Thực hiện kế hoạch năm 2023 của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030, ngày 03 tháng 12 năm 2023, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định, Trường Đại học Quy Nhơn và Hội Toán học tỉnh Bình Định tổ chức Khóa Bồi dưỡng về mạch kiến thức Hình học và Đo lường trong Chương trình giáo dục phổ thông môn Toán năm 2018.
Khóa bồi dưỡng được giảng dạy trực tiếp bởi 2 giảng viên uy tín: TS. Phạm Anh Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và GS.TS. Nguyễn Hùng Sơn, Trường Đại học Tổng hợp Warszawa, Ba Lan nhằm cung cấp cho giáo viên môn Toán ở các trường THPT và THCS, giảng viên phương pháp dạy học bộ môn Toán, học viên sau đại học, sinh viên ngành Sư phạm Toán học của các trường Đại học, Cao đẳng ở các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên một số nội dung về mạch kiến thức Hình học và Đo lường trong Chương trình giáo dục phổ thông môn Toán năm 2018. Khóa bồi dưỡng đã thu hút hơn 200 học viên tham dự
Phát biểu khai mạc Khóa bồi dưỡng, PGS.TS. Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành VIASM đã nêu mục tiêu của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán giai đoạn 2021-2030 nhằm phát triển Toán học Việt Nam bền vững và mạnh mẽ về mọi mặt và cụ thể hơn với nhiệm vụ Hỗ trợ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông môn Toán 2018, Khóa bồi dưỡng này sẽ trang bị cho giáo viên những kiến thức, nội dung trong mạch kiến thức Hình học và Đo lường. Cũng tại Khóa Bồi dưỡng, PGS.TS. Lê Minh Hà gửi lời cảm ơn tới Ban tổ chức địa phương đã phối hợp tổ chức và chuẩn bị rất tốt cho Khóa bồi dưỡng cũng như cảm ơn các diễn giả đều từ xa đến, đặc biệt GS. Nguyễn Hùng Sơn đã bay từ Ba Lan về Hà Nội và vào thẳng Quy Nhơn để kịp giảng bài cho Khoá bồi dưỡng. PGS Hà cũng rất vui mừng khi được chào đón rất đông đảo giáo viên và sinh viên khu vực miền Trung - Tây Nguyên nhiệt tình tham gia Khóa học.
PGS.TS. Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành VIASM phát biểu khai mạc Khóa Bồi dưỡng
Thay mặt cho đơn vị đăng cai tổ chức Khóa Bồi dưỡng, PGS.TS. Nguyễn Đình Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn đã tham dự và phát biểu chào mừng các diễn giả, giáo viên và sinh viên tham dự Khóa bồi dưỡng. PGS.TS. Nguyễn Đình Hiền khẳng định, Trường Đại học Quy Nhơn rất vinh dự phối hợp với Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán tổ chức nhiều hoạt động của Chương trình Toán tại Bình Định và các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, phát huy thế mạnh đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng Toán học của Nhà trường. PGS.TS. Nguyễn Đình Hiền cũng gửi lời cảm ơn đến Lãnh đạo Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định, Hội Toán học Bình Định đã và đang phối hợp với Nhà trường tổ chức các hoạt động liên quan đến giáo viên và học sinh bậc phổ thông, gồm các hoạt động phổ biến tri thức Toán học, hỗ trợ triển khai thực hiện chương trình GDPT môn Toán năm 2018 ở tỉnh Bình Định và các tỉnh khu vực Miền Trung - Tây Nguyên.
PGS.TS. Nguyễn Đình Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn phát biểu chào mừng tại Khóa Bồi dưỡng
Khóa học mở đầu với bài giảng của TS. Phạm Anh Minh với chuyên đề “Mạch kiến thức Hình học và Đo lường”. Bài giảng của TS. Phạm Anh Minh gồm 3 phần. Trong phần 1, TS. Phạm Anh Minh giới thiệu sơ lược lịch sử Hình học. Trong phần 2, giới thiệu đặc điểm của mạch kiến thức Hình học và Đo lường trong chương trình GDPT môn Toán năm 2018; phân bố nội dung của chủ đề Hình học và Đo lường trong chương trình giáo dục phổ thông môn Toán, từ lớp 1 đến lớp 12; mục tiêu của Chương trình GDPT môn Toán đối với mạch kiến thức Hình học và Đo lường. Trong phần 3, giới thiệu các chuyên đề có nội dung hình học, gồm các chuyên đề Ba đường conic và ứng dụng (Lớp 10), Phép biến hình phẳng (Lớp 11), Một số yếu tố của vẽ kỹ thuật (Lớp 11), Làm quen với một vài yếu tố của Lý thuyết đồ thị (Lớp 11).
Phạm Anh Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Bài giảng thứ hai của GS. Nguyễn Hùng Sơn với chủ đề “Xung quanh phép quay” gồm 2 phần. Phần 1, GS. Sơn giới thiệu với học viên các tính chất cơ bản và một số áp dụng hiệu quả của các phép dời hình cơ bản, trong đó tập trung vào phép quay, phép đối xứng trục, hợp thành của các phép dời hình này, cả trong mặt phẳng và trong không gian. Phần 2, giới thiệu về phép nghịch đảo và một số ứng dụng đẹp của nó. Trong cả hai phần, GS. Nguyễn Hùng Sơn đã đưa ra các ví dụ về các bài toán Hình học trong các kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO), áp dụng các phép biến hình sẽ cho các lời giải đẹp, đồng thời, có thể áp dụng các phép biến hình để sáng tác các bài toán Hình học.
GS.TS. Nguyễn Hùng Sơn, Trường Đại học Tổng hợp Warszawa, Ba Lan
Khóa bồi dưỡng này không chỉ là cơ hội để các giáo viên, sinh viên sư phạm Toán cập nhật kiến thức mới mà còn là dịp để chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ những thành công trong quá trình giảng dạy. Việc nâng cao chất lượng giáo dục Toán học sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện của học sinh.
Một số hình ảnh tiêu biểu của Khóa Bồi dưỡng: