Hội thảo về Mô hình toán trong biến đổi khí hậu và môi trường

Hội thảo về Mô hình toán trong biến đổi khí hậu và môi trường diễn ra trong thời gian từ 19-23 tháng 10 năm 2022 tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán.

Hội thảo do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) và Mạng lưới Nghiên cứu quốc tế về Mô hình Toán học và Máy tính cho các Hệ thống phức tạp (UMMISCO), Viện Nghiên cứu vì sự phát triển (IRD), Cộng hoà Pháp đồng tổ chức với sự hỗ trợ của Trường Đại học Thuỷ lợi, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Khoa học Thuỷ lợi.

mm4ce-1.jpgCác đại biểu chụp ảnh tại phiên khai mạc Hội thảo

Hội thảo là diễn đàn khoa học dành cho các nhà toán học và các nhà chuyên môn, nhà quản lý ứng dụng mô hình hoá toán học chia sẻ các ý tưởng, phương pháp và kết quả mới về lĩnh vực mô hình hoá toán học trong biến đổi khí hậu và môi trường.

Ngô Bảo Châu, Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán phát biểu khai mạc Hội thảo trực tuyến từ Chicago, Mỹ

GS.TS. Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Khí Tượng Thuỷ Văn, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường phát biểu tại Lễ khai mạc

 

GS Edmond Dounias, Trưởng Văn phòng IRD tại Việt Nam và Philippines, Pháp phát biểu tại Lễ khai mạc

Hội thảo diễn ra trong 02 ngày 21-22/10/2022. Chương trình hội thảo bao gồm 19 báo cáo mời của các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế: Mỹ, Pháp, Anh và Hàn Quốc với các hướng nghiên cứu và ứng dụng đa dạng như các vấn đề về hệ động lực dòng chảy, vận chuyển bùn cát, trầm tích, ô nhiễm nước, xâm nhập mặn, các vấn đề thiên tai (khí tượng thuỷ văn, ngập lụt,...) và tính dễ bị tổn thương của khu vực đô thị và vùng đồng bằng, vấn đề sử dụng đất dưới tác động của điều kiện môi trường và biến đổi khí hậu và các vấn đề dịch bệnh như Covid-19, cúm, sốt xuất huyết,... 

 

GS. Jaepil Cho, Integrated Watershed Management Institute, Hàn Quốc

GS. Marc Choisy, OUCRU, Vương Quốc Anh

GS. Nguyễn Hữu Dư, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN

GS. Phan Văn Tân, Trường ĐHKHTN - ĐHQG Hà Nội

PGS. Nguyễn Hữu Trí, Viện IRD, Pháp

Hội thảo liên ngành với sự tham dự của các chuyên gia đến từ các lĩnh vực khác nhau: các chuyên gia về thuỷ lợi, khí tượng thuỷ văn có dịp tìm kiếm những giải pháp mới, kỹ thuật mới/sâu sắc về mặt toán học để giải quyết các bài toán của mình, ở chiều ngược lại các nhà toán học có những hình dung rõ nét hơn về những ứng dụng đẹp đẽ từ những công việc cụ thể của các nhà chuyên môn (thuỷ lợi, khí tượng thuỷ văn),  trao đổi và tìm hiểu các bài toán thực tế để phát triển nghiên cứu công cụ toán học giải quyết những vấn đề cụ thể đó.     

Đặc biệt, Hội thảo dành 01 phiên khoa học về Mô hình hoá tương tác để những người tham gia Hội thảo có thể trực tiếp tham gia và tương tác với các mô hình. Mô hình nhằm mục đích nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề ô nhiễm chất thải sinh hoạt và tác động của nó đối với hệ thống thủy lợi. Mô hình cũng tạo không gian cho các ý tưởng sáng tạo để cải tiến và thúc đẩy đối thoại xã hội giữa các bên liên quan khác về vấn đề ô nhiễm.

Phiên Khoa học về Mô hình hoá tương tác do Trung tâm xuất sắc về Tính toán nâng cao cho Khoa học bền vững-Across, TLU Việt Nam và Viện IRD Pháp điều khiển 

Đại biểu tham dự tại Hội thảo

Ngay trước thềm hội thảo là Khoá học về Hệ động lực chất lỏng và Hệ động lực ứng dụng trong quần thể sinh thái và môi trường được tổ chức vào ngày 20/10/2022 nhằm giới thiệu một số kiến thức toán học quan trọng được sử dụng trong giải quyết các bài toán và dự án thực tế. Các khoá học do các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm tại các trường đại học uy tín trong nước cũng như trên thế giới như Hàn Quốc, Mỹ: GS. Nguyễn Văn Thịnh, SNU, Hàn Quốc; TS. Trịnh Quang Toàn, Trường ĐH UC Davis, Mỹ; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Doanh, ACROSS, TLU,Việt Nam & IRD,Pháp và TS. Nguyễn Phương Thuỳ, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội triển khai các dự án thực tế trong nước và quốc tế giảng dạy.

GS. Nguyễn Văn Thịnh, ĐHQG Seoul, Hàn Quốc giảng bài tại chuỗi bài giảng 

 

PGS. Nguyễn Ngọc Doanh, Trường Đại học Thủy Lợi giảng bài tại chuỗi bài giảng

Song song với Hội thảo từ ngày 19-23/10/2022 là Triển lãm các mô hình toán học hướng tới các vấn đề phát triển bền vững. Trong khuôn khổ triển lãm có 05 mô hình khác nhau về ứng dụng của toán học trong biến đổi khí hậu và môi trường. Mô hình 1- HoanKiem Air; Mô hình 2-Lan toả chất độc dioxin tại sân bay Biên Hoà; Mô hình 3-Mô hình mô phỏng sự cố môi trường; Mô hình 4-Mô hình hỗ trợ quản lý hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải; Mô hình 5-Mô hình thuỷ lực trên hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải.

Sinh viên hào hứng tham dự triển lãm mô hình toán học

Hội thảo cũng dành một phiên Thảo luận bàn tròn gồm các chuyên gia hàng đầu về các công cụ khoa học tính toán và ứng dụng trong nghiên cứu về biến đổi khí hậu và môi trường, các vấn đề liên quan đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, công bố quốc tế và hợp tác liên ngành...  tiến tới việc thành lập Mạng lưới mô hình hoá trong nghiên cứu về biến đổi khí hậu và môi trường tại Việt Nam được bảo trợ bởi Viện NCCCT. Theo ý kiến của các chuyên gia và những người tham dự, việc thành lập mạng lưới mô hình hoá trong biến đổi khí hậu và môi trường là hết sức cần thiết trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực quan trọng này. Theo đó, mạng lưới sẽ đóng vai trò (1) thúc đẩy các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau sử dụng công cụ toán học trong các nghiên cứu của mình, liên kết và hợp tác liên ngành giữa các nhà toán học và các nhà chuyên môn ngoài toán để triển khai các nghiên cứu đạt kết quả trọn vẹn hơn; (2) hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực mô hình hoá (nhất là mô hình hoá toán học).

 

 Từ trái qua phải: GS. Nguyễn Xuân Hùng, Viện trưởng Viện CIRTech, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM; PGS. Nguyễn Tiền Giang, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN; TS. Đinh Thị Hải Vân, Học viện Nông nghiệp Việt Nam; PGS. Phạm Song, Trường Đại học Công nghiệp Miền Đông; PGS. Nguyễn Ngọc Doanh, Trường Đại học Thủy Lợi

GS. Phan Văn Tân có những phát biểu tâm huyết về tính cấp thiết và những điểm mấu chốt thành lập Mạng lưới Mô hình hoá cho Biến đổi khí hậu và Môi trường

Những hoạt động khoa học trên cũng nhằm thúc đẩy ứng dụng toán học dành riêng cho Năm Quốc tế Khoa học cơ bản vì Phát triển bền vững 2022 của UNESCO và Liên hợp quốc.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS. Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Khí Tượng Thuỷ Văn, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường nhấn mạnh: Công tác dự báo khí tượng thủy văn thì đều cần tới công cụ Toán học. Dự báo về Thủy văn, lũ, ngập lụt, lũ quét sạt lở đất, hải văn, biển đều là bài toán quy mô lớn và cần công cụ toán học vào loại nhất trong các lĩnh vực trên thế giới.

Ông cũng nhấn mạnh vai trò của ứng dụng toán học là hết sức cần thiết với khí tượng thủy văn, và Toán học đóng vai trò quyết định thành công trong tương lai của ngành thủy văn khi chúng ta ứng dụng các công nghệ mới như rada, ảnh vệ tinh, công nghệ máy bay không người lái, quan sát từ xa kết hợp quan trắc bề mặt… Hiện nay, khi đất nước đang chuyển dần sang công nghiệp 4.0 thì sự kết hợp mang tính liên ngành và ứng dụng từ toán học, tin học, điện tử viễn thông trong lĩnh vực khí tượng thủy văn nói riêng và ứng dụng liên ngành nói chung đang là một hướng đi đúng.

Hội thảo thu hút trên 250 người tham dự trực tiếp, trong đó có 165 người đồng thời tham dự chuỗi bài giảng vào ngày 20/10/2022.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

 

 PGS. TS. Lê Minh Hà phát biểu khai mạc triển lãm 

 Sinh viên tham gia chuỗi bài giảng và triển lãm

Tin bài liên quan đến Hội thảo:

  1. https://vtc.vn/ung-dung-mo-hinh-toan-trong-bien-doi-khi-hau-va-moi-truong-ar709071.html?gidzl=pso6HUYp04pCUeP0xge9GyjuZqtngWz7t2ZT6wwjN13SVeqO-gi95DqfZ1ghh5eJZtZPIZCKvxSwwh88IW
  2. https://nongnghiep.vn/ung-dung-mo-hinh-hoa-toan-hoc-trong-bien-doi-khi-hau-va-moi-truong-d335200.html
  3. https://danviet.vn/ung-dung-mo-hinh-toan-hoc-trong-bien-doi-khi-hau-va-moi-truong-20221021141019596.htm
  4. https://vov2.vov.vn/giao-duc-dao-tao/mo-hinh-toan-trong-bien-doi-khi-hau-va-moi-truong-38177.vov2