GS. Friedrich Hirzebruch đã qua đời ngày 27 tháng 5 năm 2012.

Friedrich Hirzebruch, nhà toán học hàng đầu nước Đức kể từ những năm 50 của thế kỷ XX, đã qua đời ngày 27 tháng 5 năm 2012, hưởng thọ 84 tuổi.


Công trình nghiên cứu khá sớm của Ông vào những năm 1950 về Định lý chỉ số và Định lý Riemann – Roch chiều cao đã sử dụng các công cụ trừu tượng do trường phái toán học Pháp đưa ra trong Tôpô và Giải tích phức. Đó là một trong những đỉnh cao đầu tiên của Toán học tiên đề hóa, và cách tiếp cận đó được phát triển một cách rực rỡ trong những thập niên tiếp theo. Nghiên cứu của ông mở đường cho nhiều công trình toán học quan trọng nhất những năm 1960 như Định lý chỉ số của Atiyah – Singer và nghiên cứu của Grothendieck về Hình học đại số. Ông cũng có những công trình nghiên cứu đóng góp vào sự phát triển này trong hai lĩnh vực: Tôpô – chẳng hạn như những nghiên cứu của ông phối hợp cùng Michael Atiyah về K-lý thuyết tô pô, và Hình học đại số – thông qua nghững nghiên cứu về mặt đại số  và đa tạp đại số chiều 3 cũng như số học của các đa tạp modula Hilbert.


Hirzebruch là học giả có ảnh hưởng sâu sắc nhất trong quá trình xây dựng lại nền toán học Đức sau khi bị hủy hoại dưới thời kỳ phát xít và chiến tranh thế giới thứ 2. Thông qua sự hợp tác quốc tế rộng rãi, nhờ việc tạo ra các hình thức tổ chức hoạt động nghiên cứu sau này trở thành biểu tượng  như “Arbeitstagung” (hội thảo làm việc), Sonderforschungsbereich (đề án nghiên cứu đặc biệt) về Toán học lý thuyết và sau đó là thành lập Viện Toán học Max – Planck, ông đã đưa Bonn trở thành trung tâm toán học nổi tiếng.


Những thành tựu về toán học cũng như những đóng góp của ông trong nền toán học đã được ghi nhận rộng rãi.  Ông đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng như Giải thưởng Wolf năm 1988, Giải thưởng Lobachevsky năm 1989, Huy chương Cantor do Hội toán học Đức trao năm 2004. Ông là thành viên của một số viện hàn lâm và một số hiệp hội, bao gồm Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ, Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ và Hiệp hội Hoàng gia Luân Đôn. Bên cạnh đó, Ông từng giữ chức Chủ tịch Hội toán học Đức từ năm 1961 đến 1962 và tiếp tục giữ chức vụ này năm 1990 (năm nước Đức tái thống nhất). Ông cũng từng giữ chức Chủ tịch Hội toán học Châu Âu từ năm 1990 đến 1994.


Ông có cảm tình với Toán học Việt Nam bằng cách ủng hộ trao tài trợ cho nhiều cá nhân sang làm việc tại Đức (chẳng hạn Quỹ Humboldt) hoặc mời đến Viện Toán Max-Planck. Ông cũng đã đôi lần bày tỏ ý định đến thăm Việt Nam, nhưng rồi vì nhiều lí do khác nhau, ý định đó đã mãi mãi không thành hiện thực.


(Lan Anh tổng hợp)