Hội thảo Giải tích điều hòa và giải tích phức nhiều biến 2023

Trong thời gian từ ngày 16-17/11/2023, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (Viện NCCCT) đã tổ chức Hội thảo Giải tích điều hòa và giải tích phức nhiều biến 2023. Hội thảo nhằm mang đến cho cả các nhà nghiên cứu cao cấp và các nhà toán học trẻ các kiến thức về Giải tích điều hòa, Giải tích hình học và Hàm nhiều biến phức, đồng thời thúc đẩy trao đổi ý tưởng giữa các lĩnh vực này. Các diễn giả được mời sẽ trình bày mối quan tâm, kết quả mới nhất và thảo luận về các dự án đang diễn ra. Đặc biệt, ban tổ chức hy vọng hội thảo có thể tạo cơ hội hợp tác nghiên cứu giữa các thành viên tham gia.



Báo cáo mời và khách mời tham gia hội nghị

Chương trình hội nghị diễn ra trong 2 ngày với 13 báo cáo đến từ Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Phenikaa.v.v.
Hội thảo đã thu hút hơn 15 nhà khoa học đến tham dự từ nhiều trường đại học trong và ngoài nước GS. TSKH. Phạm Hoàng Hiệp (Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), GS. TSKH. Nguyễn Quang Diệu (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), PGS. Phạm Hoàng Hà (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), PGS. Nguyễn Xuân Hồng (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), PGS. Trần Vũ Khanh (Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh), PGS. Phùng Văn Mạnh (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), PGS. Lương Đăng Kỳ (Trường Đại học Quy Nhơn), .v.v.

Đặc biệt, hội nghị đã tạo cơ hội cho các nghiên cứu viên trẻ có cơ hội được lắng nghe và trao đổi trực tiếp với các chuyên gia trong lĩnh vực Giải tích điều hòa và giải tích phức nhiều biến.



PGS. Trần Vũ Khanh phát biểu khai mạc Hội nghị

Thay mặt Ban Chương trình, PGS. Trần Vũ Khanh đã có những chia sẻ về nội dung hội nghị và giới thiệu các khách mời. Phó Giáo sư Khanh hy vọng sự hợp tác giữa các nhà khoa học trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục phát triển vững mạnh trong những năm sắp tới. Hội nghị có rất nhiều báo cáo hay, nhưng do khả năng hạn chế và thời lượng tin bài có hạn, dưới đây chúng tôi xin phép chỉ tập trung đưa tin về một số ít bài giảng. Thứ tự của các bài giảng dựa trên thứ tự xuất hiện trong chương trình hội nghị.



GS. TSKH Nguyễn Quang Diệu

Mở đầu hội nghị, GS. TSKH Nguyễn Quang Diệu báo cáo về các hướng tiếp cận đa thế vị cho các hàm m-đa điều hòa dưới. GS. Diệu chỉ ra sự tồn tại và duy nhất nghiệm của phương trình m-Hessian phức trên một miền m-siêu lồi bị chặn trong C^n. Nghiệm của phương trình thuộc lớp Cegrell các hàm đa điều hòa dưới m-đa điều hòa dưới. Một kết quả quan trọng trong báo cáo là nguyên lý so sánh cho toán tử m-Hessian.


giaitich-12-.jpg
GS. TSKH Phạm Hoàng Hiệp

GS. TSKH Phạm Hoàng Hiệp (Viện Toán học) đã trình bày một báo cáo về các bất biến kỳ dị của các hàm đa điều hòa dưới. GS. Hiệp đã sử dụng các công cụ trong lý thuyết đa thế vị và đại số giao hoán để nghiên cứu các bất biến kỳ dị của các hàm đa điều hòa dưới. GS Hiệp đã tìm ra một số liên hệ giữa các bất biến kỳ dị của hàm đa điều hòa dưới và hàm chỉnh hình. Sau đó, GS. Hiệp đã chỉ ra một số ứng dụng của các kết quả trên cho các bất biến kỳ dị trong các không gian phức.



PGS. Phùng Văn Mạnh

Nghiên cứu về số điều kiện của nội suy Newton được PGS. Phùng Văn Mạnh (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) trình bày trong 40 phút báo cáo của mình. PGS. Phùng Văn Mạnh đã chứng minh số điều kiện của công thức nội suy Newton tại n điểm đầu tiên của dãy Leja cho đĩa đơn vị đóng và n điểm đầu tiên của dãy R-Leja có tốc độ tăng đa thức theo biến n. PGS. Phùng Văn Mạnh cũng chỉ ra một cận dưới cho số điều kiện tương ứng với n+1 điểm phân biện trên đường tròn đơn vị là n^c.

giaitich-7-.jpg
TS. Đào Nguyên Anh

TS. Đào Nguyên Anh (Trường đại học Kinh Tế Hồ Chí Minh) trình bày nghiên cứu về tính bị chặn các tính compact của toán tử Calderón-Zygmund. Thêm nữa TS. Anh đề trình về phân tích Hardy theo giao hoán tử của toán tử Calderón-Zygmund. Từ đó TS. Anh đã thu được một số đặc trưng trong các không gian hàm BMO, VMO.



PGS. TS Lương Đăng Kỳ

Trong báo cáo của mình, PGS. TS Lương Đăng Kỳ (Trường đại học Quy Nhơn) trình bày lý thuyết về các không gian Hardy mới loại Musielak-Orlicz và một số kết quả liên quan đến giao hoán tử của toán tử tích phân kỳ dị trên không gian kiểu Hardy.

Bên cạnh các báo cáo chuyên môn, hội nghị cũng tổ chức các buổi tiệc trà giữa giờ để tạo cơ hội cho các nhà khoa học gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác và trao đổi học thuật.
Các hình ảnh khác trong hội thảo: