Quỹ Giáo dục Việt Nam VEF: Chất xúc tác cho quá trình đổi mới tại Việt Nam

Trung tuần tháng 9 vừa qua, Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation – VEF) đánh dấu chặng đường lịch sử 18 năm bằng lễ tổng kết những thành tựu trong trao đổi giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh.

Quỹ VEF được thành lập bởi Quốc hội Hoa Kỳ theo Đạo luật Quỹ Giáo dục Việt Nam năm 2000 nhằm tăng cường mối quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thông qua ba chương trình chính là: (1) Chương trình học bổng, đưa các công dân Việt Nam sang Hoa Kỳ theo học các chương trình đào tạo sau đại học; (2) Chương trình học giả, tài trợ cho các công dân Việt Nam đã có bằng tiến sĩ có cơ hội phát triển chuyên môn thông qua các khóa học, các hoạt động nghiên cứu, và quan sát tại các trường, viện nghiên cứu hàng đầu của Hoa Kỳ và (3) Chương trình giáo sư Hoa Kỳ giảng dạy tại các trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam. Buổi lễ vừa qua cũng là sự kiện thông báo VEF sẽ chấm dứt hoạt động vào ngày 31-12 sắp tới theo Đạo luật thành lập quỹ. Bà Nguyễn Thị Thanh Phượng, Trưởng đại diện của VEF, cho biết:

vef-3.jpg

Bà Nguyễn Thị Thanh Phượng

Sau 18 năm hoạt động, VEF đã trao gần 700 học bổng đào tạo sau đại học, nghiên cứu và giảng dạy. Hơn 400 sinh viên Việt Nam đã và sẽ nhận được học vị tiến sĩ và hơn 130 sinh viên hoàn tất chương trình thạc sĩ. VEF cũng tài trợ cho hơn 100 học giả Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc giảng dạy, nghiên cứu và phát triển chuyên môn tại các cơ sở giáo dục và nghiên cứu của hai nước. Nhiều cựu nghiên cứu sinh của chương trình VEF đạt nhiều thành tựu nổi bật, phục vụ cho lợi ích cộng đồng trong các ngành y sinh, nghiên cứu và điều trị ung thư…

Bà đánh giá thế nào về chất lượng của lực lượng ứng viên VEF nhiều năm qua?

Được làm việc ở Trưởng đại diện của VEF là một may mắn của tôi, vì đây là cơ hội để tôi được tiếp xúc, làm việc với rất nhiều ứng viên tài năng từ các trường. Và tôi hạnh phúc khi thấy rất nhiều sinh viên Việt Nam tài giỏi.

Theo thống kê trên cả nước Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội và ĐHQG TP. Hồ Chí Minh là hai đơn vị ứng viên hàng đầu cho Quỹ Giáo dục VEF, cả về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt là hai trường có số lượng ứng viên nhận học bổng VEF nhiều nhất trên cả nước. Điều đó cho thấy chất lượng sinh viên tại các trường ĐHQG cũng như các trường thành viên đều rất tốt. Nhiều giáo sư Hoa Kỳ sang giảng dạy tại Việt Nam cho biết họ rất ấn tượng với sinh viên ở các trường ĐHQG.

Không ít ứng viên sau khi được học tập với học bổng VEF đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế. Mặc dù cơ hội làm việc ở nước ngoài luôn rộng mở sau khi tốt nghiệp, họ vẫn quyết tâm trở về để góp phần phát triển quê hương. Hầu hết sinh viên nhận học bổng VEF đều tài năng, ham học mà lại vui vẻ, thân thiện. Điều này đã trở thành một ấn tượng đẹp khiến cho nhiều giáo sư Hoa Kỳ phải quay trở lại Việt Nam nhiều lần sau khi hết khóa học.

Có một lưu ý từ các giáo sư Hoa Kỳ là chúng ta cần quan tâm hơn đến các ngành khoa học cơ bản. Báo cáo của VEF về giáo dục đại học Việt Nam có đoạn viết: “Không nên bỏ các môn cơ bản của các ngành khoa học kỹ thuật dù có thể chưa có ứng dụng ngay tại thời điểm học, bởi kiến thức nền tảng của những môn này rất quan trọng với sinh viên khi học lên cao trong các ngành khoa học kỹ thuật”…

Cá nhân bà nhận định thế nào về vấn đề này?

Những ngành khoa học cơ bản đang chịu nhiều “thiệt thòi”, vì cơ hội nghề nghiệp không nhiều, lại khó có thu nhập cao. Chẳng hạn như ngành toán học, là ngành đã giúp giáo sư Ngô Bảo Châu được thế giới biết đến, nhưng lượng sinh viên theo học rất ít, vì sau khi tốt nghiệp chỉ có thể đi dạy hoặc làm nghiên cứu. Thực tế, ngành này lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tạo dựng nền tảng tạo tri thức mới cho nhân loại. 

vef2.jpg

Các cựu thành viên VEF chụp ảnh lưu niệm trong sự kiện họp mặt chính thức lần cuối tại TP.HCM

Theo đánh giá của các chuyên gia Hoa Kỳ, chương trình đào tạo của Việt Nam còn khá nặng về nghề, cần phải được thiết kế lại. Nhưng dù thay đổi, cải tiến thế nào, chúng ta vẫn phải duy trì các ngành khoa học cơ bản, vì nó là kiến thức quan trọng cho các ngành khoa học ứng dụng khác. Là đơn vị đầu ngành, ĐHQG nói chung và Đại học Khoa học Tự nhiên nói riêng đã luôn duy trì và tạo điều kiện phát triển những con người xuất sắc trong các ngành khoa học cơ bản. Trường luôn có những chương trình học bổng, ưu tiên dành cho sinh viên các ngành này. Đây là động lực lớn cho sinh viên giỏi và đam mê các ngành khoa học cơ bản. Bên cạnh đó, các quỹ nước ngoài cũng thường có các phần học bổng ưu tiên cho ngành STEM, trong đó có quỹ VEF.

Theo tôi, ban lãnh đạo ở các trường ĐHQG đã có sự quan tâm một cách rõ ràng với các chương trình của VEF. Các trường còn chủ động ứng ngân sách của trường để hỗ trợ nhiều ứng viên được tham gia chương trình của VEF. Điều này thể hiện tầm nhìn của ban giám đốc trong việc đào tạo giảng viên và sẵn sàng có những sáng kiến, đầu tư khi cần thiết.

Tôi còn nhớ có lần một phái đoàn giáo sư Hoa Kỳ sang Việt Nam để phỏng vấn các ứng viên nhận học bổng VEF. Thầy hiệu trưởng đã ngỏ lời mời phái đoàn này tham vấn cho ĐHQG Hà Nội về một số vấn đề giáo dục. Buổi trò chuyện, tham vấn đã diễn ra trong một không gian ấm áp, chân tình ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Phía các giáo sư Hoa Kỳ khá nhiệt tình, cởi mở chia sẻ kinh nghiệm còn phía các thầy cô ĐHQG Hà Nội thể hiện rõ tinh thần cầu tiến, ham học hỏi.

Qua đó có thể thấy được ước muốn nâng cao chất lượng giáo dục của ban giám đốc xuất phát từ mong mỏi bên trong chứ hoàn toàn không phải là do áp lực từ bên ngoài. Và đây là yếu tố quan trọng để hướng đến một trường đại học tinh hoa. Tôi mới được nghe một thông tin tuyệt vời là ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP. Hồ Chí Minh được xếp thứ hạng khoảng 800 trên thế giới, kết quả này hoàn toàn xứng đáng với những nỗ lực mà hai trường đã đạt được trong thời gian qua.

vef1.jpg

Giao lưu giữa các thế hệ nghiên cứu sinh của chương trình VEF

Quỹ VEF đã kết thúc 18 năm hoạt động tại Việt Nam, quả là đáng tiếc…

Đúng là đáng tiếc, nhưng hầu hết những người tham gia VEF như tôi đều đã biết trước điều này. Nên chúng tôi đã cố gắng làm tốt tất cả các hoạt động trước khi nói lời chia tay VEF. Có thể nói, Quỹ Giáo dục Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh của mình, đó là thắt chặt mối quan hệ hai nước thông qua giáo dục.

Hiện nay, mạng lưới hơn 600 anh chị nghiên cứu sinh ngành STEM, khoảng 200 các thầy cô theo học chương trình học giả, hàng trăm giáo viên Việt Nam được đào tạo theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ sẽ tiếp tục lan tỏa văn hóa giữa hai nước. Chiếc cầu nối giữa hai quốc gia sẽ tiếp tục rộng mở về kinh tế, giáo dục cũng như các lĩnh vực khác. Chính vì vậy, với những người đã đồng hành với VEF trong nhiều năm qua, chúng tôi quan niệm rằng VEF đã hoàn thành sứ mệnh của mình nhưng không kết thúc. Các cựu sinh viên VEF sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng to lớn và chất xúc tác cho quá trình đổi mới tại Việt Nam trong tương lai. Cảm ơn bà về những chia sẻ trên.

Nguồn bài viết: http://doanhnhanplus.vn/giao-duc/quy-giao-duc-viet-nam-vef-chat-xuc-tac-cho-qua-trinh-doi-moi-tai-viet-nam.html