Ngày hội Toán học mở (MOD) 2017 với chủ đề “Mùa Toán - Từ những chiều ẩn giấu” đã được Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) đã tổ chức thành công vào ngày 13/8/2017 tại Hội trường C2, Đại học Bách khoa Hà Nội, với sự đồng hành và phối hợp của các đơn vị Học viện sáng tạo S3, Trung tâm toán tư duy POMATH, CLB Học toán cùng Jenny và ISkool Academy, UberMath, Sputnik Education, Nhóm toán tin MaSSP, Trung tâm Toán và Khoa học Hexagon và TS Djordje Baralic – nghiên cứu viên đang làm việc tại VIASM.
Ngày hội Toán học mở 2017 gồm hai nhóm hoạt động chính. Các hoạt động khoa học gồm có Tọa đàm “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3,141592654….” được tổ chức vào chiều 12/8/2017 trong khuôn khổ Lễ Công bố thưởng công trình và cấp học bổng cho học sinh, sinh viên, như là một hoạt động khởi động cho Ngày hội. Khách mời của cuộc Tọa đàm là những nhà khoa học như GS Ngô Bảo Châu, GS Dương Nguyên Vũ hoặc đồng thời là doanh nhân có tiếng như PGS Phan Toàn Thắng, nhà đồng sáng lập tập đoàn Cellresearch Corp, tập đoàn y sinh với gần 50 bằng sáng chế trong lĩnh vực tế bào gốc có trụ sở tại Singapore và được định giá hơn 1 tỷ đô la, và ông Trương Gia Bình, người sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn FPT, người có vai trò quan trọng trong công cuộc kiến tạo nền công nghệ Việt Nam trong suốt 30 năm qua. Sáng ngày 13/8 là Hội thảo về giáo dục toán học với chủ đề “Toán học không xa cách”, trong đó GS Dương Nguyên Vũ nói về Thống kê trong các hành vi xã hội học; PGS Chu Cẩm Thơ nói về cách giúp trẻ “chạm” vào toán để yêu toán hơn; GS Đỗ Đức Thái nói về những ý tưởng chính trong xây dựng chương trình môn Toán của chương trình giáo dục phổ thông mới. Buổi chiều là chuỗi bài giảng đại chúng với các bài giảng của GS Ngô Bảo Châu (Tính tổng phân kỳ), PGS Nguyễn Ái Việt (Khám phá những chiều không-thời gian ẩn giấu) và PGS Lê Anh Vinh (Học Toán và dạy Toán).
Các trò chơi Toán học được tổ chức song song với các hoạt động khoa học. Các đơn vị phối hợp nội dung đã đưa người tham dự trải nghiệm những cung bậc khác nhau của Toán học. Các hoạt động tiêu biểu gồm có: Triển lãm về các ứng dụng của toán học trong đời sống với chủ đề “Những khoảnh khắc ẩn” (đây là một trong các hoạt động hợp tác giữa VIASM và Hội Toán học Mỹ AMS); Lễ trao giải cuộc thi “Tôi & Toán học” do Tạp chí Pi (Hội Toán học Việt Nam) tổ chức; các trải nghiệm toán học “Đo thế giới” (Học viện sáng tạo S3); “Chạm vạn vật” (Trung tâm toán tư duy POMATH); “Mê cung Math-go-round” (CLB Học toán cùng Jenny và ISkool Academy); “Landlords and Investors” (UberMath); “Toán học và Nghệ thuật” (Sputnik Education); “Cinderella ở Xứ Toán” (TS Djordje Baralic); “Vườn toán” (Nhóm toán tin MaSSP); “Thử thách toán học” (Trung tâm Toán và Khoa học Hexagon).
Ngoài ra, đến tham gia Ngày hội còn có các đơn vị phát hành sách và tạp chí: Alpha Books & ETS, Long Minh & Gara Creative, Sputnik Education, POMath và Tạp chí Pi.
Ngày hội đã thu hút hơn 1000 người tham dự đến từ rất nhiều các vùng miền khác nhau, trong đó có sự quan tâm của một số trường quốc tế như Trường song ngữ quốc tế Horizon, Trường liên cấp song ngữ BBF Việt Nam, Trường PTLC Gateway,... Có nhiều trường ở xa đã tổ chức xe đưa học sinh đến tham dự Ngày hội như Trường THCS Đông La-Hoài Đức, Trường THPT Minh Phú-Sóc Sơn, Trường THPT 19-5-Hòa Bình, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn-Lào Cai, Trường THPT Thái Phiên-Hải Phòng, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn-Quảng Trị, Trường THPT chuyên Bắc Kạn, Trường THPT chuyên Bắc Ninh,… Bên cạnh đó, có những cá nhân đặc biệt như một bạn nhỏ được bố mẹ đưa từ cao nguyên đá Hà Giang xuống tham gia Ngày hội, hay một bác trai 58 tuổi, đại tá quân đội, đã rất hào hứng từ Phú Thọ xuống để nhận giải cuộc thi “Tôi & Toán học”,… Điều đó cho thấy sức hút của MOD 2017 cũng như sự quan tâm của cộng đồng, từ khắp các vùng miền, nhiều thành phần, ở mọi lứa tuổi, đến các hoạt động học tập, vui chơi, trải nghiệm và giáo dục toán học. Chúng ta có quyền hy vọng về một tương lai phát triển của giáo dục Toán học Việt Nam.