Ngày 25/07/2017, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM) và Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) phối hợp khai mạc chuỗi bài giảng toán ứng dụng năm 2017. Tham dự lễ khai mạc có GS Ngô Bảo Châu - Giám đốc Khoa học VIASM (người đề xướng Chuỗi bài giảng toán ứng dụng), GS Nguyễn Hữu Dư – Giám đốc Điều hành VIASM, bà Nguyễn Diệu Phương - Phó Giám đốc Ngân hàng Bản Việt - Chi nhánh Hà Nội cùng toàn thể và đông đảo các giảng viên, nghiên cứu viên từ nhiều trường ĐH, viện nghiên cứu.
Chuỗi bài giảng toán ứng dụng của VIASM được khởi đầu từ năm 2016 nhằm mời các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trên thế giới đến Việt Nam để chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng toán học trong các lĩnh vực khác nhau, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, trình độ và hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng Toán trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, tài chính – ngân hàng ở Việt Nam. Chuỗi bài giảng được VIASM thực hiện định kỳ hàng năm và được Ngân hàng Bản Việt cam kết đồng hành.
Bài giảng đầu tiên trong chuỗi bài giảng năm nay được giảng bởi GS Henri Berestycki (GĐ Trung tâm nghiên cứu ứng dụng Toán CAMS, CNRS-EHESS và PSL Paris) từ ngày 25/7 đến ngày 27/7/2017. GS Berestycki cũng đã tới Việt Nam tư vấn về ứng dụng toán trong kinh tế, tài chính-ngân hàng trong năm 2015. Ngoài bài giảng tại VIASM, GS Berestycki cũng sẽ giảng bài tại Trường ĐH Quy Nhơn vào sáng 28/7/2017 và tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG TP. Hồ Chí Minh vào sáng 1/8/2017.
Bài giảng đầu tiên tại VIASM có tiêu đề “Mô hình thú - mồi có cạnh tranh: Sự nổi lên của các nhóm quần thể và lãnh thổ” (Predators-prey model with competition: the emergence of packs and territoriality). Trong bài giảng này, GS Berestycki nói về một loạt các công trình ông cùng làm việc với TS. Alessandro Zilio (EHESS) về hệ của một số loài thú có tương tác với duy nhất một loài mồi. Các nghiên cứu này phân tích tình trạng của các loài thú được coi như các con sói mà có thể chia thành các nhóm đối địch với nhau. Các câu hỏi đặt ra là làm sao hiểu được các điều kiện để các con thú chia thành được các nhóm, liệu chúng ta có thể tận dụng được các nhóm đối địch này, và so sánh cấu trúc lãnh thổ trong ngữ cảnh này. Về phương diện toán học các nghiên cứu tập trung phân tích các trạng thái dừng và tính tiệm cận của hệ thống khi các tham số cạnh tranh trở thành không bị chặn. Hệ này có một vài nét tương đồng với các mô hình xuất hiện trong các hiện tượng ngưng tụ Bose-Einstein đa pha trong vật lý.
Giáo sư Nguyễn Hữu Dư (Giám đốc Điều hành VIASM) cho biết: “GS. Berestycki là một nhà toán học nổi tiếng trong lĩnh vực phương trình đạo hàm riêng. Hiện tại ông là Giám đốc nghiên cứu của cụm đại học Paris Sciences Lettres. Ông tỏ ra rất yêu thích Việt Nam và luôn muốn sang Việt Nam để gặp gỡ các bạn trẻ yêu thích nghiên cứu, chia sẻ các kinh nghiệm nghiên cứu ứng dụng toán cũng như xây dựng các nhóm nghiên cứu tại Việt Nam. Để mời được những giáo sư như GS Berestycki sang Việt Nam làm việc phải nhờ đến uy tín quốc tế của GS Ngô Bảo Châu và sự đồng hành và hỗ trợ hiệu quả của Ngân hàng Bản Việt trong các năm qua”.
Chuỗi bài giảng toán ứng dụng năm 2017 của VIASM sẽ được tiếp nối bởi GS Jean-Michel Coron (ĐH Pierre et Marie Curie, Pháp) từ 14-18/8/2017.