LSAM 2016: Mặt phân cách và hiện tượng trễ trong biến đổi pha rắn

Chiều 23/08/2016 tại VIASM đã diễn ra bài giảng “Mặt phân cách và hiện tượng trễ trong các phép biến đổi pha rắn” được giảng bởi GS Sir John Ball - ĐH Oxford, Vương quốc Anh.

Đây là bài giảng đầu tiên trong Chuỗi bài giảng về toán ứng dụng tại VIASM (VIASM Lecture Series in Applied Mathematics – LSAM). Chuỗi bài giảng nhằm mục đích đào tạo, phát triển việc ứng dụng toán vào các ngành khoa học cũng như lĩnh vực đời sống.

Chuỗi bài giảng hàng năm này đã được Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cam kết tài trợ.

Ngoài việc tập trung vào các bài giảng ứng dụng toán trong kinh tế, tài chính, ngân hàng, VIASM còn mời các nhà khoa học nổi tiếng thế giới đến giảng bài về các lĩnh vực ứng dụng khác như vật lý, cơ học, công nghệ thông tin, sinh học vv.

Bài giảng đầu tiên trong chuỗi bài giảng được thực hiện bởi GS Sir John Ball là về ứng dụng toán trong cơ học chất rắn diễn ra tại VIASM vào chiều 23 và 25/08/2016.

Nhiều hợp kim phải trải qua các quá trình biến đổi pha liên quan đến sự thay đổi hình dạng của mạng tinh thể ở nhiệt độ cực cao. Để quá trình biến đổi pha đó diễn ra được thì giai đoạn sản xuất phải hình thành được một cấu trúc vi mô tương thích về mặt hình học với pha trước đó. Thiếu sự tương thích này sẽ dẫn đến hiện tượng trễ, trong khi đó các tính chất đặc biệt của sức căng biến đổi cho phép khả năng tương thích lớn hơn và do đó làm giảm hiện tượng trễ. Bài giảng mô tả lý thuyết nền tảng về tính đàn hồi phi tuyến và mối liên hệ giữa việc phân tích cấu trúc vi lượng và các bài toán chưa được giải quyết trong việc tính toán sự biến đổi. Bài giảng cũng giải thích nghiên cứu toán học về sự tương thích dẫn đến những khám phá mới đây về các loại mặt cắt giữa các pha và đặc biệt là những chất liệu có độ trễ cực thấp như thế nào.

IMG_0326-s.jpg

Giáo sư John Ball hiện là giáo sư cao cấp về khoa học tự nhiên của ĐH Oxford, Giám đốc Trung tâm Oxford về Phương trình đạo hàm riêng phi tuyến, Tổng biên tập tạp chí "Archive for Rational Mechanics and Analysis" và biên tập cho một số tạp chí khoa học cũng như đang tham gia với nhiều tư cách khác nhau ở các hội đồng khoa học quốc gia và quốc tế. Ông đã từng nhận nhiều giải thưởng danh giá về các công trình nghiên cứu toán học và là thành viên trong Hội đồng giải thưởng Fields 1998; thành viên của Hội đồng giải thưởng Abel đầu tiên năm 2002-2003. Với sự cống hiến đối với Toán học và khoa học tự nhiên của mình, Giáo sư John Ball được phong Hiệp sĩ Anh năm 2006.

Trong những năm qua, GS. Ball thông qua IMU để giúp điều phối hỗ trợ nền toán học của các nước đang phát triển. Ông từng nói sự thách thức của toán học là không biên giới địa lý. GS. John Ball nổi tiếng về công trình nghiên cứu lý thuyết đàn hồi. Sau này ông phát triển nghiên cứu sang lý thuyết phán đoán cấu trúc siêu nhỏ của các vật liệu cứng trong giai đoạn chuyển đổi.

Bài giảng của GS John Ball tại VIASM đã thu hút 120 người đến nghe giảng gồm các GS, nghiên cứu viên, giảng viên và sinh viên từ nhiều viện nghiên cứu và trường đại học trong cả nước.

Trong chuyến công tác tại Việt Nam lần này GS Sir John Ball còn có một bài giảng tại ĐH Huế - TP. Huế vào ngày 15/08 và một bài giảng tại Hội thảo hàng năm 2016 của VIASM ngày 27/08.