Tổng kết Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học và Kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán

Ngày 23/12/2020, Hội nghị Tổng kết Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học (sau đây gọi tắt là Chương trình) và Kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (sau đây gọi tắt là Viện NCCCT) đã diễn ra tại Hà Nội. Tham dự Chương trình có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, đồng chí Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, đồng chí Lưu Bình Nhưỡng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân nguyện Quốc hội, đồng chí Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện Lãnh đạo Vụ Khoa Giáo Văn Xã - Văn phòng Chính phủ, Lãnh đạo các trường đại học, viện nghiên cứu, thành viên các Ban xây dựng, Ban soạn thảo Chương trình và Ban điều hành Chương trình các thời kỳ cùng đông đảo các nhà khoa học, cộng đồng Toán học Việt Nam và GS. Ngô Huy Cẩn, PGS. Trần Lưu Vân Hiền, thân sinh của GS. Ngô Bảo Châu.

Tham gia trực tuyến từ Chicago, Hoa Kỳ, GS. Ngô Bảo Châu - Giám đốc khoa học Viện NCCCT - đã phát biểu khai mạc Hội nghị. Giáo sư đã chia sẻ suy nghĩ của mình về quá trình xây dựng Chương trình và gửi lời cảm ơn chân thành tới các cá nhân, tổ chức đã tham gia trực tiếp/ gián tiếp cho sự phát triển của Toán học Việt Nam. Giáo sư khẳng định, Toán học Việt Nam đã có những bước tiến rõ nét trong 10 năm qua. Những đơn vị nghiên cứu hàng đầu như Viện Toán học luôn duy trì vị trí đầu đàn của mình, không chỉ ở số lượng nghiên cứu mà đặc biệt ở chất lượng nghiên cứu. Đã có những công trình toán học hoàn toàn thực hiện ở Việt Nam đã được ghi nhận và công bố ở những tạp chí hàng đầu quốc tế. Nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, nếu không kể đến các trường hàng đầu như Đại học Quốc gia, vốn rất mỏng, nay đã phát triển mạnh đặc biệt về số lượng công bố. Tuy chất lượng công bố có thể còn chưa đồng đều, nhưng cũng có những công trình rất xuất sắc đã được hoàn thành. Với sự hỗ trợ của Chương trình Toán, Viện NCCCT đã liên tục tổ chức, hỗ trợ các nhóm nghiên cứu, hội nghị, hội thảo và đã thực sự đóng góp vào bước tiến của nghiên cứu Toán học Việt Nam trong giai đoạn 10 năm vừa qua. Tuy vẫn còn đối mặt với nhiều thử thách, GS. Ngô Bảo Châu vẫn bày tỏ sự lạc quan vào tương lai phát triển bền vững của Toán học Việt Nam, đặc biệt trong mười năm tới là sự chuyển biến đồng đều về chất lượng nghiên cứu khoa học, từ đó đưa Toán học Việt Nam lên một tầm cao mới.

Một niềm vui lớn, bất ngờ đối với toàn thể người tham dự hội nghị đã được Giáo sư Ngô Bảo Châu chính thức thông báo: Ngày 22/12/2020, tức là 1 ngày trước khi diễn ra buổi tổng kết Chương trình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thay mặt Chính phủ ký quyết định phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030. Giáo sư khẳng định thành tựu đạt được 10 năm qua là một trong những tiền đề quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu của 10 năm tới.  Nhân dịp này, GS. Ngô Bảo Châu đã gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng chính phủ và các Bộ, Ngành liên quan đã hết sức ủng hộ cho việc tiếp tục thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2030.

TK10-1.jpg

GS. Ngô Bảo Châu tham gia trực tuyến từ Chicago, Hoa Kỳ

 Sau bài phát biểu khai mạc, PGS. Lê Minh Hà - Giám đốc điều hành Viện NCCCT đã trình bày báo cáo tổng kết Chương trình giai đoạn 2010-2020. Chương trình giai đoạn 2010-2020 đã hoàn thành được 5/6 mục tiêu đã đề ra, trong đó có những thành tựu nổi bật.

TK10-2.jpg

PGS. Lê Minh Hà báo cáo tổng kết 10 năm Chương trình Toán giai đoạn 2010-2020 

Một trong những thành tựu xuất sắc nhất là đã xây dựng thành công Viện NCCCT với mô hình và quy chế tổ chức, hoạt động đặc thù. Sau khi thành lập được 3 năm, Viện đã được Hội Toán học châu Âu công nhận là “Trung tâm Toán học xuất sắc khu vực – Emerging Regional Centres of Excellence” giai đoạn 2013-2017 và tiếp tục được công nhận trong giai đoạn 2019-2023. Đặc biệt, Chương trình giai đoạn 2010-2020 đã góp phần đưa Toán học Việt Nam từ vị trí 50-55 lên vị trí trong khoảng 35-40 trên thế giới, và đứng đầu ASEAN (xét trên tiêu chí số lượng công bố quốc tế). Đây là một thành tích rất ấn tượng, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới, và ngay ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã đầu tư rất mạnh cho khoa học cơ bản và toàn bộ hệ thống các cơ sở nghiên cứu - đào tạo với kinh phí rất lớn.

Mục tiêu duy nhất của Chương trình chưa thực sự được hoàn thành, theo báo cáo của Viện NCCCT, là xây dựng Viện Toán học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và 1-2 Khoa Toán ở các trường đại học lớn trở thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo Toán của khu vực. Đây là mục tiêu cần được đầu tư đúng mức và mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tiếp theo - báo cáo nhận định. Ngoài ra, cũng theo báo cáo, có hai giải pháp đề ra chưa được thực hiện hoặc thực hiện ở mức hạn chế. Thứ nhất, chưa triển khai được việc cử cán bộ, giảng viên Toán đi học tập nâng cao và trao đổi khoa học định kỳ ở nước ngoài. Thứ hai, giải pháp hỗ trợ một số đề tài nghiên cứu ứng dụng Toán học trọng điểm với kinh phí đủ cao đang gặp khó khăn về cơ chế tài chính, thậm chí một số đề tài đã được phê duyệt nhưng phải tạm dừng.

Về kinh phí, tính đến 2020, tổng kinh phí cấp về Viện để thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình là: 272.398 triệu đồng, chiếm gần 42% trên tổng kinh phí được phê duyệt của Chương trình (651 tỷ đồng). Trong đó, kinh phí cấp thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình Toán là 127.388 triệu đồng và kinh phí cấp thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của Viện NCCCT là 145.010 triệu đồng. Chương trình và Viện NCCCT cũng đã thu hút được sự đóng góp, tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước. Với kinh phí được cấp khá hạn chế so với đề xuất ban đầu, việc thực hiện được thành công phần lớn các mục tiêu đề ra là một thành tích rất xuất sắc, thể hiện nỗ lực rất lớn của toàn thể cộng đồng Toán học Việt Nam.

 Cần nhấn mạnh rằng những kết quả đạt được không phải hoàn toàn có được là nhờ Chương trình mà còn các nguồn hỗ trợ khác. Ví dụ như sự ra đời của Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted) đã tác động rất mạnh đến toàn bộ nền khoa học của Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực Toán học. Nỗ lực của các viện nghiên cứu, trường đại học cho các nghiên cứu khoa học của giảng viên. Nhưng chắc chắn việc sớm ra đời một chiến lược hành động và bắt tay vào thực hiện một cách quyết liệt rõ ràng có góp phần không nhỏ trong thành công chung.

Trong bài phát biểu của mình, GS. Nguyễn Thiện Nhân ôn lại những kỷ niệm đáng nhớ về sự ra đời của Chương trình giai đoạn 2010-2020 và việc thành lập của Viện NCCCT với những chi tiết mà sau hơn 10 năm vẫn còn hết sức sống động. Tại cuộc gặp mặt các nhà Toán học Việt Nam tham gia chấm thi IMO [Olympic Toán học Quốc tế] vào tháng 8/2007, GS Nguyễn Thiện Nhân - khi đó vừa được bầu làm Phó Thủ tướng - đã đặt câu hỏi với các nhà Toán học về thứ hạng của ngành Toán Việt Nam. Câu trả lời khiến ông giật mình, vì sao Việt Nam thi IMO luôn nằm trong top 10 mà thứ hạng Toán học, theo đánh giá sơ bộ, lại ở vị trí 70. Bởi vậy, ông đã chỉ đạo tiến hành một nghiên cứu, đánh giá thực trạng Toán học Việt Nam, và trên cơ sở đó xây dựng một chiến lược với mong muốn đưa thứ hạng Toán học Việt Nam lên ít nhất là 50, hoặc tốt hơn nữa là 40.

GS. Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị 

Quá trình phê duyệt Chương trình là cuộc chạy đua với thời gian. Vì biết ngày 19/8/2010, GS. Ngô Bảo Châu nhận giải Fields ở Ấn Độ, ông muốn Chương trình phải được ký phê duyệt chậm nhất vào ngày 17/8 cùng năm, để sau khi nhận giải Fields, GS. Ngô Bảo Châu biết Việt Nam đã có chương trình hoạt động lớn cho ngành Toán học và có thể lấy đó làm “chỗ đi về, chỗ gắn bó nhiều năm nữa”. Bấy giờ, các chương trình do Chính phủ ký chỉ được phê duyệt kinh phí nhiều nhất là 5 năm và mỗi năm duyệt chi 1 lần. Nhưng với Chương trình này, Chính phủ nhất trí phê duyệt kinh phí luôn cho 10 năm. “Đây là điều rất ngoại lệ,” GS. Nguyễn Thiện Nhân khẳng định. “Để các nhà Toán học thấy Chính phủ quyết tâm làm Toán.” Ngoại lệ thứ hai xảy ra trong quá trình xây dựng cơ chế tài chính cho Viện NCCCT, đơn vị điều phối của Chương trình, nơi sẽ có nhiều hoạt động liên quan đến mời chuyên gia nước ngoài và tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, tức là phải có kinh phí cho người đến học, đến làm việc ngắn hạn. Lúc đó, do Chính phủ chưa có định mức cho các khoản chi này nên đã “giao cho thầy Châu và Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng”, theo GS. Nguyễn Thiện Nhân. Ông nhận xét, đây là một điều rất đặc biệt mà sau này Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc VKIST khi làm quy chế có tham khảo mô hình của VIASM, nhưng đến nay còn chưa được thông qua cơ chế “có quyền chi khác, chi theo nhu cầu”. Chính phủ đã rất quyết tâm nên mới có chỗ cho những đột phá về cơ chế như vậy, GS Nhân kết luận.

Phát biểu tại Hội nghị, GS. Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao các kết quả đã đạt được của Chương trình giai đoạn 2010-2020 và Viện NCCCT. Đặc biệt, chỉ với số lượng nhân sự khiêm tốn, khoảng 15 người, Viện NCCCT đã điều phối rất xuất sắc khối lượng hoạt động khổng lồ trong 10 năm qua, bao gồm cả các hoạt động thường xuyên của Viện và các hoạt động của Chương trình. Nhấn mạnh phát triển luôn luôn phải có sự hoàn thiện, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong rằng, Viện NCCCT tiếp tục phát huy điểm mạnh, từng bước chuyển dần sang nghiên cứu ứng dụng, hướng tới có sự đặt hàng nghiên cứu từ các địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp. Bộ trưởng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẵn sàng kết nối, hỗ trợ để cùng Viện NCCCT thực hiện định hướng này. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị, thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động hướng về trường học, từ đó hình thành đội ngũ giáo viên giỏi Toán trong các trường phổ thông để làm hạt nhân, cốt cán bồi dưỡng, bồi dưỡng lại cho đồng nghiệp, tạo sự lan tỏa bền vững trong toàn hệ thống. Đồng thời, tạo điều kiện để đội ngũ này được tiếp cận với các nhà khoa học quốc tế có uy tín.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bắt tay chào mừng các nhà Toán học 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ sự vui mừng khi Chương trình giai đoạn 2021-2030 đã được phê duyệt, tiếp nối với giai đoạn 2010-2020. Chương trình có mục tiêu chung là tiếp tục phát triển Toán học Việt Nam bền vững và mạnh mẽ về mọi mặt: nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo, tương xứng với tiềm năng trí tuệ của con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đưa Toán học trở thành một bộ phận hữu cơ trong sự phát triển chung của khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội; nâng cao vị thế của Toán học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030 được xây dựng trên quan điểm đảm bảo tính liên tục, phát huy và kế thừa những thành tựu của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 đến 2020. Theo đó, Chương trình 2021-2030 không chủ trương đưa ra một giải pháp toàn diện, bao trùm lên mọi mặt của việc phát triển Toán học mà chỉ tập trung vào một số mục tiêu cụ thể và nhiệm vụ giải pháp vừa khả thi, vừa có tính chất nền tảng, tạo nên những thay đổi căn bản. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục là cơ quan chủ trì, có nhiệm vụ giao Viện NCCCT là đơn vị thường trực điều phối thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2030.

Thay mặt Ban Tổ chức, PGS. Lê Minh Hà đã gửi lời cảm ơn và tiếp thu các ý kiến phát biểu chỉ đạo của GS. Nguyễn Thiện Nhân và GS. Phùng Xuân Nhạ. PGS. Lê Minh Hà cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ban ngành; đặc biệt là của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong chặng đường 10 năm qua của Chương trình Toán và Viện NCCCT. Không chỉ dừng lại ở đó, đó còn là sự ủng hộ đối với Chương trình Toán giai đoạn 2021-2030 vừa được phê duyệt cũng như cả chặng đường 10 năm và hơn nữa ở phía trước.

Phần cuối của Hội nghị là các ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu về những kết quả đã đạt được của Chương trình và Viện NCCCT, đồng thời chia sẻ về những nhiệm vụ, giải pháp cần phải thực hiện trong giai đoạn mới.

GS. Trần Văn Nhung, trưởng ban soạn thảo chương trình 2010-2020, khẳng định sau 10 năm Toán học Việt Nam đã có những thay đổi tích cực và được đánh giá cao. Bên cạnh đó, như trong báo cáo của PGS. Lê Minh Hà vừa trình bày, vẫn còn những điểm chưa thực hiện được hoặc thực hiện còn hạn chế, chẳng hạn như về phát triển Toán ứng dụng. Song GS cũng nhận định thông qua câu nói của A. Einstein: “Ứng dụng toán học ngay là khó! Đây là cái khó cho cả toán học thế giới. Vả lại cũng không thể đòi hỏi phải ứng dụng toán học nhanh chóng, vội vã, hình thức theo kiểu “mỳ ăn liền” được”. GS. Trần Văn Nhung nhấn mạnh, Toán học rất quan trọng. Chúng ta đang thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Mà theo GS. K. Schwab, CMCN 4.0 lấy tin học, vật lý và sinh học làm cơ sở. Toán học là cơ sở trực tiếp của tin học và vật lý. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng trước mắt là phải “đưa Toán học về lại vị trí số một của nó”.

Tại Hội nghị, GS. Lê Tuấn Hoa cũng chia sẻ thêm về quá trình hình thành và phát triển của Chương trình Toán và Viện NCCCT. Giáo sư nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ủng hộ quyết liệt của các cấp lãnh đạo, từ Chính phủ tới các bộ ngành trung ương và địa phương, đặc biệt là của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại các thời khắc mấu chốt. Theo GS. Lê Tuấn Hoa, ý nghĩa lớn nhất của Chương trình, đó là đã dẫn dắt và tạo xu thế phát triển cho Toán học Việt Nam. Chương trình giai đoạn 2010-2020 đã làm được và tạo nền tảng vững chắc. Vì vậy, cùng với sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp, Chương trình giai đoạn 2021-2030 sẽ còn làm được hơn thế và còn thành công hơn những gì được trao đổi hôm nay.

Phát biểu của GS. Nguyễn Hữu Dư tập trung vào các hoạt động của Viện NCCCT. Một trong những thuận lợi để tạo nên những thành tựu nổi bật hôm nay là cơ chế hoạt động đặc thù của Viện. Nhưng cũng chính vì vậy, trong quá trình vận hành, Viện cũng gặp những khó khăn nhất định. Trong giai đoạn tới, dù chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn, GS. Nguyễn Hữu Dư vẫn tin tưởng vào sự phát triển bền vững của Toán học Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cũng đã chia sẻ với Hội nghị về những bước tiến của Toán học Việt Nam. Một điều có thể nhận thấy là bây giờ những nhà khoa học trẻ  đã có thêm nhiều cơ hội được gặp gỡ, làm việc và học hỏi  với các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở nhiều tỉnh thành khác. Thứ trưởng khẳng định, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ luôn đầu tư và ưu tiên cho khoa học cơ bản, trong đó có Toán học và Vật lý. Đặc biệt, trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Toán học càng trở nên quan trọng, và phải lấy lại vị thế của mình.

Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp hình lưu niệm

Thông tin bổ sung: 

Một số hình ảnh về Hội nghị:
https://www.facebook.com/media/set/?vanity=viasmeduvn&set=a.3907393202617943 

Quyết định phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030: https://viasm.edu.vn/npdm/van-ban 

Một số bài viết về Hội nghị:

https://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/chuong-trinh-trong-diem-quoc-gia-phat-trien-toan-hoc-giai-doan-20102020-hoan-thanh-56-muc-tieu/2020122308303739p1c160.htm

https://tuoitre.vn/toan-hoc-viet-nam-tang-hon-15-bac-o-vi-tri-35-40-the-gioi-2020122313292341.htm

https://m.vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/toan-hoc-viet-nam-tang-hon-15-bac-tren-the-gioi-sau-10-nam-699685.html

https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7151

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/giao-su-ngo-bao-chau-nghien-cuu-toan-hoc-o-viet-nam-da-thuc-su-khoi-sac-20201224054217236.htm?fbclid=IwAR01wvb0VqGrC9RAYHpJZEK4sy8W1t1-bWL24amJJEPByGbGX6PXOM0oeZY

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/gs-nguyen-thien-nhan-phai-xay-dung-he-sinh-thai-toan-hoc-viet-nam-20201223185653192.htm?fbclid=IwAR0u7feF4YANRixe79v7JBu48iUAbTteNS-d5pgU1f9zfMFqXGLj0QTw0K0

https://thanhnien.vn/giao-duc/gs-ngo-bao-chau-viet-nam-can-khang-dinh-vi-tri-tren-ban-do-toan-hoc-the-gioi-1320702.html

https://tuoitre.vn/toan-hoc-viet-nam-tang-hon-15-bac-o-vi-tri-35-40-the-gioi-2020122313292341.htm

https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/phe-duyet-chuong-trinh-trong-diem-quoc-gia-phat-trien-toan-hoc-2021-2030-awj6rvbGR.html

https://m.giadinh.net.vn/giao-duc/phe-duyet-chuong-trinh-trong-diem-quoc-gia-phat-trien-toan-hoc-2021-2030-20201223150827186.htm

https://vnanet.vn/vi/anh/anh-thoi-su-trong-nuoc-1014/tong-ket-chuong-trinh-trong-diem-quoc-gia-phat-trien-toan-hoc-giai-doan-2010---2020-5197671.html

https://zingnews.vn/phe-duyet-chuong-trinh-trong-diem-quoc-gia-phat-trien-toan-hoc-post1166041.html

https://baoquocte.vn/toan-hoc-viet-nam-gay-an-tuong-khi-dung-top-40-the-gioi-va-dung-dau-trong-khoi-asean-132246.html

https://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/nang-cao-vi-the-cua-toan-hoc-viet-nam-351135/

https://vov2.vov.vn/giao-duc-dao-tao/nang-cao-vi-the-cua-toan-hoc-viet-nam-trong-khu-vuc-va-the-gioi-23689.vov2

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/phan-dau-nam-2030-co-truong-dai-hoc-xep-hang-top-400-the-gioi-ve-toan-hoc-20201223113617552.htm

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/cong-bo-quoc-te-cua-toan-hoc-viet-nam-dang-dung-o-dau-so-voi-chau-a-20201225090758489.htm

https://tuoitre.vn/gs-ngo-bao-chau-vien-nghien-cuu-cao-cap-gop-phan-chan-hung-toan-hoc-viet-nam-398417.htm

https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/bo-truong-phung-xuan-nha-an-tuong-voi-phan-bien-cua-cac-nha-toan-hoc-699979.html

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/bao-dong-nhieu-truong-dai-hoc-cat-bo-mon-toan-sinh-vien-gioi-ngay-cang-it-20201229075451126.htm

https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/an-tuong-toan-hoc-viet-nam-dvnzC8bGR.html

https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/khoi-nguon-cam-hung-cho-nguoi-hoc-toan-ruMb9UbMg.html

https://www.vietnamplus.vn/vien-nghien-cuu-cao-cap-ve-toan-trung-tam-toan-hoc-xuat-sac-khu-vuc/686095.vnp

https://tuoitre.vn/20-nam-phat-trien-cong-nghe-thong-tin-va-trien-vong-doi-moi-mo-hinh-tang-truong-cua-viet-nam-20201225170005992.htm

 Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán tổng hợp.