Ngày 24/8/2015, tại Hà Nội, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) phối hợp tổ chức Hội thảo “Vận hành thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam”. Hội thảo có sự tham dự của TSKH Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBCKNN; Ông Trần Phương, PTGĐ BIDV; Ông Cấn Văn Lực, PTGĐ BIDV; Đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, các viện nghiên cứu và trường đại học, các ngân hàng thương mại, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các doanh nghiệp, các chuyên gia trong và người nước cùng các cơ quan báo chí. Đặc biệt, Hội thảo có sự tham dự của GS Ngô Bảo Châu (Giám đốc Khoa học VIASM) và Giáo sư Henri Berestycki (Nguyên Giám đốc Trung tâm Toán Tài chính tại Đại học Chicago-Hoa Kỳ).
TS. Cấn Văn Lực – Hàm Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ BIDV thuyết trình tại Hội thảo
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP ngày 5/5/2015 về Chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh (CKPS). Đây là một lĩnh vực tài chính bậc cao, nhiều nước trên thế giới đã vận hành từ rất lâu, nhưng đối với Việt Nam vẫn còn rất mới mẻ. Do đó, Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các cơ quan quản lý, các thành viên tham gia thị trường, các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà nghiên cứu…. có dịp trao đổi, thảo luận về môi trường pháp lý, sự cần thiết và kinh nghiệm quản lý, giám sát thị trường CKPS; các loại sản phẩm CKPS và phương pháp quản trị rủi ro sử dụng CKPS; quy định tổ chức kinh doanh, tổ chức thị trường giao dịch; cũng như vai trò của đào tạo, ứng dụng toán tài chính và nghiên cứu định lượng trong định giá, kinh doanh, phát triển và quản lý rủi ro đối với CKPS; qua đó, góp phần hỗ trợ Việt Nam trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế-chính sách, sản phẩm, quản lý rủi ro và phương thức vận hành hiệu quả thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam.
Cùng với sự phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế sau công cuộc đổi mới, thị trường tài chính non trẻ của Việt Nam trải qua những bước khởi đầu, vươn lên mạnh mẽ trong khoảng 15 năm gần đây để chứng tỏ vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển chung của kinh tế xã hội Việt Nam. Với vai trò là cầu nối trực tiếp giữa người cần vốn và người có vốn, cả thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu ngày càng mở rộng về quy mô, thu hút sự tham gia đông đảo của các tổ chức phát hành, nhà môi giới, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, với hệ thống tổ chức ngày càng chuyên nghiệp hướng tới chuẩn mực quốc tế.
Tính đến nay, trên thị trường chứng khoán có 892 mã cổ phiếu niêm yết trên 3 sàn giao dịch với tổng vốn hóa khoảng 32% GDP, giá trị giao dịch hàng ngày trên 2.000 tỷ đồng. Thị trường trái phiếu, đặc biệt là thị trường trái phiếu chính phủ cũng có bước phát triển vượt bậc 3 năm gần đây, với quy mô đạt 22% GDP, thanh khoản thường xuyên lên tới 2.000 tỷ đồng/phiên với sự tham gia của 25 thành viên đấu thầu và 54 thành viên giao dịch là các định chế tài chính hàng đầu trong nước.
Ông Trần Phương, PTGĐ BIDV cho biết, là một thành viên tham gia vào TTCK, với tư cách ngân hàng thanh toán, ngân hàng lưu ký và sở hữu một công ty kinh doanh chứng khoán, BIDV luôn quan tâm tới những biến động của thị trường, các chính sách phát triển thị trường và cùng tham gia tích cực đóng góp cho sự phát triển của TTCK, từ khi thị trường được thành lập vào năng 2000.
Đại diện BIDV cho rằng, việc đưa các loại CKPS thành hàng hóa quy chuẩn của thị trường niêm yết là bước rất cần thiết nhằm đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường, tạo ra công cụ đáp ứng yêu cầu phòng ngừa rủi ro cũng như mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận của các nhà đầu tư.
Nhằm sẵn sàng cho việc tham gia tích cực và chủ động vào TTCKPS, BIDV đang phối hợp với VIASM triển khai đề tài nghiên cứu “Điều kiện vận hành hiệu quả thị trường CKPS”.
TSKH Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBCKNN cũng đưa ra một số định hướng phát triển thị trường CKPS trong thời gian tới tới, cụ thể:
(1) Chủ động tích cực, tích hợp các chính sách phát triển TTCK vào quá trình cải cách thể chế, tái cơ cấu và thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. TTCK được chú tâm phát triển để cùng gánh vác vai trò trung chuyển vốn, phân bổ vốn hiệu quả theo tín hiệu thị trường trong nền kinh tế. Ngoài ra, còn hỗ trợ cho công tác cải cách và tái cấu trúc DNNN, hệ thống tài chính-ngân hàng;
(2) Tranh thủ và tận dụng cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và tiến trình cải cách thể chế trong nước để xây dựng và phát triển TTCK theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Mục tiêu xuyên suốt là khơi thông triệt để dòng lưu chuyển vốn trong nước và ngoài nước để hỗ trợ DN, hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng;
(3) Kiên định và thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển TTCK, cụ thể:
- Về cung hàng hóa: Đa dạng hóa nguồn cung, gắn với nâng cao chất lượng hàng hóa, nâng cao chất lượng thông tin tài chính;
- Về cầu hàng hóa: Thúc đẩy sự phát triển hệ thống các nhà đầu tư tổ chức, làm lực lượng dẫn dắt định hướng đầu tư, kết hợp khuyến khích nhà đầu tư cá nhân để tạo thanh khoản;
- Về định chế trung gian: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán; nâng cao năng lực tài chính, quản trị rủi ro dựa trên nguyên tắc thị trường và đề cao giá trị cạnh tranh và năng lực sáng tạo.
Ông Cấn Văn Lực, PTGĐ BIDV nhận định: Thị trường phái sinh có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế; bao gồm: (i) là 1 giải pháp hiệu quả thay thế các giao dịch thị trường tiền mặt và góp phần phân bổ nguồn lực, nguồn vốn; (ii) là công cụ quan lý rủi ro, nhất là rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất, rủi ro vỡ nợ tín dụng, rủi ro giá chứng khoán…; (iii) góp phần đa dạng hóa sản phẩm, phát triển thị trường tài chính; và (iv) các tập đoàn, định chế tài chính và chính phủ đều có lợi ích từ thị trường phái sinh khi mà nguồn huy động vốn có chi phí thấp và đa dạng. Ví dụ, các nhà đầu tư có thể tăng tỷ suất lợi nhuận tài sản và tạo các loại tài sản hấp dẫn, tăng tính thanh khoản cho thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể vay vốn từ các nguồn vốn giá rẻ mà không cần để ý tới đồng ngoại tệ hay lãi suất bằng việc sử dụng sản phẩm hoán đổi ngoại tệ hoặc hoán đổi lãi suất.
Trong thị trường phái sinh, các định chế tài chính (ĐCTC) đóng vai trò là trung gian, thành viên giao dịch, cung cấp công cụ quản lý rủi ro, kết nối nhu cầu của người mua-bán các hợp đồng phái sinh, tăng tính thanh khoản cho thị trường. Các ĐCTC cũng là thành viên sử dụng trực tiếp các sản phẩm phái sinh với mục đích tương tự các nhà đầu tư như: phòng ngừa rủi ro, đầu cơ, kinh doanh chênh lệch giá…. Đồng thời, các sản phẩm CKPS đem lại một số lợi ích riêng biệt nổi bật đối với các ĐCTC như: tăng thu dịch vụ; đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng bằng sản phẩm chuyên biệt, thiết kế theo nhu cầu khách hàng; đa dạng hóa khách hàng; tăng năng lực cạnh tranh; khẳng định vị thế của ngân hàng hiện đại hướng đến sản phẩm tiên tiến, theo thông lệ quốc tế.
Để thị trường CKPS Việt Nam vận hành hiệu quả, TS Lực gợi ý một số giải pháp cơ bản như: (i) cần tạo hàng hóa chuẩn và phát triển thị trường CKPS có lộ trình từ thấp đến cao, (ii) xây dựng hành lanh pháp lý đồng bộ, (iii) xây dựng hạ tầng tài chính hiện đại, (iv) chú trọng tạo lập đội ngũ cán bộ quản lý, kinh doanh được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, (v) khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư, đối tác nước ngoài nhằm tăng cường chuyển giao công nghệ, quản lý, tính chuyên nghiệp và minh bạch, và (vi) cần tăng cường giáo dục tài chính để các nhà đầu tư có được kiến thức, trình độ nhất định về lĩnh vực phức tạp này.
Theo TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, UBCKNN, phát triển TTCKPS là nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020 của Chính phủ. Hơn nữa, TTCK hiện mới chỉ có các CK cơ sở (Cổ phiếu, Trái phiếu, Chứng chỉ quỹ), thiếu các công cụ tài chính phòng ngừa rủi ro và đòn bẩy lợi nhuận là CKPS, một số CKPS đã tự phát ra đời cũng cần được quản lý. Do đó, sự ra đời TTCKPS là quá trình phát triển tất yếu của TTCK, nhưng hiện tại thiếu các quy định pháp lý. Đó cũng là lý do mà Chính phủ đã ban hành QĐ 366/TTg về Phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển TTCKPS. Còn ông Đặng Tài An Trang, Phó CVP UBCK, tại thời điểm này, UBCK đang tích cực hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định về TTCKPS này; và Hội thảo là một diễn đàn để có được thông tin, góp phần đưa chính sách vào cuộc sống.
Ông Nguyễn Hải Nam, Phó Trưởng phòng Thanh toán bù trừ, Trung tâm lưu ký chứng khoán cũng đưa ra các Phương án tổ chức hoạt động bù trừ, thanh toán CKPS. Ông đề nghị các thành viên thị trường chuẩn bị một số nội dung như: Đảm bảo vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, tỷ lệ vốn khả dụng theo quy định, đóng góp Quỹ bù trừ cho Trung tâm lưu ký và trích lập quỹ phòng ngừa rủi ro theo quy định; Xây dựng hệ thống phục vụ hoạt động bù trừ, thanh toán CKPS tương thích với hệ thống của Trung tâm lưu ký/CCP; làm việc với ngân hàng quản lý tài khoản để xây dựng hệ thống quản lý ký quỹ tách biệt tài sản giữa thành viên bù trù và nhà đầu tư; Bố trí và đào tạo, đảm bảo các nhân sự phụ trách và trực tiếp tham gia vào hoạt động kinh doanh CKPS phải có đầy đủ kiến thức cũng như nhận thức được các rủi ro liên quan đến CKPS; Xây dựng quy trình, quy chế nghiệp vụ và quản lý rủi ro liên quan đến CKPS, nhất là quy trình liên quan đến việc thu, trả ký quỹ…
Ông Trịnh Hoài Giang, PTGĐ CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, theo lộ trình của UBCKNN, trong vòng 12 tháng đến 18 tháng tới sẽ có nhiều phát triển mới của thị trường chứng khoán trong nước. Những phát triển chính bao gồm sự ra đời của các Hợp đồng tương lai (Futures), Hệ thống bù trừ đối tác trung tâm (CCP). HSC đã có sự chuẩn bị đầy đủ về tư cách thành viên, xây dựng một hệ thống mới, khái niệm chung, chuẩn bị về hệ thống giao dịch, quy trình nghiệp vụ và nhân sự để tham gia đầy đủ vào thị trường này. Ông Nguyễn Khắc Hải – PTGĐ Công ty Quản lý quỹ SSI cũng chia sẻ, đồng tình với sự chuẩn bị như vậy; và nhấn mạnh vai trò của quản lý rủi ro trong quá trình tham gia TTCKPS.
Trong khi đó, ông Mehrdad Farimani – Giám đốc điều hành Dịch vụ thanh toán HĐ tương lai – Ngân hàng HSBC nhấn mạnh: Bản thân sản phẩm CKPS không phải là tội đồ gây nên rủi ro, mà vấn đề là chúng ta hiểu, quản lý và sử dụng sản phẩm CKPS đó như thế nào.
Giáo sư Henri Berestycki cũng đã trao đổi về “Vai trò của toán tài chính đối với thị trường CKPS”, nhất là trong việc ứng dụng mô hình toán trong định giá và quản lý danh mục phái sinh, nghiên cứu định lượng và đào tạo toán tài chính. Đó cũng là mối liên hệ quan trọng giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa nghiên cứu ứng dụng và kinh doanh – vốn dĩ đang yếu và thiếu tại nhiều nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng.
Giáo sư Ngô Bảo Châu trao đổi về kế hoạch nghiên cứu và đào tạo của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng toán trong lĩnh vực kinh tế, tài chính-ngân hàng (Fmathlab). Trung tâm này là một chương trình hợp tác giữa VIASM và BIDV.
Trước đó, ngày 12/01/2015, VIASM phối hợp với BIDV công bố Quyết định thành lập FMathLab và Ký thỏa thuận hợp tác giữa hai bên. Thỏa thuận hợp tác nhằm xây dựng và phát triển Chương trình nghiên cứu ứng dụng Toán trong lĩnh vực kinh tế, tài chính-ngân hàng. Theo đó, hai bên hợp tác thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, chương trình đào tạo, hội nghị, hội thảo mà kết quả tạo ra có giá trị thực tiễn, phục vụ ngành tài chính, ngân hàng, các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội. Trước mắt, hai bên sẽ phát huy lợi thế, tiềm năng của mình để đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng Toán trong lĩnh vực kinh tế, tài chính-ngân hàng, tiến tới tạo ra các dự án nghiên cứu mà sản phẩm có tính thương mại, tính ứng dụng đủ sức hội nhập quốc tế. Việc tổ chức Hội thảo này là 1 trong những bước đi cụ thể của thỏa thuận hợp tác đó.