Trường hè sinh viên thực tập nghiên cứu khoa học đợt 1 từ 24-29/6/2024 tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (Viện NCCCT) đã xét duyệt 52 học viên trên cả nước tham dự. Trong 8 tuần làm việc tiếp theo của đợt 2 (từ ngày 01/7-23/8/2024), học viên đã làm việc trực tiếp với giảng viên theo từng chuyên đề riêng biệt. Học viên được làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp với giảng viên và báo cáo kết quả đã thực hiện sau mỗi tuần. Sau khi đợt 1 và đợt 2 kết thúc, 11 giảng viên hướng dẫn của Trường hè đã chọn ra 22 học viên xuất sắc để trình bày kết quả nghiên cứu tại Trường hè sinh viên nghiên cứu khoa học đợt 3 được tổ chức trực tiếp tại Trường ĐH Xây dựng Miền Trung, trong thời giantừ ngày 26-30/8/2024.
Phát biểu khai mạc tại Trường hè Sinh viên thực tập nghiên cứu khoa học đợt 3, PGS.TS. Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành Viện NCCCT trân trọng cảm ơn ban tổ chức địa phương Trường ĐH Xây dựng Miền Trung đã hỗ trợ công tác tổ chức của Trường hè, đồng thời chúc mừng các bạn học viên xuất sắc nhất đã được lựa chọn tham gia báo cáo đợt này. Sau 2 tháng làm việc liên tục, các bạn học viên đã nghiên cứu và tóm tắt bài báo theo yêu cầu của thầy hướng dẫn, cũng như cùng thầy tìm ra một vài điểm mới trong các bài toán đã có. Học viên dần được tiếp xúc với quá trình nghiên cứu toán học chuyên nghiệp. Trường hè đợt 3 tạo điều kiện để học viên trình bày trực tiếp các kết quả đã đạt được cũng như cùng lắng nghe các báo cáo chuyên đề của các nhóm khác. Tuy mỗi sinh viên quan tâm đến một chủ đề riêng, nhưng việc lắng nghe toàn bộ các chuyên đề sẽ giúp học viên hiểu rộng hơn về nhiều ngành và có thể giúp ích cho công việc mỗi người trong tương lai.
PGS.TS. Lê Minh Hà phát biểu khai mạc Trường hè VIASM-REU
Trong lời phát biểu chào mừng, TS. Phan Văn Huệ, Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Miền Trung vui mừng chào đón Ban tổ chức, Ban chương trình, các giảng viên đang làm việc trong và ngoài nước cùng các bạn sinh viên tham dự Trường hè. Trường ĐH Xây dựng miền Trung với bề dày gần 50 năm thành lập, tuy không phải là trường chuyên ngành Toán nhưng luôn quan tâm tới các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên. Trường ĐH Xây dựng Miền Trung có thể học tập được nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức Trường hè Sinh viên thực tập nghiên cứu khoa học.
Phan Văn Huệ, Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Miền Trung phát biểu tại Trường hè
Ban Tổ chức, giảng viên và học viên chụp ảnh lưu niệm
Sau chương trình khai mạc, Trường hè bắt đầu với bài trình bày ngắn gọn của PGS.TS Trần Giang Nam (Viện Toán học) về “On irreducible representations of Leavitt path algebras”. Hai sinh viên của nhóm là em Võ Kế Hoàng và Dương Đức Lộc đã tiếp nối với bài trình bày về “Module đơn Chen trên đại số đường đi Leavitt”.
Báo cáo tiếp theo của nhóm TS. Nguyễn Phước Tài (ĐH Masaryk, CH Séc) do sinh viên Lý Trường Giang và Khưu Tấn Đạt trình bày về chủ đề “Existence Results for Semilinear Fractional Elliptic Equations” nói về việc chứng minh sự tồn tại nghiệm của các loại phương trình phi tuyến elliptic từ dạng cơ bản đến tổng quát như phương trình với tham số phi tuyến u^p, tham số phi tuyến tổng quát và dừng lại ở phương trình tựa tuyến tính với toán tử Laplace phân số. Việc chứng minh sự tồn tại nghiệm sử dụng phương pháp đơn điệu và phương pháp điểm bất động.
Báo cáo “Statistical Mechanics on Trees” dưới sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Tuấn Minh (ĐH Monash, Úc) do 2 sinh viên Nguyễn Việt Đức và Lê Bá Tư Duy trình bày về Một số mô hình xác suất trên đồ thị dạng cây cố định và ngẫu nhiên. Sử dụng phương pháp mạng điện, phương pháp năng lượng, lý thuyết martingale và tận dụng mối liên hệ giữa các mô hình xác suất, khác nhau bài báo cáo đã chứng minh lại một vài kết quả kinh điển liên quan tới chuyển pha transient-recurrent của mô hình bước đi ngẫu nhiên và hiện tượng thẩm thấu hoàn toàn trên cây.
Qua quá trình làm việc dưới sự hướng dẫn của Thầy Hà Tuấn Dũng (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2), hai sinh viên Thiều Đình Minh Hùng và Trần Ngọc Hiếu đã tìm hiểu về phương pháp sử dụng nguyên lý cực đại trong việc xây dựng ước lượng gradient thông qua một phương trình cụ thể – phương trình song điều hòa với số mũ âm trong Rn. Đặc biệt, đối với trường hợp n=3 nhóm đã đưa ra một cải thiện cho chặn trên của hằng số có trong kết quả chính của (F. Chen, J. Chen, and W. Ruan, 2023).
Trong báo cáo về “Mở rộng ánh xạ bi-Lipschitz nửa đại số”, nhóm sinh viên dưới sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Xuân Việt Nhân (Trường ĐH FPT Đà Nẵng) trình bày về nội dung: Cho f:Δ→R 2 là một ánh xạ bi-Lipschitz nửa đại số với là đường tròn hoặc là một đoạn thẳng đóng. Bài báo cáo trình bày cách xây dựng một mở rộng f:R 2 → R 2 của f sao cho f cũng bi-Lipschitz và nửa đại số. Bài toán mở rộng trên đường tròn có thể được thực hiện dựa trên một kết quả của Daneri and Pratelli. Trong báo cáo này, nhóm trình bày và chứng minh bài toán mở rộng trên một đoạn thẳng đóng, sử dụng một số kết quả về tập nửa đại số và Định lý mở rộng ánh xạ trên đường tròn của Daneri và Pratelli.
Báo cáo “EM Algorithm for Data imputation” do nhóm sinh viên thứ nhất1của PGS.TS. Nguyễn Thanh Bình (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP Hồ Chí Minh) trình bày tổng quan về những vấn đề liên quan đến khuyết thiếu dữ liệu, thuật toán EM, ví dụ minh họa với dữ liệu có phân phối chuẩn và dữ liệu thực tế. Kết quả thực nghiệm trong bài báo cáo được tính toán thông qua ngôn ngữ lập trình Python. Ngoài ra, bài báo cáo cũng chỉ ra vấn đề với những dữ liệu dạng văn bản, đưa ra những giải pháp khả quan.
Nhóm sinh viên thứ hai dưới sự hướng dẫn của thầy Bình báo cáo về “Breast cancer detection overview and some proposals”. Một báo cáo tập trung vào phát hiện ung thư vú bằng phương pháp học máy - dùng mô hình phân loại ResNet50 kết hợp SVM, KNN, MLP và Fine-tuning trên mạng với hai bộ dữ liệu: bệnh viện Thống Nhất và CBIS – DDSM. Tuy nhiên hiệu suất chưa đạt như kỳ vọng do mất cân bằng và kích thước dữ liệu hạn chế; đề xuất các giải pháp cải thiện bằng cách gán nhãn dữ liệu bổ sung, xử lý mất cân bằng dữ liệu, và phát triển phương pháp phân đoạn ảnh (Segmentation). Bài báo cáo còn lại tập trung vào phát hiện ung thư vú bằng phương pháp học máy (Machine Learning) và học sâu (Deep Learning) - sử dụng ResNet50 với nhiều thiết lập như kết hợp với mô hình SVM, KNN, MLP hay tinh chỉnh (Fine-tuning) toàn bộ mạng với hai bộ dữ liệu khác nhau: bộ dữ liệu Việt Nam từ bệnh viện Thống Nhất và bộ dữ liệu CBIS – DDSM công khai.
Bài báo cáo của nhóm sinh viên dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Lương Đăng Kỳ (Trường ĐH Quy Nhơn) về Hằng số “tốt nhất” cho phép nhúng Lr (Rn )⊂ Lp (Rn)+Lq (Rn ) kết thúc các bài báo cáo của sinh viên tại Trường hè Sinh viên Nghiên cứu khoa học đợt 3.
Một bài giảng mời đặc biệt từ TS. Phạm Tuấn Huy (ĐH Stanford, Hoa Kỳ) về chủ đề “Số học công tính từ góc nhìn tổ hợp” đã đem lại nhiều thông tin đầy đủ thú vị cho người nghe. Trong báo cáo này, TS. Phạm Tuấn Huy đã trình bày cách tiếp cận mới để giải quyết các bài toán số học bằng các công cụ tổ hợp học hiện đại.
Phạm Tuấn Huy trình bày bài giảng mời tại Trường hè
Trải qua 1 tuần làm việc sôi nổi, Ban Tổ chức đã lựa chọn và trao giải thưởng cho Trường hè Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2024 gồm:
- Giải nhất dành cho 2 sinh viên Trần Ngọc Hiếu và Thiều Đình Minh Hùng (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội), thuộc nhóm thầy Hà Tuấn Dũng hướng dẫn.
- Giải nhì dành cho nhóm nghiên cứu gồm 03 sinh viên Lã Quang Hải (Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông), Lê Hồng Cát (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh) và Vũ Phương Anh (Trường ĐH Tân Tạo), thuộc nhóm thầy Nguyễn Thanh Bình hướng dẫn.
- Giải ba (6 cá nhân):
- Nguyễn Việt Đức (Trường ĐH Fulbright)
- Võ Kế Hoàng (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP. HCM)
- Nguyễn Thị Hòa Thái (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)
- Nguyễn Thành Nhân (Trường ĐH An Giang, ĐH Quốc gia TP. HCM)
- Lý Trường Giang (Trường ĐH Tôn Đức Thắng)
- Đỗ Tiền Hải (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP. HCM)
Trường hè Sinh viên thực tập nghiên cứu khoa học đợt 3, năm 2024 đã thành công rực rỡ, tạo ra môi trường học thuật lý tưởng để các bạn học viên xuất sắc từ khắp nơi trên cả nước được giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm và bước tập sự nghiên cứu khoa học. Các báo cáo kết quả nghiên cứu đã thể hiện rõ sự nỗ lực và tiến bộ đáng kể của sinh viên dưới sự hướng dẫn tận tình của các giảng viên, cũng như khả năng tư duy khoa học, phân tích và giải quyết vấn đề. Các sinh viên đã tiến bộ qua từng đợt học tập, không chỉ trau dồi kiến thức chuyên môn mà còn có cơ hội phát triển các kỹ năng quan trọng như thuyết trình, làm việc nhóm và tư duy phản biện.
Trường hè Sinh viên thực tập nghiên cứu khoa học năm 2024 của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán không chỉ góp phần thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên mà còn khẳng định tầm quan trọng của việc kết nối các trường đại học, giảng viên và sinh viên trong việc góp phần thúc đẩy và phát triển nền khoa học trẻ của Việt Nam.
Một số hình ảnh tiêu biểu tại Trường hè:
BTC tặng quà lưu niệm cho giảng viên trường hè
Phan Thành Nam (ĐH Munich, Đức) phát biểu
Báo cáo đề dẫn của PGS. TS. Trần Giang Nam
Bài trình bày của Sinh viên Võ Kế Hoàng
Báo cáo đề dẫn của PGS. TS. Nguyễn Phước Tài
Bài trình bày của Sinh viên Lý Trường Giang
Bài trình bày của Sinh viên Thiều Đình Minh Hùng và Trần Ngọc Hiếu
Tăng Quốc Bảo giới thiệu về phần trình bày của các sinh viên trong nhóm
Giảng viên và học viên Trường hè thăm cơ sở mới của Trường ĐH Xây dựng miền Trung
Ban Tổ chức và giảng viên trao giấy chứng nhận cho sinh viên