KHOÁ BỒI DƯỠNG GIẢNG VIÊN NĂM 2021 “MỘT SỐ CHỦ ĐỀ HIỆN ĐẠI TRONG THỐNG KÊ ỨNG DỤNG”

Thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của  Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030, trong ba ngày, từ 10/12/2021 đến 12/12/2021, Khóa Bồi dưỡng giảng viên năm 2021 với chủ đề “Một số chủ đề hiện đại trong thống kê ứng dụng” đã được Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.  Khóa bồi dưỡng đã thu hút gần 200 giảng viên, cũng như các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia, tiếp tục những thành công của các Khóa Tập huấn giảng viên nhằm nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu và ứng dụng thống kê cho giảng viên các trường đại học đã được Viện tổ chức bắt đầu từ năm 2019.   

 gv1-PGS-TS-Minh-Ngoc-giang-bai.png

PGS.TS. Trần Minh Ngọc giảng bài trực tuyến

Khóa bồi dưỡng gồm hai chuỗi bài giảng của các chuyên gia nước ngoài, một số báo cáo ngắn của các nhà nghiên cứu trong nước và chương trình Thảo luận bàn tròn về chủ đề “Phát triển thống kê ứng dụng”.

Chuỗi bài giảng đầu tiên về Hồi quy không gian do Giáo sư Christine Thomas-Agnan, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Toulouse 1 Captitole, Pháp trình bày. GS. Christine là một chuyên gia thống kê với 6 cuốn sách đã xuất bản và trên 50 bài báo trên các tạp chí uy tín. GS. Christine quan tâm nhiều vấn đề quan trọng và hiện đại trong thống kê như: Hồi quy Không gian, Hồi quy phi tham số và bán tham số, Quá trình điểm không gian (Spatial point processes), Phân tích số liệu đa hợp (Compositional data analysis) và các mô hình hồi quy khác trong phân tích kinh tế - xã hội. Với ba bài giảng trong vòng 6 tiếng, Giáo sư đã cung cấp cho người nghe về tầm quan trọng và các ứng dụng của hồi quy Không gian, các kiến thức cơ bản như ma trận trọng số không gian (weight matrix), các thước đo tự tương quan không gian như Moran, Geary’s C, Joint Cout và các bài toán kiểm định tương ứng. Cuối cùng, các mô hình hồi quy không gian được giới thiệu, phân tích và sự lựa chọn các mô hình. Bài giảng được minh họa qua các bộ số liệu không gian trực quan và sinh động. Các đại biểu tham dự khóa học đã có những trao đổi chuyên môn rất sôi nổi với GS. Christine sau mỗi bài giảng. Bên cạnh những bài giảng lý thuyết là  những buổi hướng dẫn thực hành về hồi quy không gian trên phần mềm R do TS. Hoàng Văn Hà (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh) và TS. Trịnh Thị Hường (Trường Đại học Thương mại) phụ trách.

 gv2-GS-Christine-giang-bai.png

GS. Christine Thomas-Agnan giảng bài trực tuyến

Chuỗi bài giảng thứ hai về Tính toán Bayes của PGS. Trần Minh Ngọc, Đại học Sydney, Úc. PGS. Ngọc là một chuyên gia về tính toán Bayes và Học máy thống kê. Nghiên cứu của PGS tập trung vào việc áp dụng các kỹ thuật tính toán Bayes hiện đại vào Khoa học nhận thức, Kinh tế lượng trong tài chính, Tài nguyên và Môi trường. Với ba bài giảng “Giới thiệu về thống kê Bayes”, “Phương pháp Monte Carlo” và “Tính toán Bayes”, PGS. Ngọc đã có những bài  giảng rất trực quan, sinh động và cuốn hút người nghe (về thống kê Bayes và những phương pháp tính toán Bayes như Monte Carlo, Markov chain Monte Carlo MCMC, Sequential Monte Carlo, Variational Bayes). Bên cạnh những giờ lý thuyết của PGS Ngọc, NCS. Đào Việt Hùng (Khoa Kinh Tế Trường Đại học New South Wales, Australia) hướng dẫn người học tính toán Bayes qua trong những ví dụ cụ thể và mô phỏng những phương pháp trong tính toán Bayes qua phần mềm Matlab.

gv3-Truc-tuyen1.png

Đặc biệt, ngoài các bài giảng lý thuyết và hướng dẫn thực hành, các học viên được nghe 11 báo cáo của học  viên  tham dự là những nhà nghiên cứu, giảng viên nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực về các vấn đề rất quan trọng và cần thiết trong giáo dục, kinh tế, dịch tễ học, khoa học dữ liệu, học máy,…

gv4-Truc-tuyen2.png

Đại biểu tham dự trực tuyến

Để xây dựng chương trình và chiến lược hành động cho Mạng lưới Thống kê ứng dụng Việt Nam, một cuộc thảo luận bàn tròn về chủ đề Phát triển thống kê ứng dụng ở Việt Nam đã được tổ chức. Diễn giả tham gia thảo luận là những nhà nghiên cứu thống kê trong nhiều lĩnh vực và những thầy cô có kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu thống kê từ những trường đại học uy tín trong nước:  TS. Trịnh Quốc Anh (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội), TS. Trần Thị Tuấn Anh (Phó trưởng Khoa Toán-Thống kê, Đại học UEH), PGS.TS Trần Thị Bích (Trưởng Khoa Thống kê, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), PGS.TS Trần Minh Ngọc (University of Sydney Business School, Australia), PGS.TS Trần Trọng Nguyên, (Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển), PGS.TS Hồ Đăng Phúc (Viện Toán học, Viện HLKHCN Việt Nam), GS.TS Trần Trung (Giám đốc Học viện Dân tộc).

Sau phần giới thiệu mở đầu của PGS.TS Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán về Chương trình trọng điểm Quốc gia phát triển Toán học 2021-2030 và một số thách thức trong phát triển nghiên cứu-ứng dụng và đào tạo ở Việt Nam, PGS.TS. Ngô Hoàng Long cùng với các diễn giả của tọa đàm đã có phiên trao đổi rất cởi mở, thẳng thắn về các vấn đề còn tồn tại trong nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo thống kê ở Việt Nam. Mở đầu chương trình, PGS.TS Trần Trọng Nguyên cho rằng thống kê là một công cụ quản lý vĩ mô quan trọng, cung cấp các thông tin khách quan, chính xác, kịp thời trong việc đánh giá và hoạch định chính sách. Hơn nữa, thống kê còn giúp theo dõi sát và dự báo kịp thời cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. PGS.TS Nguyên cũng nhấn mạnh hiện nay nhu cầu về thống kê là rất lớn và cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa. GS. Trần Trung chia sẻ những giải pháp và kinh nghiệm rất hữu ích cho những nhà nghiên cứu sử dụng thống kê trong xã hội. Với kinh nghiệm nghiên cứu và triển khai việc áp dụng thống kê trong y tế và xã hội, PGS.TS Hồ Đăng Phúc nêu lên những thuận lợi và khó khăn khi một người làm toán hợp tác với các nhà nghiên cứu trong các ngành nghề khác. Buổi tọa đàm cũng được nghe những chia sẻ của PGS.TS Trần Minh Ngọc về việc thực hiện những dự án áp dụng thống kê vào giải quyết những vấn đề  đặt ra trong thực tế ở Úc và những chia sẻ của TS. Trịnh Quốc Anh về những công việc của nhóm Tư vấn thống kê mà Tiến sĩ đã thành lập. Các diễn giả đều khẳng định để thống kê được áp dụng một cách hiệu quả vào những lĩnh vực khác, nhà toán học và nhà nghiên cứu trong ngành nghề khác phải ngồi với nhau, học cùng nhau, trao đổi với nhau thì việc hợp tác mới thành công. PGS.TS Trần Thị Bích và TS. Trần Thị Tuấn Anh chia sẻ những thực tế khi giảng dạy thống kê cho sinh viên trong nhiều chuyên ngành. Các cô cũng trăn trở về câu hỏi làm thế nào để nâng cao chất lượng đầu vào cho sinh viên ngành thống kê để đào tạo một đội ngũ nhân lực thống kê có chất lượng cao cho xã hội.

gv5-toa-dam.png

Tọa đàm Phát triển thống kê ứng dụng với các khách mời tham gia trực tuyến

Ngoài việc chia sẻ những kinh nghiệm, các diễn giả tham gia buổi tọa đàm cũng đề xuất nhiều giải pháp hữu ích cho việc phát triển và ứng dụng thống kê, trong đó có đề xuất rất quan trọng và cần thiết của PGS.TS Nguyên về việc triển khai xây dựng trung tâm dữ liệu lớn phục vụ cho nhu cầu phân tích, hoạch định chính sách cũng như nghiên cứu và giảng dạy.

gv6-toadam.JPGCác khách mời tọa đàm tham dự trực tiếp tại Viện NCCCT

gv7-toadam.JPGPGS.TS Hồ Đăng Phúc phát biểu tại tọa đàm

 Sau ba ngày làm việc tích cực và hiệu quả, Khóa bồi dưỡng giảng viên năm 2021 đã thành công tốt đẹp, đạt được những nội dung cũng như những mục tiêu đã đề ra. Phát biểu bế mạc, PGS.TS Lê Minh Hà hy vọng trong thời gian tới Seminar Thống kê ứng dụng và Mạng lưới Thống kê ứng dụng Việt Nam (Vietnam Applied Statistics Network, VASN) sẽ tiếp tục được đông đảo các thầy cô cũng như các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia và ủng hộ. PGS.TS Hà cũng mong muốn bên cạnh những hoạt động về chuyên môn, Seminar Thống kê ứng dụng nên có thêm các hoạt động bồi dưỡng nguồn nhân lực và hỗ trợ giảng dạy toán học phổ thông.

gv8-chupanh.JPGCác khách mời tham dự tọa đàm trực tiếp chụp ảnh cùng Ban tổ chức và Ban chuyên môn.

gv9-hop.png Ban chuyên môn điều hành khóa tập huấn