Hội nghị khoa học “Một số chủ đề thời sự trong Toán học và Ứng dụng”

Sáng ngày 30 tháng 10 năm 2021, tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã diễn ra hội nghị khoa học “Một số chủ đề thời sự trong Toán học và Ứng dụng” do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) phối hợp với Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội tổ chức. Đây là một trong chuỗi các hoạt động ý nghĩa nhằm kỷ niệm 65 năm thành lập Khoa Toán - Cơ - Tin học (tiền thân là Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội).

VIASM-MIM1.JPG

PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng trình bày báo cáo tại Hội nghị

Hội nghị nhằm giới thiệu các kết quả thời sự của Toán học hiện đại, bao gồm các lĩnh vực của Toán lý thuyết, Toán ứng dụng, Cơ học, Cơ sở Toán cho Tin học và Khoa học dữ liệu. Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 30 và 31/10/2021. Trong đó, ngày đầu tiên bao gồm các báo cáo mời toàn thể, được tổ chức tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán. Ngày thứ hai diễn ra tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN với 6 tiểu ban và 1 chuỗi bài giảng.

TS. Nguyễn Việt Cường trình bày báo cáo tại Hội nghị

Phiên toàn thể ngày 30 tháng 10 năm 2021 tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã thu hút được sự quan tâm của gần 200 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến đến từ các trường đại học trong nước và ngoài nước. Các đại biểu đã được nghe các báo cáo mời của 5 nhà khoa học  là cựu sinh viên của Khoa Toán - Cơ - Tin học hiện đang làm việc ở trong và ngoài nước. Mở đầu Hội nghị, PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội)  trình bày báo cáo có tiêu đề “Thông tin Fisher và định lý giới hạn trung tâm”. Tiếp theo, trong báo cáo “Hệ Kolmogorov ngẫu nhiên từ góc nhìn của lý thuyết hệ động lực”, TS. Nguyễn Hải Đăng (Trường Đại học Alabama, Hoa Kỳ) đã đưa ra các điều kiện về sự tồn tại bền vững cũng như điều kiện diệt vong của các loài trong một hệ quần thể ngẫu nhiên.

TS. Nguyễn Hải Đăng báo cáo online tại Hội nghị

Phiên buổi chiều tiếp tục với bài báo cáo giới thiệu tổng quan của TS. Đỗ Việt Cường về chương trình Langlands, một chương trình gồm nhiều ý tưởng và phỏng đoán kết nối nhiều lĩnh vực của Toán học, một số kết quả quan trọng trong lý thuyết số hiện đại được chứng minh từ các ý tưởng từ chương trình này. Báo cáo tiếp theo của TS. Nguyễn Đức Mạnh (Trường Đại học Bordeaux, Pháp) về “Biến thiên cấu trúc Hodge và bài toán đếm số tam giác phân hoặc tứ giác phân” trình bày cách tiếp cận từ lý thuyết Hodge để ước lượng độ lớn của số tam giác hoặc tứ giác phân cho diện Riemann. Hội nghị kết thúc ngày đầu tiên với bài báo cáo “Bài toán nội suy đa thức và ứng dụng” của TS. Đậu Sơn Hoàng (Trường Đại học RMIT, Australia). Báo cáo nêu ra một số kết quả nghiên cứu mới nhất về ứng dụng của hiệu chỉnh bài toán nội suy trong lý thuyết mã sửa lỗi để tối ưu lưu trữ dữ liệu phân tán và nêu một số vấn đề còn mở trong hướng nghiên cứu thời sự này.

VIASM-MIM4.png

Phiên tiểu ban ngày 31 tháng 10 năm 2021 được diễn ra tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội với 06 tiểu ban và 1 chuỗi bài giảng và thu hút được gần 300 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến. Các đại biểu đã được nghe 5 bài giảng về Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, cùng 19 báo cáo mời và 40 báo cáo ngắn tại các tiểu ban, trong đó có nhiều báo cáo của các cựu sinh viên Khoa Toán - Cơ - Tin học hiện đang công tác tại nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và trên thế giới.