Diễn đàn Toán trong Công nghiệp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Từ ngày 13-16/12/2021, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán phối hợp với Trường Đại học Kyushu, Nhật Bản và Liên minh Toán trong Công nghiệp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn Toán trong Công nghiệp 2021 (FMfI2021).

fmfi1.jpg

PGS. TS. Lê Minh Hà phát biểu tại Lễ Khai mạc FMfI2021

Diễn đàn Toán trong Công nghiệp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (FMfI2021) là nơi các nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau trong Toán học chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức liên quan tới ứng dụng Toán học trong sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Khởi đầu từ sáng kiến của Trường Đại học Kyushu, Nhật Bản nhằm tạo một diễn đàn để trao đổi ý tưởng giữa các nhà nghiên cứu về Toán từ năm 2010. Diễn đàn Toán trong Công nghiệp đã trở thành một hội nghị thường niên, có lịch sử hơn 10 năm. Được tổ chức tại các quốc gia ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, gần đây nhất ở Thượng Hải, Trung Quốc (2018), Auckland New Zealand (2019) với các chủ đề trọng tâm khác nhau trong ứng dụng Toán học.

Lễ khai mạc Diễn đàn Toán trong Công nghiệp 2021 

Với chủ đề “Ứng dụng Toán học cho nền kinh tế số”, Diễn đàn tập trung vào thảo luận, giải quyết các vấn đề thời sự của nền kinh tế số thông qua ứng dụng các giải pháp Toán học trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực như:

-     Công nghệ thông tin truyền thông;

-     Các ngành liên quan tới công nghệ kỹ thuật số;

-     Các ngành công nghiệp truyền thống đang chuyển đổi sang công nghệ kỹ thuật số.

Ban Chương trình của Diễn đàn do GS. Hồ Tú Bảo, Giám đốc phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán làm Chủ tịch, cùng một số các nhà khoa học hàng đầu của Nhật bản, Australia, New Zealand… trong đó có 3 nhà khoa học Việt Nam là GS. Nguyễn Xuân Hùng (Trường Đại học Công nghệ Tp HCM), PGS. Vũ Hoàng Linh (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) và  GS. Vũ Hà Văn (Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn, Vingroup).

GS. Hồ Tú Bảo (Data Science Lab, VIASM) chủ trì các bài trình bày tại Diễn đàn

Các báo cáo mời của Diễn đàn là các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Chile, Israel, Thụy sĩ, Hungary, Nhật bản, Trung Quốc, Úc, New Zealand, Singapore, Myanmar, Thailand và Việt Nam, tập trung vào một số chủ đề thời sự như Học máy, Khoa học dữ liệu, Tối ưu hóa, An ninh thông tin, Chuỗi khối, Toán mô hình, Tài chính, Dữ liệu lớn... và các ứng dụng trong thực tế.

 PGS. Ngô Đức Thành (Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội) báo cáo trực tiếp tại Diễn đàn

Đặc biệt, Diễn đàn dành toàn bộ ngày 15/12 cho chủ đề “Mathematics of Covid-19” (Toán học của Covid-19) dành cho các nghiên cứu mới nhất ứng dụng Toán học, thống kê và khoa học dữ liệu trong việc phòng và chống đại dịch Covid-19. Các quá trình truy vết,  xét nghiệm, phân phối vaccine, dự báo tốc độ lây lan, hậu cần trang thiết bị y tế, đánh giá tác động … đều cần đến sự hỗ trợ của các công cụ mô hình hóa Toán học.

GS. Stefan Canzar (Ludwig Maximilian University of Munich, Đức) trình bày báo cáo

Thảo luận sau bài báo cáo của TS. Emily Harvey (M.E. Research & Te Pūnaha Matatini, New Zealand)

PGS. Nguyễn Ngọc Doanh (VUMMISCO & ACROSS, IRD/Pháp và Trường Đại học Thủy Lợi) cùng nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo

Một trong những hoạt động truyền thống của Diễn đàn là phiên trình bày poster dành cho sinh viên, học viên sau đại học và các nhà khoa học trẻ. Mỗi người trình bày sẽ có một khoảng thời gian rất ngắn để tóm lược ý tưởng chính nghiên cứu của mình.

NCS. Yoshiki Jikumaru (IMI, Nhật Bản) tại phiên Poster

Diễn đàn Toán trong Công nghiệp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương 2021 vui mừng đón nhận sự quan tâm rất lớn từ các nhà khoa học trẻ, với tổng số 28 poster được chấp thuận trình bày từ đông đảo các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như New Zealand, Malaysia, Việt Nam và Nhật Bản.

Giải thưởng poster xuất sắc nhất (Best Poster Award) thuộc về NCS. Christina Yin-Chieh Lin từ Trường Đại học Auckland, New Zealand với tiêu đề Modelling Housing Feature Impacts on Sale Price in Newly Developed Suburbs. Bốn giải thưởng poster ưu tú  (Excellent Poster Award) lần lượt thuộc về: TS. Nguyễn Thị Vân Hằng, Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Augmented Lagrangian Method for Convex Piecewise Linear-Quadratic Optimization Problems; Sinh viên Nguyễn Quang Huy, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Optimal control problem in linear elasticity; TS. Trịnh Thị Hường, Trường Đại học Thương Mại, The impact of extreme weather events on calorie intake – income relationship Semiparametric estimates for Vietnam và NCS. Yoshiki Jikumaru, Trường Đại học Kyushu, Nhật Bản, Differential Geometry Formulation of Hanging Membranes. Phần thưởng cho 5 người đạt giải là một chuyến đi tham quan và trao đổi khoa học khoảng 2 tuần tại Trường Đại học Kyushu, Nhật Bản trong năm 2022 do  Viện Toán học Công nghiệp, Trường Đại học Kyushu tài trợ.

PGS. TS. Lê Minh Hà trao giải poster xuất sắc cho ba người được giải tại Việt Nam

Trong 04 ngày làm việc, Diễn đàn Toán trong Công nghiệp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương 2021  bao gồm 29 báo cáo mời của các học giả có uy tín ở Việt Nam và trên thế giới, thu hút  hàng trăm nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên quan tâm đăng ký tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Diễn đàn là cơ hội để các nhà nghiên cứu chia sẻ những thành tựu của Toán học trong quá trình hình thành và phát triển của nền kinh tế số, ngoài ra Diễn dàn cũng mở ra cơ hội cho Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng dụng Toán học, thúc đẩy sự phát triển của Toán trong công nghiệp, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của khoa học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Lời cảm ơn đến từ TS. Jessada Tanthanuch (Suranaree University of Technology, Thái Lan), phiên Short Communication

Một số hình ảnh của đại biểu tham dự

Thông tin về các đơn vị tổ chức:

1. Viện Toán học Công nghiệp, Trường Đại học Kyushu, Nhật Bản (IMI - Institute of Mathematics for Industry):

Viện Toán học Công nghiệp (IMI) được thành lập vào tháng 4/2011, là viện nghiên cứu thứ năm trực thuộc Đại học Kyushu. Tháng 4/2013, IMI được Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT) Nhật Bản công nhận là “Trung tâm Nghiên cứu Chung về Toán Công nghiệp Cơ bản và Cao cấp”, trở thành viện Toán học thứ ba ở Nhật Bản được công nhận như vậy, sau Viện Toán học Thống kê, Tổ chức Nghiên cứu Hệ thống và Thông tin, và Viện Nghiên cứu Khoa học Toán học, Đại học Kyoto. Hơn nữa, IMI còn được tin tưởng giao thực hiện dự án do MEXT ủy nhiệm “Advanced Innovation powered by Mathematics Platform (AIMaP)” (FY2017-2021) và đang tích cực thực hiện các hoạt động nhằm hướng tới một hệ thống xã hội trong đó Toán học có thể đóng góp nhiều hơn với sự giúp đỡ của 12 viện nghiên cứu khác.

Dù thành lập chưa lâu nhưng IMI đã đứng đầu trong một số lĩnh vực Toán học công nghiệp. Vào năm 2012, nhóm Bảo mật Thông tin của IMI đã lập kỷ lục thế giới về giải mã trong lĩnh vực mật mã dựa trên ghép nối. Nhóm Tối ưu hóa của IMI đạt thứ hạng đầu tiên trong các cuộc thi tầm cỡ thế giới về xử lý đồ thị để đo hiệu suất của siêu máy tính trong việc xử lý dữ liệu lớn, tổng cộng 8 lần (7 lần liên tiếp kể từ năm 2015).

2. Liên minh Toán trong Công Nghiệp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APCMfI - Asia Pacific Consortium of Mathematics for Industry):

Toán học cho Công nghiệp (MfI) nhằm mục đích phát triển toán học và các ứng dụng của Toán học để nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua việc tạo ra các công nghệ mới, cải thiện nghiên cứu toán công nghiệp và thúc đẩy tương tác hai chiều giữa toán học và công nghiệp. Các vấn đề nảy sinh từ thực tế thúc đẩy tương tác hai chiều giữa một ứng dụng cụ thể và mảng toán học liên quan mà nó được sử dụng và phát triển, và đôi khi có mối quan hệ sâu sắc với một số lĩnh vực toán học mới theo một cách không thể tiên đoán được trước. 

Trong Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, có một sự đồng thuận và nhất trí cao  về sự cần thiết có các cuộc trao đổi toán học công nghiệp một cách thường xuyên, các hội nghị, thực tập, v.v., dựa trên các hoạt động ứng dụng đã và đang diễn ra.  Kể từ khi ý tưởng về Liên minh Toán học Công nghiệp Châu Á lần đầu tiên được đề xuất và gần đây được thiết lập một cách chính thức, Liên minh đã nhận được sự ủng hộ  mạnh mẽ từ các đồng nghiệp ở Trung Quốc, Hawaii, Hàn Quốc, Malaysia và Singapore cũng như Úc, New Zealand và Nhật Bản. 

Do đó, một nhóm nhỏ các nhà khoa học, với sự khuyến khích của các đồng nghiệp trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đã họp tại Canberra từ ngày 31 tháng 3 đến ngày 2 tháng 4 năm 2014, để lập kế hoạch ban đầu cho việc hình thành và khởi chạy APCMfI với trọng tâm là Toán học cho Công nghiệp. Những người trực tiếp tham gia thảo luận tại Canberra là Bob Anderssen (Úc), Zainal Aziz (Malaysia), Frank de Hoog (Úc), Yasuhide Fukumoto (Nhật Bản), Alexandra Hogan (Úc), Geoff Mercer (Úc), Masato Wakayama (Nhật Bản) và Graeme Wake (New Zealand). 

Ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội là hai thành viên của APCMfI. 

  • Các hoạt động  mà APCMfI thực hiện bao gồm:
  • Tổ chức các khóa thực tập dành cho sinh viên để làm việc trong các dự án nghiên cứu trong khu vực nhà nước hoặc doanh nghiệp. Sinh viên sẽ đượclàm việc trong vài tháng tại trường và đối tác công nghiệp. 
  • Tổ chức thường xuyên các đợt nghiên cứu phối hợp với công nghiệp (Mathematics-for-industry study group - MfISG) với sự tham gia của giới doanh nghiệp và các nhà khoa học. Việc triển khai hoạt động  này đã và đang được thực hiện rất hiệu quả tại Nhật Bản, Malaysia và Australia và sẽ được mở rộng thêm.
  • Tổ chức Các Diễn đàn và Hội thảo về toán học ứng dụng và toán trong công nghiệp thường xuyên được xây dựng dựa trên các Diễn đàn thành công hàng năm do Viện Toán cho Công nghiệp (IMI) tại Đại học Kyushu tổ chức.
  • Trao đổi thông tin và tài liệu công khai về các hoạt động toán học công nghiệp ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, chẳng hạn như thư báo điện tử, ấn phẩm, trang web, v.v.
  • Tổ chức các bài giảng, khóa học, khóa tập huấn chung như các trường hè và Mùa đông nhằm thúc đẩy sự tham gia đông đảo của học sinh nhằm tận dụng thời gian tương tự ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
  • Thúc đẩy sự tương tác hai chiều mạnh mẽ với (i) các đồng nghiệp và tổ chức toán học và thống kê và (ii) các nhu cầu và cơ hội của toán học công nghiệp.

Các bài viết về Diễn đàn Toán trong Công nghiệp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương:

1. Local News about FMfI2021(from Vietnam)

https://apcmfi.org/event/view/179

2. Các nhà khoa học Việt ứng dụng Toán học trong ứng phó với Covid-19

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/cac-nha-khoa-hoc-viet-ung-dung-toan-hoc-trong-ung-pho-voi-covid19-20211213172455652.htm?zarsrc=31&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo

3. Ứng dụng Toán học trong các hoạt động phòng chống Covid-19

https://vov2.vov.vn/giao-duc-dao-tao/ung-dung-toan-hoc-trong-cac-hoat-dong-phong-chong-covid-19-31383.vov2

4. Ứng dụng Toán học trong các hoạt động phòng chống Covid-19

https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/toan-hoc-co-nhieu-ung-dung-trong-viec-chong-lai-covid-19-800897.html?fbclid=IwAR0O4EiHbcPL39-XxO4wNDXgWkM6MxUc3uVtp76HVpLVo5P-5Dg6j1gldJE

5. VIASM chủ trì hội nghị quốc tế về ứng dụng toán học cho nền kinh tế số

https://khoahocphattrien.vn/thoi-su-trong-nuoc/viasm-chu-tri-hoi-nghi-quoc-te-ve-ung-dung-toan-hoc-cho-nen-kinh-te-so/20211213105218775p882c918.htm

6. Ứng dụng toán học cho nền kinh tế số như thế nào?

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/ung-dung-toan-hoc-cho-nen-kinh-te-so-nhu-the-nao-20211212113916798.htm

7. Giáo sư Katsuki Fujisawa: "Không thể tạo ra tiến bộ nếu không có Toán học"

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/giao-su-katsuki-fujisawa-khong-the-tao-ra-tien-bo-neu-khong-co-toan-hoc-20211225093121436.htm