Ngày 22/10/2024, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) đã tổ chức thành công Hội nghị sơ kết Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030 (Chương trình). Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc - Trưởng ban điều hành Chương trình tham dự và chủ trì Hội nghị, tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Vụ KHXHNV&TN, Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Toán học Việt Nam, các Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục và cơ sở nghiên cứu trên toàn quốc.
Đại biểu tham dự trực tiếp Hội nghị
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh Hội nghị cần trao đổi rõ những bài học kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình, đánh giá một cách đầy đủ về kết quả thực hiện so với mục tiêu đặt ra. Từ đó, đưa ra những đề xuất kiến nghị với cơ quan chức năng để triển khai tốt trong thời gian tới.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị
Thay mặt Ban điều hành Chương trình, PGS.TS. Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành VIASM, Phó trưởng Ban điều hành, đã trình bày báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2023. Về việc tổ chức thực hiện, Chương trình có tính chất mở, với các nhóm nhiệm vụ giải pháp khác nhau do các Bộ/ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, sở giáo dục và đào tạo địa phương tham gia thực hiện. Trong giai đoạn đầu, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch covid-19, các văn bản liên quan đến quản lý và thực hiện Chương trình đã được xây dựng. Các nhiệm vụ của Chương trình đã được khởi động thực hiện từ quý 4, năm 2021, và sau đại dịch, từ năm 2023, mới thực sự được triển khai một cách hệ thống, đồng bộ.
PGS.TS. Lê Minh Hà báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình
PGS.TS. Lê Minh Hà chia sẻ, Chương trình không thể và cũng không đủ nguồn lực để giải quyết toàn bộ các vấn đề của Toán học Việt Nam, do vậy cần tập trung vào việc thực hiện và thúc đẩy thay đổi ở một số điểm cốt lõi nhằm tác động, tạo nên sự thay đổi của toàn hệ thống. Chương trình đã tạo nên một số điểm nhấn quan trọng, đó là duy trì và phát triển nguồn nhân lực gồm kết nối, tạo môi trường hỗ trợ các nhà toán học trong và ngoài nước kết nối, làm việc; thúc đẩy công bố công trình Toán học chất lượng cao; tổ chức nhiều hoạt động quốc tế và trong nước cho cộng đồng Toán học; tài trợ các đề tài nghiên cứu khoa học cho các nhà Toán học có tiềm năng, tập trung hỗ trợ các nhà Toán học trẻ; mở rộng quy mô và chất lượng đào tạo trong lĩnh vực các khoa học Toán học.
Các hoạt động hợp tác quốc tế ngày càng được mở rộng; Việt Nam đã trở thành địa chỉ quen thuộc của các nhà khoa học quốc tế. Đặc biệt, VIASM đã tạo dựng được uy tín lớn trong cộng đồng toán học trong và ngoài nước. Theo ý kiến của Hội đồng quốc tế đánh giá hoạt động của Viện, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán “đã đạt được vị thế quốc tế xuất sắc mà không có trung tâm nghiên cứu toán học ở bất kỳ quốc gia nào cùng điều kiện tương tự có thể so sánh được, và với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, VIASM hiện có tiềm năng để trở thành một hình mẫu về nghiên cứu toán học cho toàn bộ khu vực Đông Nam Á.”
Chương trình không chỉ hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu đang trên con đường theo đuổi sự nghiệp Toán học, mà còn triển khai bồi dưỡng kiến thức Toán học cho giảng viên, giáo viên, học sinh để ươm mầm thế hệ các nhà toán học trong tương lai.
Báo cáo cũng đã nêu ra những hạn chế, thách thức khi thực hiện Chương trình và đề ra phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2024-2026, tầm nhìn đến 2030.
Trích báo cáo sơ kết thực hiện Chương trình
Các báo cáo tham luận tại Hội nghị báo gồm các chủ đề: Các hoạt động quảng bá Toán học, nâng cao nhận thức và hỗ trợ cho giáo viên (Ông Võ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai); Nhà khoa học trẻ trong nghiên cứu ứng dụng Toán học (TS. Tạ Thuý Anh, Trường Đại học Phenikaa); Về hoạt động hỗ trợ cho nhóm nghiên cứu và nhà khoa học của Chương trình Toán (PGS.TS. Phan Thanh Nam, Trường Đại học Quy Nhơn); Viện Toán học - Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam trong các hoạt động phát triển Toán học (GS.TSKH. Đoàn Thái Sơn, Viện trưởng Viện Toán học - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam); Vai trò của Chương trình Toán với sự phát triển giáo dục Toán học và phong trào giảng dạy, nghiên cứu Toán học ở miền Trung (PGS.TS. Trần Kiêm Minh, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế). Các báo cáo đều khẳng định Chương trình đã tạo ra nhiều tác động tích cực tới nghiên cứu và giáo dục Toán học; đồng thời đề xuất Chương trình tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, để Toán học tiếp tục được lan tỏa và phát triển, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chương trình.
TS. Tạ Thuý Anh, Trường Đại học Phenikaa báo cáo tham luận tại Hội nghị
Phần trao đổi, thảo luận diễn ra rất sôi nổi với nhiều ý kiến đến từ các đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ KHXHNV&TN, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao những kết quả Chương trình đã đạt được trong ba năm qua. Bộ Khoa học và Công nghệ đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 2200/QĐ-TTg, trong đó chú trọng ưu tiên bố trí kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ cho Chương trình và Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và đưa vào tổ chức, thực hiện Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 về nghiên cứu ứng dụng Toán học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ KHXHNV&TN, Bộ Khoa học và Công nghệ
PGS.TS. Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn đánh giá rất cao việc VIASM tuyển chọn giảng viên của các Trường đến làm việc. Theo ông, đối với những nhà khoa học làm quản lý lâu năm luôn ước mơ có được môi trường nghiên cứu giúp các nhà khoa học trẻ “tạm thời tránh được chuyện cơm áo gạo tiền, gia đình nheo nhóc”, thì hoạt động hỗ trợ cho các nhà khoa học làm việc tại VIASM hằng năm đã giúp các nhà nghiên cứu được làm việc, học tập trong môi trường chuyên môn cao với những chuyên gia uy tín, giống như được “du học ngay tại Việt Nam”. PGS.TS. Phạm Hoàng Quân cho rằng thời gian làm việc 2-3 tháng ở VIASM “bằng cả năm trời làm việc ở Trường Đại học Sài Gòn, vì lúc đó (lúc phải lo cơm áo gạo tiền) họ bị phân tâm rất nhiều”. Ông Quân cũng bày tỏ quan điểm mong muốn Bộ GD&ĐT công nhận Kỳ thi Olympic Toán học sinh viên, học sinh toàn quốc do Hội Toán học Việt Nam tổ chức để công nhận thành tích đối với các học sinh, sinh viên đạt giải, vì đây là một kỳ thi có uy tín cao đã được tổ chức nhiều năm, để đạt được giải thưởng Olympic Toán học là hoàn toàn không dễ.
PGS.TS. Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn,Chủ tịch Hội Toán học TP Hồ Chí Minh
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TSKH. Vũ Hoàng Linh, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN, cho rằng “Nếu chúng ta làm tốt thì những gì chúng ta đang làm, nỗ lực bây giờ (của Chương trình), phải 15 - 20 năm nữa mới được thể hiện. Lúc đó, chúng ta sẽ nhận thấy đó là quyết sách rất đúng đắn của khoa học Việt Nam hiện nay”.
GS.TSKH. Vũ Hoàng Linh, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam,Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN
Một vấn đề được thảo luận khá nhiều tại Hội nghị là về việc đào tạo toán học ở đại học. Cách đây từ chục năm trước, nhiều trường đại học đã cắt giảm thời lượng giảng dạy các học phần toán trong chương trình đào tạo một số ngành kinh tế, thậm chí ở cả ngành kỹ thuật, công nghệ rất cần toán. Về ngắn hạn thì điều đó có thể tốt cho các trường, nhưng về dài hạn sẽ đặt một dấu hỏi rất lớn “đối với công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, đào tạo chuyên gia”, vì trong bối cảnh tự động hóa thay thế nguồn nhân lực trung bình thì chúng ta rất cần chuyên gia.
Các ý kiến về chú trọng thêm tính liên ngành, phát triển Toán ứng dụng với các khối ngành, các tổ chức khoa học công nghệ cũng được đưa ra thảo luận. PGS.TS. Phan Thành An, Trường Đại học Bách Khoa - ĐHQG TP Hồ Chí Minh đề xuất Chương trình cần quan tâm đến việc phát triển toán ứng dụng, phát triển liên ngành, trước hết là với ngành khoa học máy tính đồng thời chú trọng đến sự phát triển của toán học cùng với quan hệ với các ngành khoa học khác, phối hợp với các chủ trương chính sách trong khoa học công nghệ và phát triển về kinh tế xã hội.
Đại diện một số Sở Giáo dục và Đào tạo mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những hướng dẫn chi tiết hơn về việc triển khai Chương trình tại các địa phương.
PGS.TS. Lê Công Trình, Trưởng Khoa Toán - Thống kê, Trường ĐH Quy Nhơn cũng ghi nhận những kết quả mà Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán đã đem lại cho việc giảng dạy môn Toán ở nhiều bậc học. PGS.TS. Lê Công Trình đề xuất trong các năm tiếp theo bên cạnh những hoạt động do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán trực tiếp tổ chức, cần có sự đầu tư về tài chính, hỗ trợ về con người để các địa phương, cơ sở giáo dục đại học có thể chủ động tổ chức các hoạt động của Chương trình. Trong giai đoạn hiện nay AI đang phát triển rất mạnh, giáo viên phổ thông và kể cả giảng viên đại học cũng đang mong muốn có những hỗ trợ để ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động dạy học, đặc biệt giáo viên phổ thông. Cần hỗ trợ tổ chức các khóa bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy toán.
Tổng kết Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đề nghị VIASM phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý về triển khai Chương trình; tổ chức rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ giải pháp phù hợp với tình hình mới. Khắc phục những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thời gian qua để triển khai tốt hơn trong thời gian tới. Nghiên cứu đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động Chương trình đảm bảo hiệu quả, thiết thực, tăng tính kết nối của Toán học với các lĩnh vực khoa học khác. Tiếp tục nghiên cứu, tạo sân chơi cho các nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học trẻ; chú trọng thu hút các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài về Việt Nam tham gia nghiên cứu, giảng dạy. Tham mưu ban hành các văn bản đôn đốc thực hiện Chương trình, chế độ báo cáo; hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện trong hơn 03 năm qua. Các Bộ ngành, cơ quan trung ương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Quyết định 2200; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm đạt được mục tiêu của Chương trình đề ra; bố trí các nguồn lực để thực hiện Chương trình. Các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình; bố trí các nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục đại học, tổ chức khoa học và công nghệ thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Chương trình; xây dựng và triển khai các nhiệm vụ phù hợp với điều kiện của đơn vị.
Một số tin bài về hội nghị:
https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/chuong-trinh-trong-diem-quoc-gia-ve-toan-nhieu-nam-sau-moi-thay-het-gia-tri/20241024084139761p1c785.htm
https://baotintuc.vn/giao-duc/da-dang-hoa-hinh-thuc-phat-trien-toan-hoc-viet-nam-20241022194618267.htm
https://vietnamnet.vn/viet-nam-da-tro-thanh-dia-chi-quen-thuoc-cua-cac-nha-khoa-hoc-quoc-te-2334483.html
https://giaoducthoidai.vn/nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-nganh-toan-post705606.html
https://vov2.vov.vn/giao-duc-dao-tao/toan-hoc-viet-nam-phai-la-ban-le-vung-chac-cho-cach-mang-cong-nghiep-40-50628.vov2
https://daibieunhandan.vn/phat-trien-toan-hoc-can-thu-hut-cac-nha-khoa-hoc-viet-nam-o-nuoc-ngoai-tham-gia-nghien-cuu-giang-day-post394304.html
https://kinhtedothi.vn/mo-rong-quy-mo-chat-luong-dao-tao-cac-khoa-hoc-ve-toan-tai-viet-nam.html
https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/164297/nang-cao-vi-the-toan-hoc-viet-nam-thay-doi-co-ban-ca-ve-so-luong-va-chat-luong
https://baoapbac.vn/giao-duc/202410/da-dang-hoa-hinh-thuc-phat-trien-toan-hoc-viet-nam-1024496/
https://baosoctrang.org.vn/giao-duc-dao-tao/202410/so-ket-chuong-trinh-trong-iem-quoc-gia-phat-trien-toan-hoc-giai-oan-2021-2030-21a3102/
https://tiasang.com.vn/quan-ly-khoa-hoc/chuong-trinh-trong-diem-quoc-gia-ve-toan-nhieu-nam-sau-moi-thay-het-gia-tri/
Hình ảnh Hội nghị: Ảnh Hội nghị sơ kết 22/10/2024
Tài liệu Hội nghị: Tài liệu HN sơ kết CTT-shared