Hội thảo “Một số vấn đề chọn lọc trong Giải tích phức và Hình học phức”

Trong hai ngày 09/12-10/12/2021, Hội thảo “Một số vấn đề chọn lọc trong Giải tích phức và Hình học phức” đã Viện nghiên cứu cao cấp về Toán tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Trọng tâm của hội thảo là trình bày, thảo luận các vấn đề thời sự của giải tích phức và hình học phức với sự tham gia của hơn 100 các nhà toán học, nghiên cứu viên, học sinh cao học và nghiên cứu sinh trong và ngoài nước.

Các bài giảng của GS. Nguyễn Quang Diệu, PGS. Lữ Hoàng Chinh, GS. Vũ Đức Việt đề cập tới các khía cạnh quan trọng của toán tử Monge-Ampere phức như sự tồn tại nghiệm của phương trình Monge-Ampere trên tập giải tích, sự tồn tại các metric Hermite trên đa tạp compact (không nhất thiết Kahler) hay thậm chí nghiên cứu sự phân bố giá trị của các ánh xạ chỉnh hình.

gtp1.jpg

GS. Nguyễn Quang Diệu – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

PGS. Lữ Hoàng Chinh - Đại học Paris-Saclay, Pháp

GS. Vũ Đức Việt – Đại học Cologne, Đức

Ở một góc độ khác, PGS. Nguyễn Xuân Hồng và TS. Đỗ Hoàng Sơn lại trình bày các nghiên cứu về toán tử Monge-Ampere khi áp dụng vào các lớp hàm rộng hơn các hàm đa điều hòa dưới cổ điển hay xây dựng nghiệm của phương trình Monge-Ampere thông qua phương pháp nghiệm nhớt của phương trình elliptic.

PGS. Nguyễn Xuân Hồng – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

TS. Đỗ Hoàng Sơn – Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam

Các báo cáo của PGS. Nguyễn Thạc Dũng, PGS. Dương Ngọc Sơn, PGS. Ninh Văn Thu và PGS. Phạm Hoàng Hà lại gần gũi với giải tích phức hơn khi đề cập tới các kết quả mới về hình học các đa tạp thực và miển mở trong không gian hữu hạn chiều. Điểm nhấn của các báo cáo này là những kết quả miêu tả hình học của miền hay các đa tạp thực mà trên đó các phép biến đổi giữa chúng thỏa mãn các tính chất giải tích đặc biệt.

PGS. Nguyễn Thạc Dũng - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội

Bài báo cáo của TS. Dương Ngọc Sơn – Đại học Vienna, Áo

PGS. Ninh Văn Thu – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

PGS. Phạm Hoàng Hà – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Cuối cùng không thể nhắc đến ba báo cáo của GS. Nguyễn Việt Anh, GS. Đinh Tiến Cường và GS. Nguyễn Tiến Dũng, đã thoát ra ngoài cái khung trừu tượng của hình học phức và giải tích phức, những báo cáo này đã mở ra các hướng mới màng màu sắc ứng dụng vào các lĩnh vực tưởng chừng khong liên quan như lý thuyết phân lá của nghiệm các phương trình vi phân phức, lý thuyết hội tụ của các đại lượng ngẫu nhiên trong xác suất và bất ngờ hơn cả là vào việc chẩn đoán hình ảnh trong giải phẫu!

GS. Nguyễn Việt Anh – Đại học Lille, Pháp

GS. Đinh Tiến Cường – Đại học Quốc gia Singapore

Báo cáo của GS. Nguyễn Tiến Dũng – Trường Đại học Toulouse, Pháp

Tất cả 12 báo cáo đã thu hút được sự quan tâm đông đảo của các Nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, các học viên cao học và Nghiên cứu sinh tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Mẫu số chung của các báo cáo viên là họ đều gắn bó ít nhiều với trường Đại học Sư phạm Hà Nội (hoặc là cán bộ của trường, hoặc là cựu học sinh khối chuyên toán, cựu sinh viên hay cựu học viên cao học hay Nghiên cứu sinh của trường).

Qua buổi hội thảo người nghe thấy được không chỉ có một số nhà toán học gốc Việt đã thực sự là các chuyên gia đầu ngành tầm quốc tế mà các nhà toán học trong nước cũng đã có những nghiên cứu bắt kịp với dòng chảy của toán học hiện đại. 

Một số hình ảnh của Hội thảo: