HỘI THẢO “ĐÀO TẠO TRÍ TUỆ NHÂN TẠO VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU NHƯ THẾ NÀO?”

Sáng ngày 25 tháng 9 năm 2021, tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã diễn ra hội thảo “Đào tạo trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu như thế nào?” do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) phối hợp với Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (SoICT) tổ chức. Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, thực hiện chỉ thị của Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội về đảm bảo an toàn phòng chống dịch, Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Hội thảo có sự tham dự của PGS. TS. Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT và lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học: PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS. TS. Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đại diện các đơn vị: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Thương Mại, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Giáo dục - ĐHQG Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Trường Đại học Sài Gòn, Trường ĐHKHTN - ĐHQG Tp Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Đà Lạt, Viện CNTT - ĐHQG Hà Nội, ... cùng hơn 200 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến là các giảng viên, nhà quản lý, người phụ trách đào tạo, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế - xã hội đến từ khắp mọi miền, trong và ngoài nước, từ nhiều chuyên ngành khác nhau.

Phát biểu khai mạc hội thảo từ Chicago, Hoa Kỳ, GS. TSKH. Ngô Bảo Châu - Giám đốc khoa học VIASM chào mừng các đại biểu đến tham dự Hội thảo. Giáo sư nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đào tạo nhân lực trong lĩnh vực Khoa học dữ liệu (DS)và Trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cụ thể là việc hỗ trợ xây dựng chính sách, tư vấn chiến lược, thực hiện các ngành nghiên cứu về ứng dụng... Giáo sư cũng khẳng định Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi thế giới và Việt Nam cần tăng cường hợp tác giữa các đơn vị đào tạo AI và DS nhằm chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của ngành này.  

ai2021-1.jpgGS.TSKH Ngô Bảo Châu phát biểu khai mạc hội thảo từ Chicago, Hoa Kỳ 

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệt liệt chào mừng các đại biểu đến tham dự Hội thảo. Vụ trưởng bày tỏ sự vui mừng trước sự quan tâm của các đơn vị đào tạo và cả các Doanh nghiệp trong việc nghiên cứu và phát triển Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, nhấn mạnh tầm quan trọng của đào tạo AI và DS trong Chiến lược quốc gia về nghiên cứu và phát triển ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, Bộ GD&ĐT có nhiệm vụ thúc đẩy phát triển và triển khai ứng dụng AI trong giáo dục thúc đẩy chương trình đào tạo chính quy về AI đưa các môn học về DS vào các chương trình đào tạo của các ngành học khác nhau đồng thời khuyến khích các tập đoàn công nghệ trong nước đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo chất lượng cao về AI và DS.

PGS.TS. Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT phát biểu khai mạc Hội thảo 

Hội thảo bao gồm hai phần, phần 1 là các báo cáo mời và phần 2 là chương trình Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm trong việc đào tạo trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu.

Mở đầu Hội thảo là báo cáo đề dẫn của GS.TSKH. Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu, VIASM về Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu thế nào? bao gồm 4 nội dung quan trọng:

  • AI và bốn lĩnh vực của giáo dục và đào tạo: Giáo dục mầm non và phổ thông, Giáo dục và đào tạo đại học, Giáo dục nghề nghiệp Giáo dục và đào tạo thường xuyên;
  • AI và Khoa học dữ liệu;
  • Các chương trình đào tạo mới về AI và DS;
  • Khung chương trình AI.

Báo cáo của GS.TSKH. Hồ Tú Bảo  được chắt lọc từ kinh nghiệm tham gia  tư vấn xây dựng các Chương trình đào tạo AI và DS cho nhiều trường, viện nghiên cứu và các tổ chức khác nhau trong và ngoài nước. Nội dung trình bày tập trung vào 4 câu hỏi chính và đã được các diễn giả tiếp theo chuyên biệt hóa theo kinh nghiệm triển khai thực tế tại các trường nơi diễn giả công tác. Các câu hỏi bao gồm:

  1. Thay đổi và cải tiến chương trình dạy AI hiện nay như thế nào?
  2. Xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo cử nhân và thạc sĩ AI và DS thế nào?
  3. Xây dựng chương trình đào tạo AI và DS trong một lĩnh vực KT-XH như thế nào?
  4. Đưa AI vào các cấp học, các ngành học từ phổ thông đến cao đẳng và đại học thế nào?

GS. TSKH. Hồ Tú Bảo trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo

Sau phần báo cáo đề dẫn của GS. TSKH. Hồ Tú Bảo là 04 báo cáo mời:

PGS.TS. Huỳnh Thị Thanh Bình (Phó Viện trưởng SoICT) trình bày về đào tạo Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Thiết kế chương trình được tăng cường các môn học liên quan tới Toán ứng dụng và đồ án tốt nghiệp có số tín chỉ nhiều hơn so với các chương trình cử nhân trước đây. Chương trình học bậc thạc sĩ được thiết kế đan xen giữa các môn học về DS và AI. Ngoài ra, PGS nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học lý thuyết đi đôi với thực hành trong đào tạo AI và DS. Sinh viên ngoài việc học kiến thức trên giảng đường sẽ được trực tiếp thực hành và trải nghiệm thông qua việc tham gia nghiên cứu lại Lab, CLB Hackathon, chương trình trao đổi nghiên cứu tại nước ngoài hay thực tập tại doanh nghiệp. 

PGS.TS. Huỳnh Thị Thanh Bình trình bày về đào tạo Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

GS. TS. Lê Hoài Bắc (Trưởng bộ môn Khoa học Máy tính, Khoa CNTT, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP Hồ Chí Minh) trình bày việc triển khai xây dựng chương trình đào tạo Trí tuệ nhân tạo tại Trường ĐHKHTN, ĐHQG TP Hồ Chí Minh. Phần trình bày GS. Lê Hoài Bắc tập trung vào cách thức tiến hành xây dựng chương trình đào tạo AI theo quy định của bộ GD & ĐT bao gồm: yêu cầu chuẩn đầu ra, đưa ra kết quả các số liệu khảo sát về nhu cầu của các công ty, quy trình thực hiện, thiết kế xây dựng chương trình đào tạo chuẩn, đảm bảo kế hoạch giảng dạy và chất lượng, lên kế hoạch kiểm định chuẩn theo định kỳ.

GS. TS. Lê Hoài Bắc trình bày việc triển khai xây dựng chương trình đào tạo Trí tuệ nhân tạo tại Trường ĐHKHTN, ĐHQG TP Hồ Chí Minh.

TS. Lê Trường Tùng (Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH FPT) trình bày về chương trình đào tạo AI tại Trường Đại học FPT với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu cho người học góp phần mở mang bờ cõi trí tuệ của đất nước. Chương trình đào tạo AI của FPT tập trung vào hai định hướng chính là nghiên cứu và ứng dụng với các mục tiêu cụ thể và định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Khung chương trình của FPT theo định hướng nghiên cứu được xây dựng trên cơ sở tham khảo chương trình đào tạo của trường CMU (một trong những trường đại học hàng đầu trên thế giới về ngành Khoa học Máy tính). Chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng được phát triển trên cơ sở tham khảo một số đối tác công nghiệp Ấn Độ. Khung chương trình đào tạo của FPT được thiết kế hướng tới việc đào tạo những gì xã hội cần thay vì đào tạo những gì mình có.

TS. Lê Trường Tùng trình bày về chương trình đào tạo AI tại Trường Đại học FPT

TS. Trần Đức Quỳnh (Chủ nhiệm bộ môn KHTN&CN, Khoa Quốc tế, ĐHQG Hà Nội) chia sẻ về xây dựng và đào tạo chương trình đào tạo cử nhân phân tích dữ liệu kinh doanh. Mục tiêu của chương trình đào tạo do khoa Quốc tế xây dựng tập trung vào việc ứng dụng các phương pháp, công cụ AI & DS giải quyết các bài toán trong các lĩnh vực cụ thể. Chương trình đào tạo được thiết kế theo định hướng ứng dụng dựa trên việc phối hợp trao đổi giữa các nhóm giảng viên về công nghệ và giảng viên về kinh doanh. Sinh viên theo học chương trình đào tạo AI & DS sẽ được tăng cường trải nghiệm thực tế thông qua các buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp từ những giai đoạn đầu của của quá trình học tập.

TS. Trần Đức Quỳnh chia sẻ về xây dựng và đào tạo chương trình đào tạo cử nhân phân tích dữ liệu kinh doanh 

Phần tọa đàm của hội thảo ngoài các Báo cáo mời còn có sự góp mặt của các diễn giả: TS. Nguyễn Thị Huyền Châu (Trưởng PTN Trí tuệ nhân tạo, Trường ĐH Thăng Long), TS. Nguyễn Thị Minh Huyền (Trưởng Bộ môn Tin học, Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) và GS.TS. Phùng Quốc Định (Monash University). 

Từ trái qua phải: GS.TSKH Hồ Tú Bảo, TS. Nguyễn Thị Minh Huyền, TS. Trần Đức Quỳnh, PGS.TS. Huỳnh Thị Thanh Bình

Các diễn giả tham gia tọa đàm và trao đổi

 Phiên thảo luận các diễn giả đã nhấn mạnh một số điểm như:

- TS. Lê Trường Tùng bàn về AI công nghiệp. TS nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ giảng viên trong việc đào tạo nhân lực. Các giảng viên cần phải vừa có kiến thức lý thuyết vững chắc vừa có kinh nghiệm làm việc thực tiễn cụ thể. Tập đoàn FPT đã có những chính sách nhằm thúc đẩy những nhân viên giỏi tham gia vào hoạt động giảng dạy tại trường đại học FPT và ngược lại những giảng viên được khuyến khích tham gia vào các dự án tại các đơn vị thành viên để nhằm phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao.

- GS.TS. Phùng Quốc Định thảo luận về đào tạo AI và DS ở các trường đại học nước ngoài. GS nhấn mạnh 3 điểm chính cần có xây dựng chương trình đào tạo AI và DS

  1. Mục đích xây dựng chương trình (có phù hợp với điều kiện của đơn vị cũng như nhu cầu của thị trường hay không?);
  2. Cơ chế làm việc khoa học, hiệu quả;
  3. Cấu trúc tổng thể của chương trình hợp lý (Đầu vào như thế nào? Đầu ra cần đạt những gì?).
  4. Nguyễn Thị Huyền Châu nhấn mạnh sự chuyên biệt hóa, chuyên biệt hóa chương trình đào tạo dành cho AI, chuyên biệt hóa cho điều kiện của Việt Nam và chuyên biệt hóa cho điều kiện của từng trường. Đặc biệt, TS. Huyền Châu trao đổi thành công của chương trình đào tạo AI ở trường là do có sự phối hợp và hỗ trợ của các giảng viên Toán. Các giảng viên Toán và CNTT thường xuyên tổ chức các Xê-mi-na chung từ đó cùng nhau phối hợp từ việc xây dựng chương trình đào tạo cũng như trong triển khai giảng dạy.
  5. TS. Lê Hoài Bắc khẳng định tầm quan trọng của việc thiết kế chương trình Toán trong đào tạo Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu để phù hợp với tính ứng dụng và nhu cầu thực tiễn của ngành.

PGS.TS. Huỳnh Thị Thanh Bình truyền tải thông điệp do AI & DS đã được áp dụng vào đời sống xã hội rất nhiều, vì vậy các trường cần triển khai các chương trình đào tạo đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp của xã hội và tạo một môi trường tốt nhất cho sinh viên.

TS. Trần Đức Quỳnh nhấn mạnh khi xây dựng chương trình đào tạo AI & DS cần xác định mục tiêu cốt lõi và liên ngành. Xác định rõ mục tiêu này thì từ khâu xây dựng chương trình đào tạo cho đến vấn đề mà rất nhiều đại biểu quan tâm là lực lượng giảng viên sẽ được giải quyết.

TS. Nguyễn Thị Minh Huyền chia sẻ khi xây dựng chương trình đào tạo việc hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và các đơn vị khác là mấu chốt của việc xây dựng cũng như triển khai các chương trình đào tạo với chất lượng tốt nhất. Hiện nay, nhiều chương trình đào tạo DS thường tập trung hướng đến doanh nghiệp và mỗi chương trình đào tạo AI, DS của các trường đều có đặc thù khác nhau. Trường ĐHKHTN - ĐHQG Hà Nội thì chương trình DS còn hướng đến các ngành khoa học khác, như khí tượng thuỷ văn, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, y dược, …..

Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến thảo luận từ các đại biểu tham dự về việc làm thế nào để đào tạo mở rộng cho nhiều đối tượng khác nhau ở ngành AI và DS? Đào tạo AI tại các trường phổ thông như thế nào? Chương trình AI và DS thường được giao cho các Khoa về Toán hoặc Công nghệ thông tin chủ trì đào tạo, vậy có những hạn chế, khó khăn nào khi một trong hai khoa này tiếp nhập đào tạo? Làm thế nào để phát triển được đội ngũ đào tạo trong AI và DS chuyên nghiệp, hiệu quả?  

Kết thúc Hội thảo, PGS. TS. Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành VIASM gửi lời cảm ơn chân thành tới các thầy cô, các chuyên gia, đơn vị truyền thông đã quan tâm và tham dự buổi Hội thảo. PGS. Lê Minh Hà nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác trong việc xây dựng và chuẩn hóa các khung chương trình. Trong thời gian tới Viện NCCCT sẽ tiếp tục là cầu nối tổ chức các hoạt động nhằm hướng tới việc chuẩn hóa các chương trình đào tạo không chỉ về Trí tuệ Nhân tạo và Khoa học Dữ liệu mà còn về các khoa học Toán và khối lượng kiến thức Toán cho các lĩnh vực khác nói chung. Công việc này đòi hỏi sự hỗ trợ và ủng hộ của toàn thể cộng đồng.