), ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.

Tọa đàm xoay quanh ba vấn đề chính của Hội thảo, dưới đây là một số câu hỏi/vấn đề từ Ban tổ chức và người tham dự đưa nêu ra nhận được nhiều ý kiến thảo luận:

  • Theo bạn việc đào tạo cử nhân AI có cần thiết không? Sinh viên tốt nghiệp cử nhân AI có những lợi thế gì trong công việc? Những trường nào nên và có thể đào tạo cử nhân AI? Nếu đào tạo chưa “tới” có “dở” cho người học không?
  • Một sinh viên ngành CNTT có cần học/biết về AI và học AI đến đâu trong chương trình chung? Một chứng chỉ “căn bản về AI” (nếu học xong một số môn quy định) thì có ưu thế trong công việc thế nào?
  • Nếu ngành Toán đang thay đổi và phân biệt “dạy Toán cho người làm Toán” và “dạy Toán cho người dùng Toán”, thì với AI có nên hay không việc “dạy AI cho người làm AI” và “dạy AI cho người dùng AI”? Và sẽ dạy thế nào?
  • Nhiều trường đại học muốn tổ chức đào tạo AI nhưng thiếu thầy, vậy có thể thiết kế và tổ chức thực hiện đào tạo AI thế nào và ở cấp độ nào?
  • Thiết kế một môn học về AI thế nào khi có AI tạo sinh (Generative AI)? Cần dạy gì cho mọi người khi AI tạo sinh ngày càng phổ biến? Ví dụ như dạy môn NLP?
  • Có cấp thiết phải dạy môn Đạo đức, Liêm chính trong học tập ngay từ năm thứ nhất hay không, cho người học mọi ngành AI hoặc không AI khi có thêm AI?

Và một số câu hỏi, trao đổi (ý chính) nhận được nhiều quan tâm từ người tham gia Hội thảo, như:

  • Khi vai trò của AI ngày càng tăng nhanh, có nên mở một Khoa về AI ở các trường đào tạo nhiều về Công nghệ thông tin và truyền thông không? (GS Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện Bưu chính Viễn thông).
  • Khi AI phát triển và thay đổi nhanh, không chỉ dạy những cái mới nhất và vẫn cần dạy, dù tóm tắt, một số nội dung quan trọng và truyền thống của AI. Việc dạy cần nâng lên một mức cao hơn, nhấn mạnh vào ý nghĩa của các khái niệm và mối liên kết giữa chúng hơn trước.Lấy ví dụ như trong lĩnh vực NLP thì việc giảng dạy cũng cần dịch chuyển đến các tầng bậc ngữ nghĩa và ngữ dụng hơn là tầng bậc từ vựng và cú pháp (PGS. Lê Hồng Phương, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội)
  • Để dạy và phát triển AI cần có máy móc và thiết bị tốt. Để có kinh phí đầu tư cho trang thiết bị giai đoạn 2025-2030, các trường cần quan tâm đề xuất các dự án đầu tư ngay trong năm 2024 (PGS. Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội)
  • Một giải pháp tăng cường năng lực AI trong đào tạo cử nhân CNTT tại các cơ sở đào tạo, là xác định “nền tảng căn bản của AI”– gồm một số môn học bắt buộc và tự chọn về AI trong chương trình cử nhân– và cấp chứng chỉ “AI căn bản” cho các học viên học và thi đạt các môn này (GS. Hồ Tú Bảo, VIASM).

Các diễn giả tham gia thảo luận tại tọa đàm của Hội thảo

Những vấn đề khác liên quan đến đào tạo AI ở bậc đại học như “AI trong khối ngành Kinh tế và Kinh doanh” hay “phổ cập AI cho sinh viên đại học” dự kiến sẽ được tổ chức trong một Hội thảo khác trong năm 2014.

Một số hình ảnh tiêu biểu tại Hội thảo: