Hội nghị quốc tế về Tối ưu và Giải tích biến phân cùng với các ứng dụng 2023 - International Conference on Optimization and Variational Analysis with Applications 2023 (ICOVAA-2023)”
Trong thời gian từ ngày 12-15/7/2023, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (Viện NCCCT) đã tổ chức Hội nghị quốc tế về Tối ưu và Giải tích biến phân cùng với các ứng dụng 2023. Hội thảo được tài trợ bởi Quỹ Đổi mới và Sáng tạo của VinGroup (Vingroup Innovation Foundation – VinIF/Vietnam) và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.
Hội nghị đã trình bày, thảo luận về những nghiên cứu mới nhất trong Tối ưu và Giải tích biến phân cùng với các ứng dụng. Đây là một hướng quan trọng trong Toán ứng dụng và là một trong những lĩnh vực toán học phát triển mạnh nhất của Việt Nam. Hội nghị do nhiều nhóm mạnh trong nước phối hợp tổ chức và quy tụ những người tiêu biểu đang nghiên cứu trong cả nước và nhiều nhà khoa học nước ngoài quan trọng.
Báo cáo mời và khách mời tham gia hội nghị
Chương trình hội nghị diễn ra trong 4 ngày với 45 báo cáo đến từ Đại học Michigan, Đại học Wayne, Đại học Oakland, Đại học North Carolina (Mỹ), Đại học RMIT, Đại học TU Wien (Úc), Đại học Barcelona (Tây Ban Nha), Đại học Quốc gia Pukyong (Hàn Quốc), Đại học Aligrad Muslim (Ấn Độ), Đại học Hàn Châu (Trung Quốc), Đại học Naresuan (Thái Lan), Viện Công Nghệ Paris (Pháp), Viện Martin-Luther-Universit¨at Halle-Wittenberg (Đức), Viện Hàn Lâm Khoa Học Ba Lan (Ba Lan), Viện Hàn Lâm Khoa Học Romania (Romania), Viện Toán học -Viện HLKH&CN Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Thăng Long, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học FPT (Việt Nam). v.v.
Hội thảo đã thu hút hơn 50 nhà khoa học đến tham dự từ nhiều trường đại học trong và ngoài nước như: GS. Boris Mordukhovich (Đại học Wayne, Mỹ), GS. Christiane Tammer (Viện Martin-Luther-Universit¨at Halle-Wittenberg, Đức), GS, Aris Daniilidis (Đại học TU Wien, Úc), GS. Juan Enrique Martínez-Legaz (Đại học Autònoma de Barcelona, Tây Ban Nha), GS. Constantin Zălinescu (Ia¸si Branch of Romanian Academy, Romania), GS. Alex Kruger (Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Vietnam) GS. Hong-Kun Xu (Đại học Hàng Châu, Trung Quốc), GS. Qamrul Hasan Ansari (Đại học Aligarh Muslim, Ấn Độ), Ewa Bednarczuk (Polish Academy of Sciences, Balan), GS. Do Sang Kim, GS Gue Myung Lee (Đại học Pukyong, Hàn Quốc), GS. Rabian Wangkeeree (Đại học Naresuan, Thailand) GS. Phạm Tiến Sơn (Trường Đại học Đà Lat), GS. Lâm Quốc Anh (Trường Đại học Cần Thơ). Bên cạnh các chuyên gia đầu ngành, việc thu hút một số lượng lớn các bạn nghiên cứu sinh, các nhà khoa học trẻ rất tiềm năng như GS. Trần Đình Quốc (Đại học North Carolina, Mỹ), GS. Trần Thái An Nghĩa (Đại học Oakland, Mỹ), GS. Trương Quang Bảo (Đại học Northern Michigan, Mỹ), TS. Phạm Duy Khánh (Trường Đại học Sư Phạm Tp HCM), .v.v.
Đặc biệt, hội nghị đã tạo cơ hội cho các nghiên cứu viên trẻ có cơ hội được lắng nghe và trao đổi trực tiếp với các chuyên gia trong lĩnh vực Tối ưu và Giải tích biến phân.
PGS.TS Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành Viện NCCCT phát biểu khai mạc Hội nghị
GS.TSKH. Phan Quốc Khánh phát biểu khai mạc Hội nghị
Thay mặt Ban Chương trình, GS. Phan Quốc Khánh đã có những chia sẻ về nội dung hội nghị và giới thiệu các khách mời trong nước và quốc tế. Giáo sư Phan Quốc Khánh hy vọng sự hợp tác giữa các nhà khoa học trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục phát triển vững mạnh trong những năm sắp tới.
Hội nghị có rất nhiều bài giảng xuất sắc, nhưng do khả năng hạn chế và thời lượng tin bài có hạn, dưới đây chúng tôi xin phép chỉ tập trung đưa tin về một số ít bài giảng. Thứ tự của các bài giảng dựa trên thứ tự xuất hiện trong chương trình hội nghị.
GS. Hong-kun Xu tại Hội thảo
GS. Hong-kun Xu (ĐH Hàng Châu, Trung Quốc) báo cáo về phương pháp lặp Halpern để giải quyết các bài toán điểm bất động và bài toán tối ưu, và các ứng dụng trong lý thuyết học máy. Bên cạnh đó GS cũng trình bày một số định hướng nghiên cứu cho lớp các bài toán bất đẳng thức biến phân và minimax. Báo cáo đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, đặc biệt là các ứng dụng phong phú của nó.
GS Boris Mordukhovich báo cáo tại Hội nghị
Một báo cáo nổi bật của GS Boris Mordukhovich (Wayne State University, Mỹ) về các dưới vi phân cấp 2 suy rộng và các ứng dụng để khảo sát tính lồi, các điều kiện tối ưu cho các loại nghiệm của bài toán quy hoạch phi tuyến. Báo cáo đã định hướng và gợi mở nhiều hướng phát triển cho lý thuyết vi phân cấp 2.
GS. Alex Kruger trình bày báo cáo
GS. Alex Kruger (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) có một bài tổng quan về lý thuyết chính quy metric và việc tính các bán kính ổn định. Báo cáo đã giúp người nghe có cái nhìn tổng quan về chủ đề này và GS cũng đã đề xuất một số hướng nghiên cứu mở.
GS. Qamrul Hasan Ansari tại Hội nghị
GS. Qamrul Hasan Ansari (Đại học Aligarh Muslim, Ấn Độ) trình bày thuật toán Gauss-Newton để giải một lớp bài toán tối ưu lồi trong đa tạp Riemannian. Việc chứng minh sự hội tụ với các điều kiện giảm nhẹ hơn trước đã nhận được sự quan tâm và trao đổi sôi nổi trong buổi báo cáo.
GS. Phạm Tiến Sơn tại Hội nghị
GS. Phạm Tiến Sơn (Trường Đại học Đà Lạt) trình bày một nghiên cứu mới về dưới vi phân tại vô hạn và các ứng dụng của nó trong lý thuyết tối ưu. Bài báo cáo có thảo luận sôi nổi vì tính mới của các khái niệm này trong giải tích biến phân.
GS. Đào Ngọc Minh tại ICOVAA 2023
GS. Đào Ngọc Minh (Đại học RMIT, Úc) đã trình bày các thuật toán dưới vi phân gần kề để giải quyết các bài toán tối ưu không trơn và không lồi. Với cách nhìn hiện đại, bài báo cáo đã hấp dẫn người nghe và tạo động lực cho các bạn nghiên cứu trẻ tiếp tục đam mê nghiên cứu toán.
Ngoài các báo cáo chính, Hội nghị còn có các báo cáo tại tiểu ban của các nhà khoa học trẻ trong và ngoài nước:
Bên cạnh các báo cáo chuyên môn, hội nghị cũng tổ chức buổi tham quan Hà Nội và các buổi tiệc trà giữa giờ để tạo cơ hội cho các nhà khoa học gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác và trao đổi học thuật.
Các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao
Đoàn đại biểu tham quan Văn Miếu - Quốc tử giám