Trong thời gian từ ngày 10-15/03/2025, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán phối hợp cùng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Viện Toán học và Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo Toán học quốc tế - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đồng tổ chức Trường xuân và Hội thảo “Giải tích biến phân và Tối ưu hóa 2025”. Hoạt động cũng nhận được tài trợ từ Quỹ đổi mới sáng tạo VinIF, tập đoàn VinGroup
Chuỗi sự kiện này nhằm mục đích tạo ra một diễn đàn quốc tế rộng lớn để trình bày các nguyên lý cơ bản của lý thuyết phân tích biến phân và tối ưu hóa, để trao đổi các kết quả và ý tưởng mới trong lĩnh vực này. Trường xuân và Hội thảo chào đón 59 giảng viên và diễn giả đến từ 17 quốc gia là các học giả nổi tiếng quốc tế đã đến tham gia giảng bài và báo cáo tại sự kiện. Tham dự Trường xuân và Hội thảo có gần 200 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến (165 đại biểu tham dự trực tiếp).
PGS.TS. Lê Minh Hà - Giám đốc điều hành VIASM phát biểu khai mạc Trường xuân và Hội thảo
Ngoài 16 bài giảng tại Trường xuân, còn có 02 bài giảng đại chúng được tổ chức nhân Ngày Toán học quốc tế 14/3 tại VIASM và Trường Đại học Ngoại thương (FTU). Hội thảo có 40 báo cáo mời, và 10 báo cáo đóng góp của các diễn giả đến từ 17 quốc gia đã được trình bày. Các bài giảng và báo cáo đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, thu hút được sự chú ý và thảo luận sôi nổi của đại biểu tham dự.
GS. Boris S. Mordukhovich (Wayne State University, Mỹ) giảng bài tại Trường xuân
Sáng ngày 13/03/2025, GS. Boris S. Mordukhovich, một chuyên gia hàng đầu về Toán ứng dụng và là người có công lớn trong việc xây dựng Giải tích biến phân, đã trình bày bài giảng “Recent Applications of Variational Analysis - Một số ứng dụng mới của Giải tích biến phân” tại VIASM. Bài giảng được Giáo sư trình bày theo cách mà bất kỳ nhà toán học nào cũng có thể tiếp cận, một số phát triển gần đây trong giải tích biến phân, tối ưu hóa không trơn và điều khiển tối ưu. Chúng bao gồm các phương pháp Newton không trơn và điều khiển tối ưu của các quy trình quét. Sự chú ý chính được dành cho các ứng dụng của các kết quả thu được cho các vấn đề về học máy và thống kê, cho các mô hình động phát sinh trong kỹ thuật robot, cân bằng giao thông và công nghệ nano.
GS. Sebastian Pokutta (Zuse Institute Berlin, Đức) giảng bài
Sáng ngày 14/03/2025, GS. Sebastian Pokutta, một chuyên gia hàng đầu về Toán ứng dụng, Trí tuệ nhân tạo -Phó Chủ tịch của Zuse Institute Berlin đã có bài giảng đại chúng về “The Colorful World of Optimization - Thế giới đa sắc màu của Tối ưu hóa” tại Trường Đại học Ngoại thương cho đông đảo sinh viên và các thầy cô giáo, các nhà toán học. Bài giảng thu hút được rất nhiều người tham dự trực tiếp và trực tuyến. Bài giảng cho thấy tối ưu hóa là động lực thầm lặng thúc đẩy sự đổi mới trong khoa học, công nghệ và công nghiệp. Từ các vấn đề cổ điển trong lập trình tuyến tính đến những tiến bộ hiện đại trong tối ưu hóa phi tuyến tính, tổ hợp và ngẫu nhiên, diễn giả đã cung cấp tổng quát về bối cảnh đang phát triển của tối ưu hóa nhằm khám phá các khái niệm cơ bản, thuật toán thực tế và cung cấp một số liên kết đến các ứng dụng. Ngoài các kỹ thuật, diễn giả đã trình bày nền tảng toán học giúp tối ưu hóa có thể thực hiện được cũng như tác động của các phương pháp tối ưu hóa hiện đại trong học máy và AI.
Có 16 bài giảng tại Trường xuân được trình bày trong 2 ngày 10-11/3/2025.
GS. Sorin-Mihai Grad (École Nationale Supérieure de Techniques Avancées, ParisTech, Pháp) giảng bài
GS. Sorin-Mihai Grad giảng về những gì chúng ta biết (cho đến nay) về các hàm tựa lồi mạnh – một lớp hàm được B. T. Polyak đưa ra năm 1966, có ý nghĩa quan trọng trong lý thuyết tối ưu.
GS. Lê Thị Hoài An (Université de Lorraine, Pháp) giảng bài
GS. Lê Thị Hoài An giảng giải kỹ lưỡng vì sao các thuật toán tối ưu hiệu hai hàm lồi Sự khác biệt của các hàm có thể nâng cao các giải pháp AI.
GS. Phạm Tiến Sơn (Trường Đại học Đà Lạt) giảng bài
GS. Phạm Tiến Sơn đã có một bài giảng rất cuốn hút về tối ưu đa thức dưới tiêu đề “Biểu diễn các hàm không âm và điều kiện tối ưu toàn cục”.
Hội thảo diễn ra từ ngày 12-15/3/2025 có 40 báo cáo mời (gồm 8 báo cáo mời toàn thể và 32 báo cáo mời 30- 35 phút) và 10 báo cáo đóng góp (mỗi báo cáo 20 phút) gồm 4 phiên toàn thể 80 phút (gồm 2 báo cáo 40 phút), 1 phiên toàn thể 70 phút (gồm 2 báo cáo 35 phút) và 4 phiên song song, mỗi phiên có 3 tiểu ban.
GS. Juan Enrique Martinez-Legaz (Autonomous University of Barcelona, Tây Ban Nha) báo cáo tại Hội thảo
GS. Juan Enrique Martinez-Legaz đã đọc báo cáo mời toàn thể về các đặc trưng đối ngẫu của ba hàm khoảng cách, trong đó chỉ ra vai trò quan trọng của hàm liên hợp Fenchel và dưới vi phân Fenchel.
GS. Christiane Tammer (Martin-Luther University Halle, Đức) trình bày báo cáo
GS. Christiane Tammer – Tổng biên tập tạp chí Optimization – đã trình bày báo cáo mời toàn thể về điều kiện cần cho các nghiệm xấp xỉ của các bài toán tối ưu vectơ và tối ưu tập hợp với cấu trúc trội biến thiên. Đây là một hướng nghiên cứu mới, mà ở đó bà đã có những đóng góp lớn.
Các bài giảng và báo cáo đã giới thiệu những vấn đề nghiên cứu thời sự, được nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Giải tích biến phân và Tối ưu hoá cùng các ứng dụng và các lĩnh vực có liên quan.
Công tác tổ chức Trường xuân và Hội thảo cũng được thực hiện cẩn thận, chu đáo, đảm bảo an toàn theo quy định.
Khép lại Trường xuân và Hội thảo “Giải tích biến phân và Tối ưu hóa 2025” với, những ngày làm việc sôi nổi, hiệu quả đã mang lại nhiều giá trị học thuật sâu sắc và mở ra các cơ hội hợp tác nghiên cứu trong tương lai. Sự kiện không chỉ góp phần thúc đẩy giao lưu học thuật quốc tế mà còn tạo nền tảng vững chắc để phát triển lĩnh vực Giải tích biến phân và Tối ưu hóa tại Việt Nam.
Một số hình ảnh khác tại Trường xuân và Hội thảo