VIASM và BIDV công bố Quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng toán trong lĩnh vực kinh tế, tài chính-ngân hàng (FMathLab) và Ký kết thỏa thuận hợp tác

Ngày 12/1/2015, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM) phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố Quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng toán trong lĩnh vực kinh tế, tài chính-ngân hàng (FMathLab) và Ký thỏa thuận hợp tác giữa hai bên. Tham dự Lễ công bố có Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước; Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giám đốc Khoa học VIASM; Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cùng các cơ quan báo chí.

fmathlap.jpgGS Ngô Bảo Châu và ông Trần Bắc Hà ký văn bản thỏa thuận hợp tác giữa BIDV và VIASM.

Được sự đồng ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, ngày 08/01/2015, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán(VIASM) đã có Quyết định số 03/QĐ-VNCCCT về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng toán trong lĩnh vực kinh tế, tài chính-ngân hàng (Tên quốc tế: Lab for Research and Applying Mathematics in Economics, Finance and Banking – FMathLab), trực thuộc VIASM. Trung tâm được đặt tại Tầng 7, Thư viện Tạ Quang Bửu, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Phạm vi hoạt động của FmathLab gồm: Các hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu triển khai và phát triển công nghệ; Hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ để ứng dụng toán học trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính-ngân hàng cho các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. Trung tâm hoạt động với tư cách là Tổ chức khoa học và công nghệ tuân theo Luật Khoa học và Công nghệ; có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.

Giáo sư Ngô Bảo Châu cho biết: MathLab được thành lập nhằm mục tiêu xây dựng một trung tâm nghiên cứu hàng đầu đất nước, có phạm vi hoạt động khu vực và quốc tế về cơ sở toán học ứng dụng trong phân tích tài chính-ngân hàng, kinh tế vĩ mô, kinh tế lượng và các mô hình toán kinh tế phục vụ phát triển bền vững nền kinh tế; Là đầu mối tổ chức các chương trình nghiên cứu ứng dụng Toán trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính-ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư…; Thu hút đội ngũ các nhà nghiên cứu toán kinh tế, tài chính hàng đầu trong và ngoài nước; Điều phối các nhóm nghiên cứu và triển khai ứng dụng toán học trong lĩnh vực kinh tế, tài chính-ngân hàng. Trung tâm cũng là nơi nghiên cứu, xây dựng các mô hình toán học như một công cụ hữu hiệu phục vụ cho việc ra các quyết định điều hành kinh tế vĩ mô của các cơ quan nhà nước, các quyết định của các định chế tài chính, nhà đầu tư; thúc đẩy các nghiên cứu về những hướng tiếp cận toán học trong mối quan hệ với những lợi ích kinh tế, tài chính-ngân hàng; đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Trung tâm còn có chức năng giúp VIASM tổ chức nghiên cứu ứng dụng toán học, triển khai thí điểm và ứng dụng toán trong lĩnh vực kinh tế-xã hội, qua đó đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng, đáp ứng các mục tiêu của Chương trình trọng điểm Quốc gia phát triển Toán học đến năm 2020 và các giai đoạn tiếp theo; phù hợp với chiến lược phát triển khoa học công nghệ, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020..

Ngoài ra, việc thành lập Trung tâm cũng xuất phát từ Chiến lược phát triển của VIASM, trở thành đơn vị kết nối tổ chức các hội thảo khoa học; triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình để ứng dụng vào lĩnh vực kinh tế, tài chính-ngân hàng; cũng là phù hợp với xu thế đổi mới mô hình tổ chức của các viện nghiên cứu trong nước và quốc tế.

fmathlap2.jpgHội đồng Khoa học của FMathLab.

Được biết, để hỗ trợ Trung tâm phát triển trong giai đoạn đầu mới thành lập, BIDV cam kết tài trợ 22 tỉ đồng cho 3 năm đầu từ 2015 đến 2017 (và có thể được gia hạn trong các giai đoạn tiếp theo). Trung tâm cũng nhận được sự ủng hộ và hợp tác mạnh mẽ trong nghiên cứu, đào tạo từ các cơ sở nghiên cứu và đào tạo lớn trong và ngoài nước như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính, Viện John von Neumann (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Viện Toán học Quốc gia Hàn Quốc (NIMS), Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) ..v.v. Dự kiến trong thời gian tới, Trung tâm có thể hình thành các chi nhánh đặt tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Quy Nhơn (Bình Định) theo nhu cầu phát triển.

*****

Cũng trong Lễ công bố Quyết định thành lập FmathLab, VIASM và BIDV đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác giữa hai bên. Mục tiêu hợp tác nhằm xây dựng và phát triển Chương trình nghiên cứu ứng dụng Toán trong kinh tế, tài chính – ngân hàng. Chương trình nghiên cứu này có tính lâu dài, bền vững phù hợp với kế hoạch phát triển tổng thể của hai bên. Theo đó, hai bên hợp tác trong việc thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, chương trình đào tạo, hội nghị,hội thảo mà kết quả tạo ra có giá trị thực tiễn, phục vụ được các định chế tài chính, ngành ngân hàng, các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội. Thông qua hợp tác, hai bên sẽ phát huy lợi thế để khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của mình; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, đa dạng hóa sản phẩm nghiên cứu. Từ đó nâng cao hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng Toán trong lĩnh vực kinh tế, tài chính – ngân hàng ở Việt Nam, tiến tới tạo ra các dự án nghiên cứu mà sản phẩm có tính thương mại, tính ứng dụng đủ sức hội nhập quốc tế.

Hai bên thống nhất nội dung hợp tác gồm: (i) Triển khai các chương trình đào tạo về kinh tế lượng, phương pháp nghiên cứu và các nội dung khác có liên quan;(ii) Tổ chức các dự án nghiên cứu ứng dụng toán trong kinh tế – tài chính – ngân hàng; (iii) Thúc đẩy các hoạt động mở theo hai hướng: tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên sâu về kinh tế, tài chính – ngân hàng, các lĩnh vực liên quan và hoạt động phục vụ xã hội (đào tạo chuyên gia, hội thảo phổ biến kinh nghiệm ứng dụng, trao giải thưởng cho học sinh đoạt giải thi Toán quốc gia – quốc tế…).

Tại Thỏa thuận hợp tác, BIDV cũng cam kết hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ hoạt động của Trung tâm. Về tài chính: BIDV sẽ hỗ trợ cho Trung tâm một khoản trọn gói trị giá 22 tỷ đồng. Về cơ sở vật chất: BIDV sẽ hỗ trợ cơ sở vật chất tại hai địa điểm Thành phố Quy Nhơn (Bình Định) và Thành phố Hồ Chí Minh để VIASM thành lập các chi nhánh của FmathLab. Về nhân lực: BIDV sẽ cử các chuyên gia có hiểu biết sâu sắc về ngành tài chính-ngân hàng, mời đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước tham gia chương trình nghiên cứu để cùng tìm hiểu nhu cầu từ phía ngành và định hướng chiến lược nghiên cứu, ứng dụng.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Ông Trần Bắc Hà- Chủ tịch HĐQT BIDV nhấn mạnh: Là một trong những định chế tài chính hàng đầu của Việt Nam, BIDV luôn quan tâm đến hoạt động giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với mục tiêuphục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Hưởng ứng Chương trình trọng điểm quốc gia Phát triển Toán của Chính phủ, nắm bắt được nhu cầu bức thiết của xã hội và doanh nghiệp trong ứng dụng toán trong quyết định điều hành hoạt động kinh doanh và quản trị hiện đại, BIDV đã tiên phong thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng toán trong lĩnh vực kinh tế, tài chính–ngân hàng, hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Ngoài ra, trong những năm qua, BIDV cũng đã mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện với các đơn vị giáo dục, các trường đại học trọng điểm trên cả nước. Tính đến thời điểm hiện tại, BIDV đã có quan hệ hợp tác với 163 trường đại học, cao đẳng, các đơn vị giáo dục trên cả nước…

Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán được thành lập vào ngày 23/12/2010 theo Quyết định số 2342/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Viện là tổ chức khoa học và công nghệ công lập đặc thù hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu toán học, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mục tiêu của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán là trở thành một trung tâm toán học xuất sắc, có môi trường làm việc tương đương với một số nước phát triển về Toán, để trao đổi học thuật nhằm nâng cao năng lực khoa học của các nhà nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng toán học Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 đến 2020, đảm bảo cho Toán học Việt Nam phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào việc phát triển đất nước và nâng cao vị thế của Toán học Việt Nam trên trường quốc tế.