Tọa đàm “Giáo dục Toán học ở Việt Nam: những vấn đề cấp bách”

TS. Trần Nam Dũng, ủy viên BCH Hội toán học Việt Nam khóa IX viết: 
 Sáng 11/8/2023, trong khuôn khổ Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ X, sau bài giảng truyền cảm hứng của GS Vũ Hà Văn “Matrix Completion and Random Perturbation” đã diễn ra tọa đàm bàn tròn “Giáo dục Toán học ở Việt Nam: những vấn đề cấp bách”.
Tọa đàm đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các đại biểu dự Hội nghị, trong đó có các GS là trụ cột của các tiểu ban: GS Ngô Việt Trung, GS Đinh Dũng, GS Phùng Hồ Hải, GS Đinh Tiến Cường, GS Phan Thành Nam, GS Nguyễn Trọng Toán … 200 đại biểu, trong đó bao gồm giáo viên THPT và THCS của Đà Nẵng cũng tham dự tọa đàm.
PGS.TS Lê Minh Hà, GĐ Viện nghiên cứu cao cấp về toán phát biểu khai mạc, giới thiệu chủ tọa của buổi tọa đàm gồm: GS.TSKH Đỗ Đức Thái, khoa Toán trường ĐHSP HN, tổng chủ biên môn Toán chương trình giáo dục phổ thông 2018; PGS.TS Tạ Duy Phượng, Viện toán học, nhà nghiên cứu lịch sử toán học Việt Nam; PGS.TS Trần Kiêm Minh, trưởng khoa Toán-Tin học trường ĐHSP Huế; TS. Trần Nam Dũng, giảng viên khoa Toán-Tin học trường ĐHKHTN, ĐHQG-HCM, nguyên phó hiệu trưởng trường PTNK, ĐHQG-HCM.
GS Đỗ Đức Thái phát biểu đề dẫn nêu ra 3 chủ đề của tọa đàm, tóm tắt lại là Giáo dục toán học ở trường phổ thông trong bối cảnh triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; Giáo dục toán học ở trường đại học trong bối cảnh các trường đại học chuyển sang cơ chế tự chủ và Giáo dục toán học ở các trường chuyên trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
GS Thái cũng đã nêu ra một số vấn đề như là vấn đề đánh giá và thi. Ông nói rằng nếu không thay đổi cách đánh giá, cách thi thì mọi cái hay của chương trình mới sẽ không được phát huy, mọi thứ sẽ bị trì trệ bởi kinh nghiệm chủ nghĩa, bởi kiểu dạy không hướng đến tư duy, kiến thức mà hướng đến điểm cao. Ông cũng cho rằng cần có xác lập rõ chuẩn đầu ra của chương trình vì trong bối cảnh có 3 (thậm chí nhiều hơn) bộ sách giáo khoa, vấn đề kiểm tra, đánh giá sẽ không thể dựa vào sách giáo khoa.
Sau lời phát biểu đề dẫn của GS Đỗ Đức Thái, GS Phùng Hồ Hải đăng đàn với một ý kiến đầy tỉnh táo. Ông nói rằng mặc dù ông là người phản đối sử dụng trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia nhưng ông cho rằng đây không phải lúc chúng ta tranh cãi “Trắc nghiệm hay không trắc nghiệm”. Khi đã chọn rồi, chốt rồi thì gắng làm sao làm cho tốt. Đề thi hiện nay được biên soạn chưa tốt, chưa đúng với các chuẩn mực của đề thi trắc nghiệm, quá thiên về kỹ thuật. Hội toán học Việt Nam có đủ uy tín chuyên môn để nhận lãnh trách nhiệm này.
Các giáo viên trung học cũng có ý kiến nêu ra một số băn khoăn. Thứ nhất là có nhiều bộ sách giáo khoa sẽ gây khó khăn cho học sinh khi chuyển trường, gây khó khăn cho các trường hay cụm trường khi ra đề thi chung. Thứ hai, việc tập huấn sử dụng sách giáo khoa được tổ chức chưa thực sự hiệu quả vì đa số làm dưới hình thức online, ít tương tác. Thứ ba, các công cụ (như máy tính Casio, phần mềm Geogebra …) được giới thiệu trên các phiên bản cụ thể, gây khó khăn cho HS và GV khi sử dụng các phiên bản khác. Thứ tư, chương trình nói là giảm tải nhưng thực tế không phải vậy, ví dụ phần lượng giác thì 3 chương: công thức lượng giác, hàm số lượng giác và phương trình lượng giác gộp thành 1, thế thì giảm tải gì?
Các chủ tọa đã lần lượt trả lời các câu hỏi. Thứ nhất, chúng ta phải dần quen với khái niệm một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, lấy chuẩn đầu ra làm chuẩn trong dạy, học và đánh giá, các nước như Mỹ, Singapore, Nga, … đều có rất nhiều bộ sách giáo khoa (thậm chí lên con số trăm) nhưng họ vẫn vận hành ổn. Thứ hai, việc tập huấn sử dụng sách giáo khoa, nếu chỉ trông cậy vào các tác giả F0 thì không thể đủ thời gian đi tập huấn, vì vậy, sẽ phải có các báo cáo viên F1, lấy từ giảng viên các trường đại học cùng tham gia và thực tế nhà xuất bản giáo dục đã thực hiện việc này. Về vấn đề công cụ, các chủ tọa cho rằng các giáo viên, học sinh cần phải có năng lực tự học, tự nghiên cứu để kịp thích ứng với những thay đổi. Cuối cùng, về vấn đề giảm tải, chủ tọa cho rằng giáo viên cần đọc kỹ các yêu cầu cần đạt để thấy sự giảm tải rõ rệt. Lượng giác sẽ không còn là nỗi kinh hoàng của học sinh mà là một khái niệm rất gần gũi, quen thuộc và có nhiều ứng dụng thực tiễn.
GS Đinh Dũng nổ phát súng đầu tiên cho phần thảo luận về giáo dục toán học trong trường đại học. Ông nói rằng ông cảm thấy rất ngạc nhiên và bất ngờ khi biết một số trường đại học không trong khối toán (chẳng hạn trường đại học cầu đường của địa phương X) đã rút ngắn số chứng chỉ toán trong chương trình từ 10 còn 3, tức là tổng cộng 45 tiết toán. Đó là một sự cắt giảm hết sức tùy tiện, thiếu cơ sở khoa học, được giải thích bằng khái niệm “tự chủ về chương trình”. Ông đề xuất cần có một nghiên cứu đầy đủ về thực trạng dạy toán ở các trường không trong khối toán ở VN, cũng như đối sánh với các chương trình toán cho các trường không toán ở nước ngoài.
GS Ngô Việt Trung tiếp lời GS Đinh Dũng nói rằng một số trường y cũng rút ngắn nội dung toán xuống 45 tiết, có ngành chỉ 30 tiết thậm chí 15 tiết. Không biết rằng có ai dám đi lên cây cầu do kỹ sư học 45 tiết toán thiết kế? Không biết có ai dám cho bác sĩ học 45 tiết toán mổ? Ông cho rằng hiện nay việc duyệt chương trình đào tạo không được coi trọng, các ý kiến đánh giá ngoài nếu có chỉ là 1 phiếu khi bỏ phiếu thông qua. Ông cho biết, trong nhiều cuộc họp thông qua chương trình, dù ông có ý kiến phản đối nhưng quyết định vẫn được thông qua theo ý kiến số đông. Ông khẳng định nhiều khi số đông không phải là chân lý. Ông đề xuất khi các trường muốn thông qua chương trình phải có ý kiến đồng ý của các Hội chuyên môn, và các ý kiến đó phải mang tính phủ quyết.
Các GS làm việc ở các trường ĐH nước ngoài như GS Đinh Tiến Cường, GS Phan Thành Nam, GS Nguyễn Trọng Toán góp ý rằng ở nước ngoài, tại các trường kỹ thuật, nội dung toán luôn được coi trọng và dành cho một thời lượng phù hợp: giải tích, đại số tuyến tính, thống kê và xác suất là các môn học thông dụng nhất.
TS. Trần Nam Dũng khởi đầu phần thảo luận về mảng giáo dục chuyên toán do PGS.TS Tạ Duy Phượng chủ trì. Ông nói rằng việc đầu tiên cần làm là biên soạn SGK chuyên toán trên cơ sở chương trình chuyên môn Toán 2018 đã được thông qua. Việc này cần sự tham gia của Hội toán học Việt Nam, của Viasm và Viện toán học Việt Nam. Các nhà toán học phải xông pha làm việc với trẻ em, viết sách cho chúng, nói chuyện với chúng, thế mới mong có nhiều Ngô Bảo Châu, Đào Hải Long, Đinh Tiến Cường, Lê Hùng Việt Bảo, Ngô Quý Đăng … hơn. Thứ hai, cần phải đào tạo đội ngũ kế cận, cần phải tạo điều kiện, đặt niềm tin vào lớp trẻ. Người lớn tuổi có kinh nghiệm, còn người trẻ có sự nhiệt tình, nhiệt huyết và đặc biệt là có nhu cầu và khả năng sáng tạo. Thứ ba, chất lượng của đề thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng như đề thi chọn học sinh giỏi các cấp chưa đồng đều. Có những đề thi quá dễ, như đề đại trà, có những đề thi lại quá đánh đố, gây cảm giác phải luyện thi mới làm được. Cả hai điều này đều tai hại, không khuyến khích việc tìm tòi, học hỏi của học sinh.
GS Đinh Tiến Cường có câu hỏi chất vấn là liệu cách thức tuyển chọn vào lớp 10 hiện nay có bỏ sót nhân tài, và có phải các trường chuyên hiện nay chỉ lo cho tốp trên? Ông cũng nêu ý kiến là nên tổ chức các lớp học online để cho các học sinh ở mọi miền đều có thể tham gia.
TS. Trần Nam Dũng trả lời, không thể nói là thi tuyển sẽ không bỏ sót nhân tài nhưng hiện nay đây là cách khả dĩ nhất. Một số trường cũng đã và đang xây dựng các quy chế cho phép tuyển thẳng một học sinh mà không qua thi tuyển. Về vấn đề các trường chỉ chú ý tốp trên, ông cho rằng không hẳn như thế, ngoài các thành tích thi HSG, các trường chuyên, ở các mức độ khác nhau đều chú ý đến toàn thể học sinh của trường, định hướng và hỗ trợ cho học sinh thực hiện được dự định của mình. Cuối cùng, về vấn đề dạy online, TS. Dũng nói ông sẽ tiếp thu và triển khai ở mức độ Hội toán học Việt Nam (trước đây ông và các cộng sự đã từng tổ chức Gặp gỡ toán học online, trường Đông online và các lớp toán cho Tây Bắc, cho miền Tây …).
GS. Đỗ Đức Thái chốt lại chủ đề thứ ba, cũng là chủ đề cuối cùng của Tọa đàm. Ông đề xuất Hội toán học Việt Nam sẽ tham gia một cách tích cực vào các công việc chính sau đây: 1) Viết sách giáo khoa chuyên toán theo chương trình mới 2) bồi dưỡng giáo viên, xây dựng đội ngũ kế cận 3) xây dựng ngân hàng đề thi tuyển sinh và đề thi HSG quốc gia các cấp. Có thể học tập kinh nghiệm từ Nga về vấn đề này. Cuối cùng là tổ chức các khóa học online cho các em học sinh THPT.
Buổi tọa đàm kết thúc lúc 12:23 cùng ngày.

Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm:
https://drive.google.com/drive/u/0/folders/1IIcBnQkzscSjTFnENr-nAJYSbQgjFUk7