Khoá học ngắn và Hội thảo: 100 năm Khoa học và Công nghệ Lượng tử

Nhân dịp năm 2025 được Liên hiệp quốc chọn là Năm quốc tế về Khoa học và Công nghệ Lượng tử, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), phối hợp với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội (VNU-HUS) đã tổ chức Khoá học ngắn và Hội thảo: 100 năm Khoa học và Công nghệ Lượng tử, diễn ra từ ngày 10–14/4/2025 tại Hà Nội. Chuỗi sự kiện có sự đồng hành của Công ty Cổ phần Tập đoàn MK và QWorld.

Sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và tiềm năng của khoa học và công nghệ lượng tử trong thế kỷ 21, từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng thực tiễn như điện toán, bảo mật và cảm biến lượng tử; đồng thời đặt mục tiêu định hình chiến lược phát triển năng lực quốc gia trong lĩnh vực Công nghệ lượng tử. Khoá học đã cung cấp kiến thức nền tảng và cập nhật từ các nhà khoa học Công nghệ lượng tử hàng đầu, khơi dậy cảm hứng và tạo động lực học tập, nghiên cứu cho thế hệ trẻ. Hội thảo diễn ra vào ngày 14/4/2025 là cơ hội để kết nối các nhà nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách để cùng chia sẻ, thảo luận về tương lai Công nghệ lượng tử tại Việt Nam 

Khóa học ngắn: 100 năm Khoa học và Công nghệ Lượng tử tập trung vào việc lập trình trực tiếp một thuật toán lượng tử quan trọng có tên là Grover Search. Thuật toán này tận dụng các hiện tượng lượng tử như chồng chập và vướng víu lượng tử để khám phá nhiều giải pháp cùng lúc. Nó cho phép tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu không được sắp xếp nhanh hơn rất nhiều (quadratic speedup) so với bất kỳ thuật toán cổ điển nào. Sự tăng tốc này mang lại những lợi ích đáng kể trong các ứng dụng như mật mã và tối ưu hóa, nơi khả năng tìm kiếm nhanh chóng có thể dẫn đến hiệu quả tính toán vượt trội. TS. Nguyễn Quốc Hưng (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) là giảng viên chính của Khoá học, cùng 2 trợ giảng: NCS Samanvay Sharma (Đại học Keio, Nhật Bản) và Sinh viên Nguyễn Xuân Bình An (Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội).

Nguyễn Quốc Hưng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội

Khoá học đã thu hút hơn 50 học viên tham dự là sinh viên, các nhà nghiên cứu, tới các chuyên gia đến từ một số doanh nghiệp. Trong thời gian ngắn hơn 2 ngày, các học viên được giới thiệu các nền tảng căn bản của tính toán lượng tử, tập trung vào những yếu tố quan trọng nhất nhằm mục tiêu lập trình được thuật toán Grover. Sử dụng nền tảng giáo dục của QWorld, các học viên trực tiếp sử dụng phần mềm giả lập Qiskit và làm quen với các khái niệm như cổng Hadamard, cổng 2 qubit, hoặc thuật toán khuếch đại biên độ. Sau thời gian tập trung làm việc liên tục với cường độ cao và tham gia một số bài kiểm tra, khoá học đã tìm ra 03 học viên đạt điểm cao nhất:

  • Nguyễn Minh Châu, Đại học Bách khoa Hà Nội
  • Hứa Ngô Đại Dương, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội
  • Nguyễn Phương Quỳnh, Executive Office, Cinnamon AI

BTC trao quà cho Top 3 học viên xuất sắc của Khóa học

Học viên tham dự Khóa học

Tiếp theo chuỗi hoạt động là Hội thảo: 100 năm Khoa học và Công nghệ Lượng tử được tổ chức nhằm kỷ niệm 100 năm ngày Heisenberg công bố công trình về hệ thức bất định trong cơ học lượng tử, qua đó cộng đồng công nhận 1925 là năm khai sinh của vật lý lượng tử. 

Tham dự và phát biểu tại Hội thảo, Ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cho rằng Khoa học và Công nghệ Lượng tử ở Việt Nam hiện nay cũng giống như Công nghệ Thông tin trước đây, nếu không có những người tiên phong, nhưng đơn vị nghiên cứu và đào tạo về Công nghệ Thông tin thì chúng ta sẽ không thể có được đội ngũ, đơn vị CNTT phát triển như hiện nay. Nghị quyết 57-NQ/TW cũng đã nêu Công nghệ Lượng tử là một trong những công nghệ chiến lược mà Việt Nam cần ưu tiên đầu tư. Hiện nay, ở Việt nam chưa có một đơn vị, tổ chức nào đầu tư nghiên cứu, đào tạo về Công nghệ Lượng tử. Bộ Khoa học và Công nghệ sẵn sàng hỗ trợ các tổ chức thành lập các đơn vị nghiên cứu và đào tạo cơ bản về Công nghệ lượng tử. Các trường đại học và viện nghiên cứu cần sớm thành lập những nhóm nghiên cứu, kết nối chuyên gia, đề xuất đề tài nghiên cứu, xây dựng đề án đầu tư các phòng nghiên cứu phục vụ đào tạo cơ bản về Công nghệ lượng tử để Bộ Khoa học và Công nghệ có thể hỗ trợ cả về đào tạo lẫn nghiên cứu phát triển. Việt Nam cần từng bước tiếp cận công nghệ này theo các hướng ưu tiên ban đầu là Mật mã hậu lượng tử, tiếp theo là Truyền thông Lượng tử và Máy tính lượng tử thì sẽ cần có thời gian nhiều hơn và từng bước tiếp cận.

Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo

Thứ trưởng cũng chúc mừng Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội là hai đơn vị tiên phong đã chủ trì tổ chức Khóa học ngắn và Hội thảo về 100 năm Khoa học và Công nghệ Lượng tử nhân Năm quốc tế về Khoa học và Công nghệ lượng tử 2025.

Ông Yasser Omar, Đại diện World Quantum Day phát biểu chào mừng tại Hội thảo

Hội thảo bao gồm 06 báo cáo mời của các diễn giả trong lĩnh vực Công nghệ lượng tử bao gồm:

- “Tổng quan bức tranh Công nghệ Lượng tử toàn cầu”,  Bà Rossy Nguyễn, CEO Quanova, startup về Công nghệ lượng tử tại Việt Nam, Nguyên Giám đốc sản phẩm tại ORCA Computing, Vương Quốc Anh

- “Bối cảnh Công nghệ truyền thông Lượng tử, ông James Nguyễn, Chủ tịch Công ty Bảo mật Lượng tử Quantropi.

- “Cộng động Lượng tử toàn cầu”, ông Aurél Gábris, QWorld.

- “Cộng động Lượng tử châu Á và Đông Nam Á”,  Ông Yap Yung Szen, Đại học Công nghệ Malaysia.

- “Bối cảnh Công nghệ tính toán Lượng tử toàn cầu”, TS. Nguyễn Quốc Hưng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội.

- “Công nghệ Lượng tử về an toàn thông tin”, TS. Nguyễn Bùi Cương, Viện Khoa học và Công nghệ Mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ.

Bà Rossy Nguyễn trình bày báo cáo tại Hội thảo

Ông Yap Yung Szen, Đại học Công nghệ Malaysia

Nguyễn Quốc Hưng, Trường ĐHKHTN-ĐHQG Hà Nội

Nguyễn Bùi Cương, Viện Khoa học và Công nghệ Mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ

Điểm nhấn của Hội thảo là phiên tọa đàm chủ đề “Tầm quan trọng của Khoa học và Công nghệ Lượng tử và định hình tương lai Lượng tử của Việt Nam” với sự tham gia của các diễn giả:

- PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; 

- PGS.TS. Đinh Văn Trung, Viện trưởng Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam;

- TS. Nguyễn Quốc Toàn, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ;

- TS. Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch Công ty Công nghệ DTT;

- Ông Đỗ Ngọc Duy Trác, Đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VinCSS, Tập đoàn Vingroup;

- Điều phối toạ đàm là TS. Nguyễn Quốc Hưng - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội.

Các diễn giả tại phiên tọa đàm

Hội thảo đã thu hút hơn 60 người tham dự là sinh viên, học viên sau đại học, giảng viên, nhà nghiên cứu và các đại diện đến từ các công ty, doanh nghiệp quan tâm đến Công nghệ Lượng tử.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Một số hình ảnh tại Hội thảo