Chiều ngày 20 tháng 8 năm 2021, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã tổ chức khai mạc Hội thảo Thống kê trong Khoa học xã hội với phần mềm mã nguồn mở R. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm, đăng ký từ hơn 100 đại biểu là các giảng viên, nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, học viên cao học và nghiên cứu sinh trong lĩnh vực khoa học xã hội từ khắp các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước. Để đảm bảo quy mô và chất lượng Hội thảo, Ban tổ chức đã lựa chọn 50 đại biểu tham dự Chương trình. Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, thực hiện chỉ thị của Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội về đảm bảo an toàn phòng chống dịch, Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong 6 ngày, từ 20/8-22/8/2021 và 27/8-29/8/2021.
Hội thảo gồm 28 báo cáo của 8 thành viên trong Ban Chương trình là các chuyên gia về thống kê và xử lý số liệu với phần mềm R:
● PGS.TS Ngô Hoàng Long, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
● TS. Trịnh Thị Hường, Trường Đại học Thương mại
● PGS.TS Đào Thị Thanh Bình, Trường Đại học Hà Nội
● TS. Nguyễn Thị Nhung, Trường Đại học Thăng Long
● TS. Ngô Thị Thanh Nga, Trường Đại học Thăng Long
● TS. Đặng Xuân Cương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
● TS. Đỗ Văn Cường, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
● TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trường Đại học Thương mại
Mục tiêu của Hội thảo nhằm trang bị một số kiến thức và kĩ năng chuyên sâu về xử lý dữ liệu trong lĩnh vực Khoa học xã hội, từ đó góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu và khả năng công bố quốc tế cho các đại biểu tham dự.
Nội dung của Hội thảo tập trung vào xử lý số liệu điều tra dạng bảng hỏi bằng phương pháp Phân tích nhân tố khám phá (EFA), Phân tích nhân tố khẳng định (CFA) và Phương pháp phân tích cấu trúc (SEM). Đây là chủ đề rất thiết thực đối với các nghiên cứu trong khoa học xã hội. Hội thảo cũng giới thiệu việc vận dụng một số thư viện của phần mềm thống kê R để triển khai các phương pháp trên với bộ dữ liệu thực tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (Viện NCCCT) gửi lời cảm ơn tới các thành viên của Ban Chương trình, các báo cáo mời và các đại biểu tham dự. Đồng thời, PGS.TS Lê Minh Hà cũng đã giới thiệu về Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030, trong đó Viện NCCCT với vai trò là đơn vị thường trực điều phối thực hiện Chương trình. Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu đỉnh cao, Viện NCCCT sẽ tham gia điều phối rất nhiều hoạt động về phổ biến Toán học, đặc biệt là hoạt động ứng dụng Toán học trong các lĩnh vực khác như: khoa học xã hội, thống kê ứng dụng, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.
PGS.TS Lê Minh Hà phát biểu khai mạc Hội thảo.
PGS.TS Ngô Hoàng Long giới thiệu các thành viên của Ban Chương trình và các Báo cáo mời.
Hội thảo bắt đầu với các báo cáo giới thiệu về phần mềm R của TS. Nguyễn Thị Nhung và TS. Ngô Thị Thanh Nga. Các nội dung chính của Hội thảo về lý thuyết EFA, CFA và SEM được giới thiệu ở các báo cáo tiếp theo của PGS.TS Đào Thị Thanh Bình, TS. Đặng Xuân Cương, TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai. Song song với các báo cáo về lý thuyết, TS. Trịnh Thị Hường và TS. Ngô Thị Thanh Nga giới thiệu việc sử dụng các thư viện của R để xử lý một số bộ số liệu thực tế.
Trong suốt quá trình Hội thảo, các đại biểu được chia thành các nhóm nghiên cứu vận dụng các phương pháp EFA, CFA và SEM phân tích số liệu của các dự án về “Sự tự tin vào năng lực bản thân, sự tự nhận thức và sự lo lắng ảnh hưởng đến kết quả môn toán của học sinh: Phân tích từ kết quả PISA 2012”, “Các yếu tố ảnh hưởng tới việc sử dụng Wikipedia trong giảng dạy đại học" và “Đánh giá mối liên hệ giữa quản trị tri thức và hiệu quả hoạt động của công ty”. Hội thảo đã dành buổi cuối cùng để các nhóm thuyết trình kết quả nghiên cứu đã đạt được. Dù thời gian làm việc ngắn, các nhóm đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra.
Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến thảo luận từ các đại biểu tham dự về khả năng vận dụng các phương pháp EFA, CFA, SEM để giải quyết các vấn đề trong Khoa học giáo dục. Các đại biểu cũng đánh giá cao khả năng xử lý số liệu của phần mềm mã nguồn mở R, một phần mềm miễn phí nhưng rất mạnh mẽ, phù hợp với nhu cầu và điều kiện của các nhà nghiên cứu tại Việt Nam hiện nay.
Kết thúc khóa học, nhiều đại biểu tham dự đã đánh giá rất cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chuyên môn của Ban Chương trình cũng như sự hỗ trợ nhiệt tình của các bạn sinh viên hỗ trợ sử dụng phần mềm R. Hội thảo đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác nghiên cứu giữa các nhóm nghiên cứu về Thống kê ứng dụng và Khoa học xã hội trong nước.
Trong thời gian tới Viện NCCCT sẽ tiếp tục tổ chức các Hội thảo, Khóa tập huấn và các buổi seminar về Thống kê ứng dụng trong nhiều lĩnh vực ứng dụng khác.
Một số hình ảnh của Hội thảo
Các Báo cáo mời và các bạn sinh viên hỗ trợ sử dụng phần mềm R.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Các đại biểu thảo luận nhóm.