Trong khóa học Lý thuyết mã hóa và ứng dụng diễn ra từ ngày 18 tới 19 tháng 4, 2019, bốn giảng viên gồm có các tiến sĩ Eitan Yaakobi (Technion), TS. Đậu Sơn Hoàng (RMIT, Australia), TS. Vũ Văn Khu (Nanyang Technological University), và TS. Trần Thị Lượng (Học viện Kĩ thuật mật mã), đã giới thiệu những kiến thức cơ bản về lý thuyết mã hóa cũng như những ứng dụng của lý thuyết mã hóa trong nền tảng công nghệ của Facebook, Google…, và những thách thức trong thực tế.
Lý thuyết mã hóa được phát minh từ những năm bốn mươi để bảo vệ dữ liệu khỏi nhiễu trên đường truyền. Cho tới nay, ngoài ứng dụng trong mạng truyền thông, lý thuyết này còn được ứng dụng rộng rãi và rất thành công trong nhiều lĩnh vực khác của khoa học máy tính và kĩ thuật điện như lưu trữ dữ liệu, bộ nhớ và bộ nhớ đệm, mật mã, truy vấn thông tin riêng tư, và điện toán phân tán. Nguyên lý cơ bản của lý thuyết mã hóa là sử dụng sự dư thừa thông tin để giảm lỗi cho các hệ thống thông tin hoặc tăng năng suất hoạt động của chúng. Bài toán đặt ra là làm sao thiết kế sự dư thừa thông tin này một cách thông minh để tối ưu nhiều tiêu chuẩn hoạt động cùng một lúc.
Ngoài hai bài giảng bổ túc kiến thức cơ bản, các bài giảng còn lại tập trung vào một vài ứng dụng quan trọng nhất của kỹ thuật mã hóa trong hệ thống lưu trữ dữ liệu phân tán, lưu trữ bằng DNA, bộ nhớ flash và bộ nhớ race-track, điện toán phân tán, và mật mã, và thảo luận những bài toán mở đang được cộng đồng nghiên cứu quan tâm.
Khóa học đã thu hút được các học viên từ những sinh viên năm nhất cho tới những nhà nghiên cứu lâu năm quan tâm tới lĩnh vực này. Dự kiến trong thời gian tới, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán sẽ tổ chức những khóa học ở mức độ nâng cao về lý thuyết mã hóa và ứng dụng, đặc biệt trong công nghệ 5G đang được rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, quan tâm phát triển.