Khóa học “Tính toán lượng tử: Lý thuyết và thực hành” do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên phối hợp tổ chức đã diễn ra trong 4 ngày 14-17/11/2020 tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và 2 ngày 21-22/11/2020 Nhà khách Đại học Quốc gia Hà Nội tại Ba Vì.
Khóa học đã giúp các học viên trải nghiệm việc lập trình lượng tử trên các máy tính lượng tử thật thông qua nền tảng tính toán lượng tử đám mây của công ty IBM. Nội dung của khóa học gồm các bài giảng về: Nền tảng Toán học của cơ học lượng tử, Cơ học lượng tử từ góc nhìn của Toán học, Tính toán lượng tử và các thuật toán lượng tử cơ bản, Ngôn ngữ lập trình qiskit, thực hành lập trình lượng tử và thực hành mô phỏng lượng tử, giới thiệu về học máy lượng tử và một vài thuật toán mới.
Phát biểu tại Buổi khai giảng khóa học, TS. Trịnh Thị Thúy Giang, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán bày tỏ sự vui mừng khi được phối hợp cùng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tổ chức khóa học về Tính toán lượng tử.
Thực hiện mục tiêu Chương trình trọng điểm quốc gia 2010-2020 (với mục tiêu chung: Phát triển nền Toán học Việt Nam mạnh mẽ về mọi mặt; đảm bảo cho Toán học Việt Nam đi vào xu thế phát triển bền vững, tạo cơ sở để đưa nước ta thành một nước có nền Toán học mạnh trong giai đoạn phát triển tiếp theo), trong những năm gần đây, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán rất quan tâm đến những khóa đào tạo, bồi dưỡng cho các ngành ngoài Toán và có hàm lượng Toán cao. TS. Trịnh Thị Thúy Giang hi vọng các học viên của khóa học sẽ thu được nhiều điều bổ ích; các học viên ở xa – ngoài kiến thức thu lượm được - sẽ có những trải nghiệm thú vị trong một tuần thời tiết đang rất đẹp của Hà Nội.
Là người phụ trách chuyên môn của khóa học, TS.Nguyễn Quốc Hưng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, mục đích của khóa học là giới thiệu cho mọi người biết đến một loại máy tính thế hệ mới: Máy tính lượng tử. Hiện nay máy tính lượng tử đã được chế tạo thành công, và là loại máy tính có tiềm năng sẽ thay đổi thế giới. Khoa học phát triển không ngừng; cách đây 20 năm, máy tính thông thường vẫn còn xa lạ với nhiều người thì nay đã trở nên phổ biến. Internet và các nền tảng mạng xã hội cũng vậy. Máy tính lượng tử hiện còn yếu, mới chỉ có 10 bit và chứa nhiều sai số nên chưa có ứng dụng thực tiễn. Tuy nhiên, chiếc máy tính 10 bit chỉ cách chiếc máy tính 1000 qubit những rào cản kỹ thuật.
Khóa học về Tính toán lượng tử đã thu hút được nhiều học viên đến từ các Trường đại học, Viện nghiên cứu và cả các doanh nghiệp như: Viện Vật lý-VAST; Viện Khoa học – Công nghệ mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện kỹ thuật mật mã; Trường Đại học KU Leuven, Vương quốc Bỉ; Trường Đại học Strasbourg, Pháp; Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (TPHCM); Trường Đại học Quy Nhơn; Trường Đại học Đà Lạt; Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; Trường Đại học Sư phạm II; Trường Đại học Phenikaa; Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Công nghệ, Viện Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Kết thúc khóa học, hầu hết các học viên đều bày tỏ sự hài lòng về khoá học và. Chia sẻ với BTC, bạn Khúc Xuân Thành - học viên cao học Học viện kỹ thuật mật mã tâm sự: “ Hướng nghiên cứu tính toán lượng tử là hướng mà những giảng viên đang thực sự làm việc nên giảng viên có tầm hiểu biết rộng như TS. Ngô Quốc Hưng, PGS. TS. Nguyễn Bá Ân, TS. Nguyễn Văn Duy. Tính toán lượng tử là một vấn đề khó nhưng các giảng viên đã có cách giảng rất hay để giúp các học viên cho dù không phải chuyên ngành của mình cũng nắm bắt các kiến thức của khóa học. Các tiết thực tập lập trình đã giúp học viên nắm vững hơn kiến thức lý thuyết được học.
Khóa học được tổ chức hết sức chu đáo và chuyên nghiệp. Việc có 2 buổi học tại Nhà khách Đại học Quốc gia Hà Nội tại Ba Vì không chỉ giúp các học viên có thời gian tập trung hoàn toàn cho việc học hơn (1 buổi sáng thứ 7 học đến 13h và 1 buổi chiều thứ 7 học tới 19h). Bên cạnh đó, đó cũng là cơ hội các học viên được giao lưu với nhau, có thể chia sẻ công việc và tạo quan hệ cộng tác sau này khi có cơ hội."